Cựu đại sứ cảnh báo Mỹ - Trung bên bờ vực Chiến tranh Lạnh mới
Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cảnh báo quan hệ Washington - Bắc Kinh đang trên bờ vực Chiến tranh Lạnh mới về công nghệ, văn hóa.
"Chúng ta đang ở đỉnh điểm", cựu đại sứ Baucus phát biểu tại sự kiện trực tuyến ngày 19/4 do Quỹ Chính sách Mỹ - Trung (USCPF) tổ chức. "Xu hướng hiện tại cực kỳ phức tạp và sẽ mất rất nhiều công sức để xoay chuyển tình thế".
Ông Baucus là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc giai đoạn 2014-2017, thúc đẩy các nỗ lực hợp tác song phương ngay cả khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng liên quan đến các vấn đề Tân Cương hay Biển Đông. Quan hệ song phương sau đó lao dốc dưới thời tổng thống Donald Trump, nổi bật với cuộc chiến thương mại hồi năm 2018.
"Tôi từng cho rằng mối quan hệ đã chạm đáy trong nhiệm kỳ tổng thống Trump, song xu hướng vẫn tiếp tục đi xuống sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền", Baucus nói.
Theo ông, hàng rào thuế quan Mỹ dựng lên với hầu hết hàng hóa Trung Quốc dưới thời Trump vẫn được giữ nguyên. Căng thẳng song phương dưới thời Tổng thống Biden thậm chí vượt ra khỏi lĩnh vực thương mại, lan sang một loạt vấn đề, bao gồm cả địa chính trị và nhân quyền.
Cựu đại sứ Baucus cho rằng Washington và Bắc Kinh đang "tách rời nhau thành hai phe lớn riêng biệt" trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, còn Mỹ thúc đẩy hình thành các liên minh ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Có vẻ như chúng ta ngày càng tiến tới một kiểu Chiến tranh Lạnh mới, không phải chiến tranh lạnh về hạt nhân mà về công nghệ và văn hóa", ông nhận định.
Việc Trung Quốc giữ lập trường trung lập với xung đột Nga - Ukraine cũng được cho là yếu tố "đổ thêm dầu vào lửa" cho quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 13/4 cảnh báo Trung Quốc có thể phải gánh chịu hậu quả kinh tế nếu không tham gia các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một ngày sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định lập trường của Bắc Kinh là "khách quan và công bằng".
"Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ áp lực hay ép buộc nào", ông Triệu nhấn mạnh. "Các mối lo ngại an ninh chính đáng của Nga cần được tôn trọng".
Quan hệ ngoại giao hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng khi Trung Quốc tuyên bố ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, cho phép Bắc Kinh triển khai cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp tới quốc đảo để thực hiện các nhiệm vụ an ninh hoặc nhân đạo.
Nhà Trắng ngày 19/4 cho biết Mỹ cùng Nhật Bản, Australia và New Zealand lập tức bày tỏ lo ngại về "những rủi ro nghiêm trọng đối với mục tiêu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" trước tuyên bố của Trung Quốc.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở khu vực này đều có thể buộc Australia và Mỹ phải thay đổi phương án quân sự trong khu vực.
Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Washington "kích động đối đầu" trong khu vực. "Hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon là quan hệ bình thường giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân ngày 19/4 nhấn mạnh. "Những nỗ lực can thiệp và cản trở hợp tác là vô ích".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận