Cuối năm xuất hiện nhiều chiêu lừa đảo mới, ngân hàng cảnh báo gấp
Cuối năm là thời điểm nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng đột biến, đây cũng là thời điểm các thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng diễn biến phức tạp.
3 điều cần làm ngay nếu nghi ngờ bị lừa tiền
Càng về dịp cuối năm, lừa đảo trực tuyến càng gia tăng về số lượng và đa dạng hình thức. Các hình thức lừa đảo luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ với những hình thái mới tinh vi hơn.
Theo khuyến cáo của các ngân hàng, khách hàng cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn tinh vi như:
Cảnh giác đối với hình thức chiếm đoạt quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội đang phổ biến hiện nay (Zalo, Facebook, Tiktok,... ) sau đó thực hiện gửi tin nhắn, gọi video có hiện hình ảnh chủ tài khoản để tạo dựng lòng tin cho bạn bè, người thân chủ tài khoản với mục đích mượn tiền, nhờ chuyển tiền.
Giả danh nhân viên ngân hàng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn và các loại quà tặng khi gửi tiết kiệm online để dụ dỗ khách hàng đăng nhập tại đường link giả nhằm đánh cắp thông tin khách hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác trước những lời lẽ mời chào, dụ dỗ trên mạng xã hội và không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các đối tượng lạ.
Không chụp hình các mặt thẻ hay các thông tin về mã thẻ để gửi qua email hoặc đưa lên các trang mạng xã hội. Nếu để lộ các thông tin này, kẻ gian sẽ lợi dụng sơ hở để tìm cách chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Không lưu mật khẩu trên trình duyệt web vì có thể bị các phần mềm độc hại đánh cắp.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Vietcombank, trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dùng cần làm gấp 3 việc sau: Khoá dịch vụ hoặc đổi mật khẩu dịch vụ ngay lập tức (chọn tính năng đổi mật khẩu trên app); gọi ngay cho ngân hàng theo số hotline hoặc đến điểm giao dịch ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ; trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.
Ngân hàng tăng cường phòng vệ bằng công nghệ sinh trắc học
Nhằm tăng cường bảo mật và đảm bảo mức độ an toàn cao hơn cho tài khoản của chủ tài khoản ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 thay thế Quyết định 630 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).
Công nghệ sinh trắc học (Biometric) là cách thức nhận diện và xác minh cá nhân thông qua các đặc điểm sinh học như hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói... Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất. Hiện nay, các ngân hàng đa phần xác thực sinh trắc qua nhận diện khuôn mặt, bởi các dữ liệu mống mắt, giọng nói hiện chưa được thu thập và lưu trữ.
Ngoài thay đổi khi chuyển tiền, khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học. Bên cạnh đó, ngân hàng cần có thêm phương thức xác thực OTP gửi qua tin nhắn/giọng nói hoặc Soft OTP/Token OTP.
Cùng với đó, ngân hàng cần gửi SMS hoặc email cho khách hàng (theo thông tin khách hàng đăng ký), thông báo về việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking hoặc đăng nhập trên thiết bị khác với thiết bị đăng nhập lần gần nhất.
Tuy nhiên, không cần phải đợi đến 1/7/2024, Ngân hàng LPBank mới đây đã bổ sung tính năng xác thực khuôn mặt khi đăng nhập trên app LienViet24H trên thiết bị mới.
Tính năng này vừa giúp tài khoản của khách hàng được bảo vệ an toàn nếu sơ suất bị lộ thông tin và bị kẻ gian chiếm đoạt, vừa có thể giúp khách hàng linh hoạt đăng nhập trên các thiết bị khác nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận