Cưỡng chế xong 64 công trình trái phép trên đất cà phê, hơn 500 điểm khác vào tầm ngắm
Cưỡng chế xong 64 công trình trái phép trên đất cà phê: Hơn 500 công trình khác ‘vào tầm ngắm’
Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, huyện đã hoàn thành việc cưỡng chế 64 công trình xây dựng trái phép trên đất cà phê do Cty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng (Cty Cà phê Việt Thắng) quản lý dọc Quốc lộ 27 thuộc xã Ea Tiêu. Trước đó, UBND huyện thực hiện việc cưỡng chế từ ngày 27-31/5.
Sau khi hoàn thành cưỡng chế, UBND huyện Cư Kuin giao các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND xã Ea Tiêu phối hợp Cty Cà phê Việt Thắng chủ động nắm bắt tư tưởng của nhân dân; theo dõi, giám sát chặt chẽ khu vực cưỡng chế, không để tình trạng tái xây dựng trái phép sau cưỡng chế.
Về việc có hơn 500 trường hợp lấn chiếm, mua bán, sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại 6 công ty cà phê thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam đứng chân trên địa bàn huyện Cư Kuin, ông Huy cho biết đã đưa vào kế hoạch và giao các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, phân loại, đề xuất cách xử lý phù hợp theo lộ trình, đúng quyết tâm lập lại trật tự xây dựng mà chính quyền đề ra.
Nói về việc chính quyền cưỡng chế các công trình xây dựng trái trên đất cà phê, ông Y Luyện Niê Kdăm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk) sinh sống trên địa bàn xã Ea Tiêu cho hay, rất đồng tình với việc UBND huyện Cư Kuin để lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật dù muộn. Bên cạnh đó, ông Y Luyện cũng nhấn mạnh cần phải xem xét xử lý trách nhiệm của đơn vị quản lý là Cty Cà phê Việt Thắng khi để xảy ra tình trạng trên.
Lãnh đạo Cty Cà phê Việt Thắng nói gì?
Trước câu hỏi trách nhiệm khi để người dân xây dựng công trình trái phép trên đất do đơn vị quản lý, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Giám đốc Cty Cà phê Việt Thắng cho biết bà mới nhận chức từ tháng 10/2020. Thời điểm đó đã có các công trình xây dựng trái phép. Bà Hạnh nhận thấy có một phần trách nhiệm của công ty và chính quyền địa phương.
Theo lãnh đạo Cty cà phê Việt Thắng, khi phát hiện các công trình xây dựng “mọc” trên đất cà phê, phía công ty đã phối hợp chính quyền tuyên truyền, can ngăn nhưng người dân không tuân thủ nên phải cưỡng chế, lập lại trật tự, quản lý đất đai, phát huy hiệu quả vườn cây theo đúng chủ trương, chính sách nhà nước.
Nhiều hộ dân chủ động di dời các vật dụng sinh hoạt của gia đình, chấp hành quyết định cưỡng chế
Sau khi tháo dỡ xong các công trình vi phạm, Cty Cà phê Việt Thắng sẽ tạm thời tiếp nhận các tài sản, rà soát, mời từng hộ dân lên làm việc, xem xét ký kết hợp đồng giao khoán lại vườn cây với điều kiện cam kết quản lý tập trung sản xuất, không xây dựng công trình trái phép. Phía công ty sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật, chăm sóc vườn cây; vừa tuyên truyền tránh xây dựng công trình vi phạm như trên; đồng thời xin ý kiến của Tổng công ty cà phê Việt Nam về các biện pháp quản lý trong bối cảnh việc vi phạm xây dựng đất đai nóng bỏng như hiện nay.
Trước việc nhiều hộ dân có nhu cầu làm lán trại để nông cụ nông sản, bà Hạnh nói thêm, khi làm phải xin phép công ty và tuân thủ diện tích, kích cỡ theo quy định (dưới 15m2, cao không quá 2,2m). Hiện, Cty cà phê Việt Thắng ký kết giao khoán vườn cây 1.200 hộ trên địa bàn 3 xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột), xã Ea Tiêu và Ea Ktur (Cư Kuin) với tổng diện tích 800ha.
Như Tiền Phong phản ánh, dù đất thuộc Cty Cà phê Việt Thắng quản lý nhưng mấy năm qua xuất hiện 64 công trình xây dựng trái phép trên đất này. Lý do, nhiều người nghĩ rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ thu hồi đất từ Cty cà phê Việt Thắng giao địa phương quản lý và sẽ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, từ khi xuất hiện thông tin quy hoạch Đô thị mới Trung Hoà (thuộc xã Ea Ktur và Ea Tiêu) nằm 2 bên Quốc lộ 27, nhiều người bỏ ra số tiền lớn mua lại và xây dựng công trình trái phép.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận