Cưỡng chế thuế, chống thất thoát ngân sách
Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Chính phủ nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế, nhằm chống thất thoát tiền ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về thuế.
Theo đó, việc cưỡng chế sẽ bằng nhiều biện pháp như: Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Đối với biện pháp trích tiền từ tài khoản, trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), Kho bạc nhà nước (KBNN) khác nhau, người có thẩm quyền căn cứ vào số lượng tài khoản mở tại các TCTD, KBNN để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản. Ngoài ra, yêu cầu TCTD, KBNN phong tỏa tài khoản đối với các tài khoản còn lại của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp cơ quan thuế không áp dụng được biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc đã áp dụng, nhưng không thu đủ tiền thuế nợ mà có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan thuế có văn bản đề nghị hải quan dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đề cập tình hình thu hồi nợ thuế tháng cuối năm, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Cục thuế đã yêu cầu các phòng có liên quan, các chi cục thuế, nhất là những đơn vị có số nợ thuế tăng phải thực hiện ngay các biện pháp quản lý nợ, nếu đã thực hiện thông báo rồi, nhưng người nộp thuế chưa thực hiện, thì phải tiến hành cưỡng chế ngay.
Ông Trường cũng đề nghị các phòng: Thanh kiểm tra thuế số 3, Thanh tra kiểm tra thuế số 5, Thanh tra kiểm tra thuế 9; các chi cục thuế Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên (những đơn vị có số nợ thuế tăng) phải hoàn thành việc đôn đốc, cưỡng chế đối với trường hợp cố tình chây ỳ trước ngày 6/12; thực hiện rà soát các trường hợp nợ thuế, các trường hợp cưỡng chế hóa đơn chưa hiệu quả để chuyển biện pháp cưỡng chế tiếp theo, tiến tới thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm chủ động rà soát, đề xuất thêm các giải pháp khác đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giảm nợ Cục thuế giao đến 31/12.
Theo Cục Thuế Hà Nội, trong vòng 4 năm (từ năm 2015 - 2018), số nợ trên dưới 90 ngày đã giảm 9.411 tỷ đồng, tương đương 43,4%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận