Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD: 'Bị cáo mất hết tất cả'
Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn mong được hưởng đầy đủ, tối đa sự khoan hồng của pháp luật với mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Sáng 7-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục phần xét hỏi.
HĐXX bắt đầu thẩm vấn đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, cựu trưởng đoàn thanh tra SCB) về nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị tuyên án tù chung thân về tội nhận hối lộ và nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng; tịch thu sung công 5,2 triệu USD.
Bị cáo Nhàn đã lợi dụng chức vụ là trưởng đoàn thanh tra, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) hai lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan để trao đổi kết quả thanh tra. Bị cáo Nhàn đã bốn lần nhận tổng cộng 5,2 triệu USD từ Văn để không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Đỗ Thị Nhàn trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với các tình tiết giảm nhẹ: Thành khẩn khai báo; có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động; 24 năm làm nghề thanh tra đều toàn tâm toàn ý công việc cơ quan; được Chủ tịch nước tặng huân chương, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cùng nhiều giấy khen, kỷ niệm chương về sự nghiệp ngân hàng, thanh tra; gia đình có công với cách mạng, nuôi dưỡng con liệt sĩ…
Đồng thời, bị cáo Nhàn đã giao nộp 5,2 triệu USD tiền đã nhận từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng và động viên gia đình nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Bị cáo Nhàn trình bày thêm, hiện bản thân mang nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường, thận…; cần chăm sóc y tế mỗi ngày. Mong HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng đầy đủ, tối đa sự khoan hồng của pháp luật với mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt để sớm về với gia đình.
"Tội lỗi của bị cáo gây ra đã phải trả giá, gần như mất hết tất cả” - bị cáo Nhàn nói.
Các bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu phó đoàn thanh tra, án sơ thẩm phạt 4 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm nêu, chỉ kháng cáo xin được hưởng án treo.
Bị cáo Phụng trình bày, 30 năm công tác có nhiều bằng khen, chưa bị xử lý kỷ luật. Bị cáo thừa nhận có nhận lợi ích vật chất từ SCB là 20.000 USD và 210 triệu đồng; đã trả lại trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam.
Bị cáo Nguyễn Văn Dũng (cựu phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM, án sơ thẩm phạt 11 năm tù) trước tòa đã thừa nhận sai phạm và gửi lời xin lỗi tới Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM vì việc làm của mình đã làm xấu hình ảnh của đơn vị. Bị cáo Dũng mong muốn các đồng nghiệp khi công tác cố gắng tránh những sai sót như bị cáo để không phải trả giá đắt.
Tương tự, các bị cáo thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ và mong nhận được mức án khoan hồng.
HĐXX sẽ xem xét các tình tiết giảm nhẹ mới
Tại phần thẩm vấn, HĐXX cho biết, các bị cáo thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, giám sát, phòng chống rửa tiền, tiêu cực.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị cáo đã làm trái công vụ, gián tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một số bị cáo vì lợi ích của bản thân hoặc vì lợi ích khác đã thiếu bản lĩnh và lược bớt sai phạm của SCB. Một số bị cáo sắp tới tuổi nghỉ hưu nhưng để xảy ra sai phạm.
Theo HĐXX, tại tòa, các bị cáo này đều thành khẩn khai báo nên HĐXX sẽ cân nhắc, xem xét các tình tiết giảm nhẹ mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận