24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cô Thắm Đầu Tư Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cutloss - Nguyên tắc sống còn trên thị trường chứng khoán

Hay là mình đừng khoe lãi nữa, mình khoe lỗ đi...

Bạn đã bao giờ lỗ 8% không cắt, 15% mới cắt?

Nhìn giá giảm hàng ngày, quyết định mua trung bình giá xuống, miệt mài trung bình xuống đến khi cạn mana vẫn chưa thấy đáy đâu?

Quá yêu doanh nghiệp, yêu cổ phiếu nên quyết định trở thành cổ đông chiến lược của công ty và tin tưởng rằng trong dài hạn chắc chắn giá cổ phiếu sẽ lên, nhưng chưa kịp đợi đến ngày hái quả thì “lũ đã cuốn chúng ta rơi hết quần”.

Ôm lỗ chán chê, đến khi nỗi đau quá lớn quyết định sút đi bằng mọi giá thì sau đấy nó lại quay đầu tăng trở lại? Vừa mệt mỏi, ức chế vừa bỏ lỡ biết bao cơ hội.

Vậy làm thế nào để tránh được những điều này? Hãy khắc cốt ghi tâm câu nói của Warren Buffett:

Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.

Nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1.

Tại sao chúng ta cần cutloss?

Hầu hết những người mới chơi, kể cả tôi cũng thế, khi mới bước chân vào thị trường tài chính đều muốn kiếm thật nhiều tiền và nhanh chóng, chẳng bao giờ nghĩ đến việc mất tiền, đặc biệt trong giai đoạn thị trường đang uptrend như hiện nay. Thời gian trôi qua đủ lâu để chính bản thân ta tự nhận ra rằng, học giữ tiền chính là bài học đầu tiên và tiên quyết khi tham gia với thị trường này.

Việc xây dựng cho mình nguyên tắc cutloss quan trọng không kém việc tìm điểm mua. Bởi còn tiền thì mới còn cơ hội. Ko phải lúc nào chúng ta mua cũng thành công mà sẽ xảy ra trường hợp cổ phiếu mua sau đó đi ngược với dự báo.

"Nếu một nhà đầu tư dự đoán đúng phân nửa số trường hợp là anh ta đã đạt tới một đẳng cấp trung bình xuất sắc. Ngay cả chỉ cần đoán đúng 3 hoặc 4 trên 10 trường hợp cũng có thể đem lại cho anh ta cả một gia tài nếu biết nhanh chóng cắt giảm những khoản thua lỗ ngay khi phát hiện ra mình sai". Bernard Baruch

Có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thể đúng trong tất cả trường hợp nếu đi lâu dài trên thị trường này. Vì vậy bí quyết để thành công trên thị trường chứng khoán không phải là cố gắng đúng trong mọi trường hợp mà phải là cố gắng giảm thiểu tổn thất khi bạn sai. Nhận ra lúc nào mình có thể đã sai và bán ra một cách không do dự để cắt giảm mọi khoản thua lỗ.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần mình “chưa bán là chưa lỗ”. Thật là ảo tưởng sai lầm khi cho rằng cổ phiếu bị xuống giá sẽ phải có lúc lên trở lại. Điều này chỉ phần nào đúng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có cơ bản, hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhiều cổ phiếu không bao giờ tăng giá trở lại, hoặc ít nhất phải mất đến hàng tháng, thậm chí vài năm trời để hồi phục. Ví dụ như TTF, bắt đầu rơi mạnh từ tháng 7/2014, thậm chí có lúc về dưới 4, mất 4 năm, bây giờ mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi kỳ vọng vào câu chuyện tái cơ cấu, nhưng giá vẫn chưa trở lại bằng ¼ đỉnh cũ.

Cutloss - Nguyên tắc sống còn trên thị trường chứng khoán

Khi đang nắm giữ trong tay một khoản lỗ lớn, bạn thường khó có thể suy nghĩ đúng đắn, mà thường có xu hướng tự trấn an mình rằng: "Nó không thể xuống nữa đâu". Nhưng thị trường luôn vận hành theo ý nó chứ không phải theo ý ta trông đợi, và còn có rất nhiều cổ phiếu khác ngoài kia có thể sẽ đem lại cơ hội cao hơn, giúp bù đắp lại khoản lỗ. Vậy tốt hơn là chúng ta nên bán ra và quay trở lại với tư thế cầm tiền mặt để có được tư duy khách quan hơn, có kịch bản rút lui bảo toàn vốn càng sớm càng tốt, bởi nếu để các khoản lỗ càng lớn sẽ càng khó khăn để lấy lại vốn gốc ban đầu.

Nếu bạn lỗ 10% thì cần phải lời 11.11% mới hòa vốn. Nếu bạn chần chừ và để tỷ lệ thua lỗ tăng lên 20%, giờ đây bạn phải kiếm lời 25% chỉ để quay lại với số vốn ban đầu. Chờ lâu hơn tới khi cổ phiếu lỗ 25%, bạn sẽ phải kiếm lời 33% mới có thể “về bờ”. Thảm họa hơn nữa nếu bạn lỗ tới 50% thì bạn cần phải lãi gấp đôi tài khoản mới mong hòa vốn. Vấn đề là phải chờ đến bao giờ cho đến khi giá của nó có thể tăng gấp đôi: 1 tháng? 1 năm? 5 năm? Hay thậm chí hơn thế nữa?

Cutloss - Nguyên tắc sống còn trên thị trường chứng khoán

Càng đợi lâu thì các phép tính sẽ càng chống lại bạn, vì vậy đừng chần chừ. Hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ mọi quyết định sai lầm. Đừng để chúng ta phải “dành cả thanh xuân để mong hòa vốn”.

À, có thể cổ phiếu bạn vừa bán ra sẽ tăng giá ngay trở lại, và đúng là điều này thật bực mình, nhưng đừng vội kết luận hay trách móc rằng mình đã sai lầm khi bán cổ phiếu đó đúng vào lúc nó sắp lên giá. Mọi khoản thua lỗ 50% đều bắt đầu tư những khoản lỗ 20%, và những khoản thua lỗ 20% đều bắt đầu từ những khoản lỗ 10%.

Hãy suy nghĩ theo cách này: "Nếu bạn mua bảo hiểm chiếc xe của bạn trong năm ngoái và không gặp phải một tai nạn nào, như thế có thể coi là lãng phí tiền bảo hiểm không? Hay bạn mua bảo hiểm hoả hoạn cho căn nhà của bạn, nếu nhà chưa bị cháy, liệu bạn có cảm thấy phiền lòng vì đã đưa ra quyết định sai lầm không?" Nó cũng giống như việc chúng ta nhanh chóng cắt bỏ khoản đầu tư thua lỗ vậy. Khi đó số tiền cắt lỗ giống như khoản phí bảo hiểm mà bạn bỏ ra để bảo hiểm cho số vốn đầu tư còn lại của mình. Bởi “Còn tiền thì mới còn cơ hội” như mình đã nói ở trên.

Vậy thiết lập các điểm cutloss dựa trên cơ sở nào?

1. Cutloss theo %

Cách cắt lỗ thông dụng và đơn giản nhất là bán ra khi cổ phiếu giảm một mức phần trăm nào đó so với giá mua. Bao nhiêu phần trăm thì tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người cũng như độ biến động của từng loại cổ phiếu. Thường đa số giới hạn mức lỗ ở 7-8% trong đầu tư ngắn hạn hoặc lớn hơn một chút với những nhà đầu tư dài hạn.

2. Cutloss khi thủng các vùng hỗ trợ trọng yếu

Các vùng hỗ trợ trọng yếu bao gồm các vùng đỉnh/đáy trong quá khứ, trendline, các mốc Fibonacci, các đường trung bình động… nói chung là những mức giá có lực cầu mạnh.

Nếu giá thủng các vùng hỗ trợ này (đặc biệt kèm khối lượng lớn), rất có thể xu hướng của cổ phiếu đã thay đổi và chúng ta nên nhanh chóng đóng vị thế, thoát hàng. Lệnh dừng lỗ nên được đặt ngay bên dưới vùng hỗ trợ trọng yếu.

Có thể bạn thấy những phương pháp cutloss như trên phù hợp hơn với những trader chủ yếu dựa trên kỹ thuật. Nhưng ngay cả với những nhà đầu tư lâu dài, có xu hướng đồng hành cùng doanh nghiệp cũng không tránh khỏi những lúc lựa chọn sai thời điểm vào, vì mình cũng không thể nào kiểm soát được 100% thông tin và biến động giá trong ngắn hạn do cung cầu. Và cuối cùng chúng ta vẫn cần giữ được vốn trước khi gia tăng nó.

Dù bạn là một nhà đầu tư mới bước vào nghề hay là một người dày dạn kinh nghiệm trên thị trường, bài học khó khăn nhất chính là: học cách chấp nhận một thực tế rằng không phải lúc nào mình cũng đúng. Nếu bạn không nhanh chóng dừng thua lỗ thì sớm muộn gì bạn cũng phải chịu những thua lỗ nặng nề hơn, thậm chí là cháy tài khoản. Do đó, hãy tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ đã đặt ra để bảo vệ tài khoản của mình, phải “còn thở” thì mới “còn gỡ” được.

Còn bạn thường đưa ra nguyên tắc cutloss như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả