menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Cựu Tổng thống đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng kinh tế như thế nào

Kinh tế Sri Lanka đã yếu đi do sai lầm từ chính phủ trước, khiến những quyết định của Gotabaya Rajapaksa trở thành giọt nước tràn ly.

Ngày 14/7, cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa viết đơn từ chức vài giờ sau khi đặt chân đến Singapore trong nỗ lực tháo chạy khỏi đất nước. Khi đắc cử cách đây 3 năm, ông hứa hẹn xây dựng một đất nước "thịnh vượng và tráng lệ", nhưng Sri Lanka giờ chìm trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 7 thập kỷ.

Từ quốc gia được coi là mô hình cho các nền kinh tế đang phát triển, Sri Lanka vỡ nợ hồi tháng 5, hiện đối mặt với lạm phát gần 60% và không đủ ngoại tệ để nhập khẩu các nhu yếu phẩm như xăng dầu, thuốc men. Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đã hình thành nhiều năm qua, chủ yếu do quản lý kinh tế yếu kém và một phần nhỏ do kém may mắn.

Gotabaya xuất thân trong quân đội. Ông từng là Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka và sinh trưởng trong gia tộc nắm quyền lực lãnh đạo đất nước suốt 2 thập kỷ qua.

"Gotabaya không có kinh nghiệm chính trị và không biết gì về kinh tế. Tổng thống phụ thuộc hoàn toàn vào cố vấn PB Jayasundara để điều hành nền kinh tế. Vấn đề là Jayasundara đưa ra những lời khuyên tồi tệ", Charitha Herath, nghị sĩ SLPP và từng làm việc ở một số ủy ban tài chính quốc hội, nhận xét trên Guardian.

Giới phân tích cho rằng sai lầm trong điều hành từ các chính phủ trước vốn đã làm yếu tài chính công của Sri Lanka, khiến nước này chi nhiều hơn thu và kéo tụt hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, những quyết định chính sách của Gotabaya sau đó trở thành giọt nước tràn ly, chính thức đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng.

Ngay sau khi nhậm chức vào cuối năm 2019, ông mạnh tay giảm thuế để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, việc này lại khiến nguồn thu của chính phủ giảm hơn 2,7 tỷ USD trong hai năm.

Vài tháng sau, Covid-19 xuất hiện. Ngân sách của Sri Lanka càng chịu ảnh hưởng nặng nề, do nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và kiều hối. Lo ngại về tài chính công và khả năng trả nợ của Sri Lanka, nhiều hãng đánh giá tín nhiệm đã hạ xếp hạng của nước này xuống gần mức vỡ nợ, khiến họ không thể tiếp cận thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sai lầm lớn nhất của Gotabaya là lệnh cấm phân bón hóa học của chính phủ năm 2021. Giới chức khẳng định việc này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên, 6 tháng sau, Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo biến thành nước nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài. Việc này cũng khiến sản lượng nhiều mặt hàng khác lao dốc, châm ngòi cho lạm phát và giáng đòn vào xuất khẩu chè, cao su của Sri Lanka. Nông dân Sri Lanka lao đao vì mất hơn 50% sản lượng nông nghiệp.

7 tháng sau khi ban hành quyết định trên, chính phủ nước này thu hồi lệnh cấm. Tuy nhiên, ABC nhận định kinh tế Sri Lanka đã chịu thiệt hại đáng kể. Chỉ riêng tác động với ngành chè – sản phẩm xuất khẩu chính của Sri Lanka – đã tương đương thiệt hại kinh tế hơn 400 triệu USD.

Ngân sách hao hụt, lại không thể vay nợ trên thị trường vốn quốc tế khiến Sri Lanka phải dựa vào dự trữ ngoại hối để duy trì nền kinh tế. Khối dự trữ của họ vì thế co lại nhanh chóng, từ 6,9 tỷ USD năm 2018 xuống 2,2 tỷ USD năm nay.

Thiếu hụt ngoại tệ trong bối cảnh giá cả mọi hàng hóa đều tăng do Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu đủ xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác. Cuộc sống của người dân Sri Lanka biến thành chuỗi ngày xếp hàng không hồi kết để chờ mua nhu yếu phẩm. Rất nhiều mặt hàng đã bị hạn chế số lượng. Có thời điểm, Sri Lanka phải ngừng bán xăng dầu trong 2 tuần vì dự trữ nhiên liệu cạn kiệt.

Trong khi đó, năm nay, Sri Lanka còn phải trả 4 tỷ USD nợ. Trong đó có 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế đáo hạn tháng 7.

Suốt thập kỷ qua, các chính phủ của Sri Lanka đã vay rất nhiều từ chủ nợ nước ngoài để cung cấp dịch vụ công trong nước, như cơ sở hạ tầng, Murtaza Jafferjee – Chủ tịch Viện nghiên cứu Advocata (Sri Lanka) nhận định.

Các số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka, tính đến tháng 4/2021. Con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu tính cả nợ của công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương, Guardian cho biết.

Khi dự trữ ngoại tệ hao hụt, chính quyền Gotabaya lại trì hoãn việc đàm phán gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Suốt nhiều tháng, lãnh đạo các đảng đối lập và một số chuyên gia tài chính thúc giục chính phủ hành động. Tuy nhiên, họ vẫn không nhúc nhích, hy vọng du lịch sẽ tăng trưởng và kiều hối phục hồi.

Cuối cùng, khi nhận ra khủng hoảng đang nhen nhóm, chính phủ Sri Lanka lại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước lân cận, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là các cường quốc trong khu vực vốn đang cạnh tranh ảnh hưởng tại Sri Lanka, Reuters cho biết.

Ấn Độ cho biết đã hỗ trợ Sri Lanka 3,5 tỷ USD năm nay. Trung Quốc kín tiếng hơn, nhưng cũng khẳng định đã giúp quốc đảo này tái cơ cấu nợ. Đầu năm nay, Gotabaya đã đề nghị Trung Quốc tái cấu trúc việc thanh toán với 3,5 tỷ USD nợ. Cuối năm ngoái, nước này cũng cung cấp cho Sri Lanka một hợp đồng hoán đổi tiền tệ trị giá 1,5 tỷ USD.

Nhưng cuối cùng, Sri Lanka vẫn phải tìm đến IMF để đàm phán gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD. Dù vậy, cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều tháng qua và ngày càng phức tạp do nước này vỡ nợ.

"Thay vì tận dụng dự trữ ngoại tệ hạn chế để giải quyết các khoản nợ cũ, chúng tôi tiếp tục vay nợ cho tới khi nguồn tiền cạn kiệt", Ali Sabry, bộ trưởng tài chính Sri Lanka từ tháng 4 tới tháng 5, nói. "Nếu suy nghĩ thực tế hơn, chúng tôi nên nộp đơn lên IMF từ trước đó ít nhất một năm".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại