menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Đức Y

Cựu phó tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà khai gì trong vụ án Trịnh Văn Quyết?

Trình bày với tòa, cựu phó tổng giám đốc thường trực HoSE nói vai trò của HoSE chỉ là "uống nước cuối nguồn", niêm yết chứng khoán công ty của Trịnh Văn Quyết khi các sở ban ngành đã chấp thuận.

Trong ngày 27 và 28/7, các luật sư và 50 bị cáo tiếp tục phần bào chữa, sau khi VKSND Hà Nội đề nghị mức án.

Ông Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) bị đề nghị 6-7 năm tù, là người bị đề nghị án cao thứ hai trong nhóm 7 cựu cán bộ thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và HoSE.

Ông Trà bị cáo buộc, do quen biết Trịnh Văn Quyết, biết rõ không đủ cơ sở xác định vốn của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng nhưng "gây sức ép" cho cấp dưới đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của công ty này, bất chấp những bất thường. Ông cũng là một trong 6 thành viên của Hội đồng niêm yết, ký chấp thuận cổ phiếu ROS của Faros lên sàn. Theo VKS, hành vi của ông Trà là "giúp sức, tạo điều kiện" cho ông Quyết bán cổ phiếu khống, chiếm tiền của các nhà đầu tư.

Cựu phó tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà khai gì trong vụ án Trịnh Văn Quyết?
Cựu phó tổng giám đốc thường trực HoSE Lê Hải Trà. Ảnh: Ngọc Thành

Tự bào chữa trong gần 10 phút, ông Trà phân trần 2 điều: HoSE không thể có sai phạm nếu như các cơ quan trước đó đã làm việc chuẩn chỉnh; môi trường làm việc của ông chịu nhiều áp lực từ mọi phía.

Theo bị cáo, trong quy trình của một doanh nghiệp từ khi thành lập cho tới tất cả hoạt động tăng vốn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, sau đó trở thành một công ty đại chúng và niêm yết, là một chuỗi sự kiện, quy trình khác nhau và tuân thủ các quy định pháp luật khác nhau.

"Đối với HoSE, chúng tôi thường nhìn nhận mình như một cầu nối cuối cùng giữa doanh nghiệp với cộng đồng đầu tư trên thị trường. Chúng tôi là những người uống nước ở cuối nguồn của toàn bộ quy trình từ khi đăng ký thành lập, đến khi sẵn sàng trở thành một doanh nghiệp niêm yết trên sàn", ông Trà nói.

HoSE, theo ông Trà, chỉ là cơ quan sử dụng và dựa vào các thông tin, văn bản của những cơ quan có chức năng thẩm quyền trước đó, để đưa ra quyết định chấp thuận niêm yết lên sàn. Trong những văn bản HoSE dựa vào, có những tài liệu quan trọng như báo cáo tài chính được kiểm toán, giấy đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư, văn bản chấp thuận công ty đại chúng của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, giấy đăng ký lưu ký chứng khoán của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

"Nếu không có những văn bản này, không có sự đồng bộ, thống nhất về những dữ liệu con số 4.300 tỷ đồng thì HoSE không bao giờ có thể đưa ra ý kiến chấp nhận đối với Hồ sơ niêm yết của công ty Faros", ông Trà nói, thêm rằng đây là chuỗi quy định, điều kiện ngặt nghèo, khó khăn, nên thực tế trong 25 năm hoạt động của HoSE chỉ có khoảng 500 công ty được niêm yết, trong khi số doanh nghiệp nộp hồ sơ lên đến hàng triệu.

Với HoSE, quá trình xem xét thẩm định hồ sơ niêm yết cho các doanh nghiệp là thủ tục có giới hạn về mặt thời gian. Tất cả những thông tin đó đều được nhà đầu tư theo dõi. "Có rất nhiều nhà tổ chức có kế hoạch đầu tư trước. Chiến lược đầu tư có thể chờ ngày cổ phiếu lên sàn để thoái vốn hoặc mua thêm những cổ phiếu này trên sàn", bị cáo nêu bối cảnh thị trường, để phân trần cho quan điểm thứ 2 về áp lực của mình và HoSE nói chung.

Theo ông Trà, mọi quyết định, mọi thay đổi kéo dài, chậm trễ liên quan đến việc xem xét niêm yết cổ phiếu trên sàn sẽ "luôn luôn có tác động và có thể gây ra những thiệt hại cho nhà đầu tư". "HoSE là đơn vị vận hành tổ chức một thị trường rất nhiều những áp lực như vậy. Chúng tôi cũng ý thức được nhu cầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Vì vậy quy trình của HoSE đã cố gắng giảm thiểu, rút ngắn thời gian đó để tránh rủi ro không đáng có đối với cộng đồng đầu tư", ông Trà hai tay nắm chặt, nói trước bục bị cáo.

Bào chữa cho ông Trà, luật sư Phan Trung Hoài nói sai phạm của thân chủ xảy ra trong bối cảnh luật chưa đủ chặt chẽ, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi. Hành vi nâng khống vốn và niêm yết cổ phiếu ROS lên sàn HoSE của ông Quyết và đồng phạm xảy ra trong giai đoạn 2014-2016, khi Luật chứng khoán 2006 (luật cũ) đang được áp dụng.

Theo Điều 40 của luật này, khi niêm yết lên sàn giao dịch, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về vốn, hoạt động kinh doanh và khả năng tài chính, số cổ đông hoặc số người sở hữu chứng khoán; phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ niêm yết...

Luật sư Hoài viện dẫn và đánh giá, đến thời điểm xảy ra vụ án, vẫn chưa có quy định về cơ chế, trách nhiệm kiểm tra công bố thông tin doanh nghiệp. Điều này tạo kẽ hở cho những người chấp nhận bị xử phạt hành chính để cố tình che giấu thông tin, nhằm trục lợi. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với các vi phạm chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe.

Đưa ra các điều lệ tổ chức của HoSE, luật sư cho rằng HoSE có nhiệm vụ chính là tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán, chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ niêm yết, và giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán, báo cáo, kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước các vi phạm... Do đó, về mặt pháp lý, HoSE không phải là cơ quan thẩm định hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp.

"Việc thẩm định, chấp thuận chào bán chứng khoán, phương án sử dụng vốn thuộc chức năng, thẩm quyền của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Hose không được giao thẩm quyền này", luật sư Hoài phân tích.

Cùng quan điểm với thân chủ, rằng "HoSE chỉ uống nước cuối nguồn", luật sư Hoài cho rằng các cơ quan tố tụng cần xem xét sai phạm của ông Lê Hải Trà trong tổng thể các quy trình. Từ việc công ty được đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch Đầu tư, báo cáo tài chính gian dối được công ty kiểm toán chấp thuận, công ty được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng, Trung tâm lưu ký chứng khoán cấp chứng nhận. Cuối cùng mới là HoSE chấp thuận cho cổ phiếu "lên sàn".

Cựu phó tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà khai gì trong vụ án Trịnh Văn Quyết?
Cựu chủ tịch HĐQT HoSE Trần Đắc SInh. Ảnh: Ngọc Thành

Là người bị đề nghị mức án cao nhất trong nhóm 7 cựu cán bộ (8-9 năm tù), ông Trần Đắc Sinh, 68 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT HoSE, bị đánh giá "chủ mưu" trong nhóm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Sinh vì quen biết Trịnh Văn Quyết nên tạo điều kiện, đốc thúc cấp dưới nhanh chấp thuận niêm yết cổ phiếu ROS lên sàn, dù biết rõ chưa đủ điều kiện.

Bào chữa cho ông Sinh, luật sư Nguyễn Thị Yến cho rằng thân chủ và các cán bộ tại HoSE nói chung, đều chịu chung áp lực giải quyết nhanh hồ sơ cho doanh nghiệp. Bà Yến phủ nhận việc thân chủ chủ trì cuộc họp giao ban bất thường để chỉ đạo đốc thúc riêng nội dung về niêm yết cho công ty của Trịnh Văn Quyết, mà theo biên bản cuộc họp, đó là một cuộc họp giao ban hằng tháng, với 10 nội dung. Hơn nữa, trước cuộc họp này, cả 6 thành viên của Hội đồng niêm yết HoSE (trong đó có ông Lê Hải Trà), đã cùng cho ý kiến chấp thuận niêm yết với Công ty Faros.

Do đó, theo luật sư, ông Sinh không phạm tội "với vai trò chủ mưu" như VKS quy kết. Cựu tổng giám đốc HoSE hiện tuổi cao, sức yếu, gia đình rất khó khăn nhưng đã nộp 200 triệu đồng dù không buộc phải nộp; không nhận thức được hết hậu quả khi thực hiện hành vi, không được hưởng lợi từ Công ty Faros... nên luật sư đề nghị tòa xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ của thân chủ.

Được tòa hỏi, ông Sinh không bổ sung phần bào chữa của luật sư, chỉ trình bày "rất đau xót" vì đã dành hơn 20 năm để xây dựng thị trường chứng khoán từ con số không, đến nay thị trường đã tới con số hàng chục triệu đô la, để tòa xem xét.

Phiên tòa đang ở ngày làm việc thứ 7. Luật sư của 42 trong tổng 50 bị cáo đã hoàn tất phần bào chữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả