Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường: Có lòng tin mới có quan hệ thực chất
Trả lời phỏng vấn TG&VN nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ (12/7/1995-12/7/2020), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2011-2014 cho biết, chỉ duy nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là có nguyên tắc 'tôn trọng thể chế chính trị của nhau' được xác định rõ ràng…
Kính chào Đại sứ. Trước khi gặp ông, tôi đã xem lại cuộc ông trả lời phỏng vấn trực tiếp của hãng CNN hôm 28/5/2014, bác bỏ luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc về vấn đề giàn khoan. Dường như đây là lần đầu tiên một Đại sứ Việt Nam “lên sóng” ở một trong những kênh truyền hình lớn nhất thế giới?
Có lẽ đúng như bạn nói. Tôi nhớ lại là bài trả lời phỏng vấn trực tiếp đó của tôi với phóng viên Christiane Amanpour trên kênh truyền hình quốc tế của CNN ngày 28/5/2014 về việc Trung Quốc đưa trái phép dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đã thu hút được sự quan tâm đáng kể, ít nhất là cả ở Mỹ và Việt Nam.
Trước đó một tuần thì Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cũng đã có trả lời phỏng vấn CNN về vấn đề này, tất nhiên là theo quan điểm của Trung Quốc và tôi thấy cần phải lên tiếng để dư luận Mỹ và quốc tế hiểu đúng hơn bản chất của vấn đề, khẳng định rõ lập trường của Việt Nam mong muốn hòa bình, phát triển quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia nhưng cũng rất quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Không một quốc gia nào có thể đánh giá thấp quyết tâm đó vì đối với mọi người dân Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu đều cho rằng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Sau cuộc phỏng vấn, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các giới khác nhau ở Mỹ, cả ở chính quyền, quốc hội và giới học giả. Đa phần họ đánh giá cao bài trả lời phỏng vấn đó vì giúp họ hiểu rõ hơn thực chất của vấn đề. Như vậy là mình đã đạt được mục đích do mình đề ra khi nhận trả lời phỏng vấn rồi, đúng không?
Trong thời gian ông làm Đại sứ tại Washington, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ là chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (24-26/7/2013).
Tôi có may mắn được cử làm Đại sứ tại Mỹ từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2014, được tận mắt chứng kiến và góp phần nhỏ bé của mình vào tiến trình phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian đó. Khi tôi sang Mỹ nhận nhiệm vụ giữa năm 2011 thì quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài, từ chỗ là cựu thù đã tiến tới bình thường hoá và từng bước phát triển các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo... Hai nước khi đó cũng đã xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt từ năm 2005. Tôi cũng nhận thấy khá rõ là giữa hai nước còn có nhiều cơ hội để phát triển quan hệ hai nước một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Tuy nhiên, do đặc thù của quan hệ hai nước, vấn đề “di sản chiến tranh” dù nói ra hay không vẫn luôn là vấn đề gây trở ngại không nhỏ cho những bước phát triển thực chất hơn, vì vậy cả hai nước cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng lòng tin. Có lòng tin với nhau thì ta mới có quan hệ thực chất được.
Chính trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013 đã thực sự mở ra một giai đoạn mới với việc Lãnh đạo hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ thành Đối tác toàn diện với 9 lĩnh vực ưu tiên được xác định rất cụ thể. Nhìn rộng ra trong tổng thể quan hệ đối ngoại của nước ta, việc xác định khuôn khổ “đối tác toàn diện” với Mỹ thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Qua đó, ta đã hoàn thành việc xây dựng các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, các nước có vị trí quan trọng trong quan hệ đối ngoại của đất nước, trong đó có đầy đủ cả 5 nước là uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vị thế đối ngoại của nước ta vì thế cũng được củng cố một bước vững chắc hơn.
Quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong suốt 7 năm qua là minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng và cả quyết tâm cao của Lãnh đạo hai nước khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện này.
Một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước là chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013.
Điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
Đó là việc hai bên đã trao đi đổi lại nhiều lần để đi đến thống nhất về các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ đối tác toàn diện này. Tuyên bố chung Việt-Mỹ nhân chuyến thăm đã khẳng định các “nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.
Tất cả các nguyên tắc nêu trên rất quan trọng, là định hướng cho việc phát triển quan hệ hai nước trong nhiều năm tới nữa và tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. Đây là nguyên tắc rất cơ bản để có thể xây dựng một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở các lợi ích chung, để xây dựng lòng tin mà trên cơ sở đó đưa quan hệ hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn.
Nếu bạn xem lại tất cả các tuyên bố chung thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện khác của Việt Nam với các nước thì bạn sẽ thấy là chỉ duy nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là có nguyên tắc “tôn trọng thể chế chính trị của nhau” được xác định rõ ràng như vậy. Các chuyến thăm lẫn nhau tiếp sau đó của lãnh đạo hai nước mà gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump đều khẳng định lại nguyên tắc này.
Và liệu có gì đó ông "tiếc nuối" không?
Điều gì đáng “tiếc nuối” ư? Tôi hiểu ngụ ý bạn muốn nói tới. Nhưng nếu thực sự hiểu bối cảnh ở cả hai nước như tôi đã nêu thì tôi thấy chẳng có gì để phải “tiếc nuối” cả. Mọi việc phải diễn ra theo đúng trình tự, đúng thời điểm, không thể “đốt cháy giai đoạn” được. Tôi cho rằng quan hệ hai nước đã và đang đi đúng hướng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và rộng hơn là cả thế giới.
Một số nhà bình luận nói rằng quan hệ Việt-Mỹ đang tiến tới rất gần một “cái ô” mới là Đối tác chiến lược. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của việc nâng tầm quan hệ giữa hai nước?
Việc hai nước tiếp tục duy trì quan hệ Đối tác toàn diện thiết lập từ tháng 7/2013 hay sẽ nâng lên thành Đối tác chiến lược, có lẽ nên để cho các nhà hoạch định chính sách hiện nay ở cả hai nước trao đổi với nhau. Cá nhân tôi nghĩ tên gọi là Đối tác toàn diện hay Đối tác chiến lược cũng có tầm quan trọng nhất định. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là nội dung thực chất của mối quan hệ này phát triển như thế nào. Mỗi một mối quan hệ quốc tế đều có những bối cảnh đặc thù riêng, không thể đơn giản lấy mối quan hệ này làm khuôn mẫu cho mối quan hệ khác được.
Hơn thế nữa, nếu đối chiếu kỹ các nguyên tắc cũng như nội dung hợp tác giữa hai nước trên 9 lĩnh vực được nêu trong Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước (tháng 7/2013), hay trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt-Mỹ nhân chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Barack Obama và Donald Trump, chúng ta thấy quan hệ hai nước đã và đang có những bước phát triển hết sức thực chất và hiệu quả sau 25 năm bình thường hóa quan hệ.
Đó là những bước tiến rất dài mà ít người có thể hình dung được cách đây 25 năm, và tôi tin tưởng vững chắc là quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển toàn diện và hiệu quả trong những thập niên tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận