Cựu Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Bạch Hồng và đồng phạm được giảm án
TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên giảm án cho 2 cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban.
Sáng nay, 21/02/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (ALCII, thuộc Agribank).
Theo đó, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng lĩnh 5 năm 3 tháng tù (án sơ thẩm tuyên 6 năm tù) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lĩnh 12 năm tù (sơ thẩm phạt 14 năm tù).
Ngoài hai bị cáo trên kháng cáo thành công, HĐXX tuyên y án sơ thẩm đối với ác bị cáo: Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của BHXH Việt Nam) 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị cáo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà lần lượt lĩnh y án 3 năm và 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nội dung vụ án, với 14 hợp đồng vay vốn của ALCII tại BHXH Việt Nam, mức độ thiệt hại cho BHXH Việt Nam là hơn 1.697 tỷ đồng (cả gốc và lãi vay) do ALCII phá sản, không có khả năng thanh toán.
Mặc dù biết rõ ALCII không phải là đối tượng vay vốn của BHXH, nhưng BHXH Việt Nam vẫn quyết định cho vay từ tiền đóng BHXH của người lao động. Các bị cáo đều là những người có chức vụ, có thâm niên trong lĩnh vực BHXH, có hiểu biết pháp luật về Bảo hiểm xã hội, thậm chí có những bị cáo còn trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi của các bị cáo đã làm thất thoát tài sản nhà nước, gây dư luận hoang mang, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân. HĐXX cho rằng việc các bị cáo cho ALCII vay vốn là không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư của BHXH Việt Nam, trái với Điều 96, 97 Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực từ 01/01/2007, Điều 11 Quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29/03/2007 của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 1.697 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận