Cựu 'phó tướng' của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng khai rời Cty AIC vì thấy không được an toàn
Theo công bố từ đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga nghỉ việc ở Công ty AIC vì lý do cảm thấy công ty này không được an toàn, có nhiều khuất tất.
Chiều 22/5, phiên phúc thẩm các bị cáo trong vụ án “thông thầu” gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tiếp tục với phần xét hỏi.
Trả lời đầu tiên, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho rằng, ông ta không chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.
Theo lời bị cáo Vũ, ông quen bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn thông qua cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành giới thiệu, sau đó ông có nói với cấp dưới rằng “AIC là một công ty lớn, đừng gây khó khăn gì".
Bản án sơ thẩm tuyên ông Vũ 19 năm tù về hai tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Ở hành vi “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Vũ nói, dưới bối cảnh chịu sức ép rất lớn từ UBND tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Nai, về tiến độ dự án bệnh viện. Yêu cầu đặt ra là phải trang bị các thiết bị hiện đại, mà hiện đại thì không có nhiều công ty đáp ứng, nên lựa chọn Công ty AIC.
Đối với hành vi “Nhận hối lộ”, bị cáo Vũ khai, trong quá trình xây dựng bệnh viện, bản thân bị cáo không bàn bạc, hứa hẹn gì với phía Công ty AIC về việc sẽ đưa, nhận tiền.
Vũ cho biết, sau khi dự án hoàn thành, Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bỏ trốn) mới đến "cảm ơn". Số tiền đưa làm nhiều lần, bị cáo không nhớ cụ thể, phải đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết là 14,8 tỷ đồng và khi nhận tiền bản thân không nhận thức được đây là hành vi đưa và nhận hối lộ, đơn thuần nghĩ rằng đó chỉ là sự cảm ơn từ phía doanh nghiệp.
Nghe lời khai của cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, kiểm sát viên Viện KSND Cấp cao thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, tài liệu có trong vụ án đủ căn cứ xác định đây là hành vi nhận hối lộ.
“Bị cáo phải nhận thức rằng, nếu mình không làm gì có lợi cho người ta thì người ta sẽ không cảm ơn mình", đại diện Viện kiểm sát nói.
Còn bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC) cho biết, trong vụ án bà chỉ là “người làm công ăn lương”, nên mong tòa xem xét lại tội danh đã quy kết trong cáo trạng.
Bản án sơ thẩm xác định, Nga phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, nên phạt 12 năm tù giam.
Phản bác lại lời khai của bị cáo Nga tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cho hay, trên cơ sở các tình tiết được thu thập từ máy tính và từ bàn làm việc của Nga thể hiện bị cáo này có tham gia liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, để “thông thầu”.
“Lý do tại sao bị cáo không làm cho Công ty AIC nữa?”, Viện kiểm sát hỏi thêm. Bị cáo Nga trả lời "có nhớ lời khai" nhưng không chịu nhắc lại lý do vì sao nghỉ việc. Đại diện Viện kiểm sát sau đó trích nguyên văn lời khai của Nga tại cơ quan điều tra với nội dung: “Tôi không thích làm công ty này nữa vì tôi cảm thấy không an toàn, có khuất tất ở công ty”.
Từ lời khai trên, Viện kiểm sát cho rằng, Nga hiểu rõ bản chất công việc của mình, hiểu rõ sự khuất tất trong công ty. Vì vậy, việc Nga mong HĐXX phúc thẩm xem xét lại tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, là không có căn cứ, bởi bản thân bị cáo đã có sự cấu kết chặt chẽ với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thực hiện hành vi phạm tội và gây thiệt hại.
Cũng tại phần xét hỏi, 5 bị cáo còn lại có đơn kháng cáo hợp lệ trong phiên phúc thẩm đều thành khẩn khai báo; họ bày tỏ ăn năn, hối lỗi, mong HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận