Cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: “Năm 2016, ở thành phố này, bị cáo Chung như là một ông trời”
Bị cáo Tứ nói: “Việc đúng, sai là do Viện kiểm soát, tòa án phán quyết. Tôi là cấp dưới, bị cáo Chung là cấp trên. Tính cách của bị cáo Chung là rất quyết liệt, quyết đoán...".
Chiều 27/12, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án can thiệp gói thầu dự án số hóa xảy ra tại Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội. Bị cáo Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND Hà Nội được dẫn ra cách ly tại phòng riêng.
Trong vụ án này, có 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Sở KH-ĐT Hà Nội là đồng phạm với bị cáo Chung về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
“Bị cáo Chung chỉ đạo rất quyết liệt”
Mặc áo khoác đen, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội) trình bày, dự án số hóa do Sở KH-ĐT làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 4/2015. Gói thầu được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp để số hóa toàn bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh và hiệu đính tài liệu scan lên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.
Bị cáo Tứ khai, trước khi nhận công tác, giám đốc cũ đã phân công bị cáo Nguyễn Tiến Học thay mặt Ban giám đốc ký các văn bản liên quan đến gói thầu. Trước ngày 15/5/2016, Sở KH-ĐT đã phát hành hồ sơ mời thầu.
“Trong ngày 15/5/2016, tôi nhận được điện thoại của bị cáo Chung yêu cầu dừng thầu. Bị cáo Chung cho rằng chúng tôi chưa làm đúng các nghị định của chính phủ, chưa được thẩm định của Sở Thông tin - Truyền thông. Buổi tối hôm đó bị cáo Chung gọi 2 cuộc.
Sáng 16/5/2016, trong lúc chúng tôi đang họp giao ban thì bị cáo Chung gọi cuộc điện thoại thứ 3. Bị cáo Chung đưa ra duy nhất mục đích dừng thầu là để đưa công nghệ mới vào dự án. Sau 3 cuộc điện thoại của bị cáo Chung, tôi không nhận được yêu cầu nào khác”, bị cáo Tứ khai.
Bị cáo Tứ nói tiếp: “Tôi thấy bị cáo Chung chỉ đạo rất quyết liệt nói nếu không dừng thì tôi phải chịu trách nhiệm. Sở KH-ĐT phải chịu sự chỉ đạo của UBND Thành phố. Bị cáo Chung còn là Trưởng ban Chỉ đạo công nghệ thông tin của thành phố. Tôi là thành viên của UBND Thành phố, phải chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch. Về vấn đề số hóa, công nghệ cũng quan trọng. Chúng tôi thấy không còn cách nào nên phải dừng theo đúng chỉ đạo”.
Bị cáo Tứ khai, nhận chỉ đạo của bị cáo Chung, bị cáo nói với cấp dưới triển khai các thủ tục theo quy định. Theo phân công, bị cáo Nguyễn Tiến Học - cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT ký quyết định dừng thầu, gửi UBND TP. Hà Nội.
“Chúng tôi nhận thức dừng thầu là không đúng nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng… Nếu biết thiệt hại thì không bao giờ dừng”, bị cáo Tứ khai.
Bị cáo Tứ khai, sau khi dừng thầu 9 ngày, bị cáo Chung yêu cầu Sở KH-ĐT tổ chức mở thầu lại, phải tích hợp cơ sở dữ liệu vào hệ thống công nghệ chung của thành phố. Việc này không thể làm được, nên Sở KH-ĐT đề nghị được kết nối dữ liệu vào hệ thống về quản lý thông tin doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Ngày 14/6/2016, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký văn bản đồng ý với đề xuất của Sở.
Theo chỉ đạo của bị cáo Chung, Sở KH-ĐT đã tổ chức buổi gặp mặt với Công ty Nhật Cường Software vào ngày 1/8/2016, sau đó Nhật Cường Software thực hiện thí điểm việc số hóa. Tại gói thầu năm 2016, Công ty Nhật Cường mới hoàn thành phần số hóa.
Nhắc lại việc nhận quà tết Công ty Nhật Cường, bị cáo Tứ khai, vào trước Tết Nguyên đán năm 2017, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường - hiện đang bỏ trốn – PV) đến biếu tết có chai rượu và 300 triệu đồng.
“Việc nhận tiền là đúng hay sai”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Tứ đáp: “Sau khi liên danh Nhật Cường trúng thầu, bị cáo Hường báo cáo tôi là bị cáo Tuấn (Lê Duy Tuấn - Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh – liên danh với Nhật Cường - PV) có đến gặp.
Tôi nói luôn là Sở không có bất cứ yêu cầu gì, chỉ yêu cầu nhà thầu làm tốt. Tôi còn dặn bị cáo Hường, doanh nghiệp này là của ai, cần cẩn thận… Tôi nghĩ Công ty Nhật Cường không chỉ làm gói thầu này, mà còn làm nhiều gói thầu khác, kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nên đến tết doanh nghiệp đến gặp… Sau khi khởi tố vụ án, nhìn lại vụ việc, không hẳn Bùi Quang Huy vô tư như vậy”.
Chủ tọa tiếp tục hỏi: “Chỉ đạo của ông Chung đúng hay sai”, bị cáo Tứ nói: “Việc đúng, sai là do Viện kiểm sát, tòa án phán quyết. Tôi là cấp dưới, bị cáo Chung là cấp trên. Tính cách của bị cáo Chung là rất quyết liệt, quyết đoán. Bây giờ bị cáo Chung vướng vụ án này, vụ án kia nhưng năm 2016, ở thành phố này bị cáo Chung như là một ông trời…”.
“Không có ý thức làm sai”
Trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Tiến Học thừa nhận có sai phạm nhưng làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến - cựu Trưởng phòng đăng ký kinh doanh khai nhận, tại cuộc họp giao ban cơ quan, bị cáo nhận được chỉ đạo của bị cáo Tứ yêu cầu dừng gói thầu. “Bị cáo không có thông tin nhiều, chỉ được biết là dừng ngay vì rất sát thời gian đóng thầu. Các bị cáo phải khẩn trương ra ngoài, xem xét các quy định để thông báo với các nhà thầu để họ không có kiện cáo”, bị cáo Tuyến khai.
Bị cáo khai, việc cập nhật tiêu chí công nghệ không phải tạo lợi thế cho đơn vị nào. “Đưa yêu cầu càng cao thì kết quả thực hiện tốt hơn”, bị cáo khai.
Bị cáo nói không tham mưu sai để làm sai nhưng bị cáo thừa nhận có sai sót. “Bị cáo hoàn toàn không có ý thức làm sai, chỉ có mong muốn tham mưu để đạt được kết quả tốt nhất… Chỉ có mong ước đạt sản phẩm tốt nhất”, bị cáo Tuyến nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận