24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Thị Trương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuối 2022, nguy cơ nợ xấu lên tới 6%

Năm 2022, hàng loạt “cây đũa thần” xử lý nợ xấu sắp hết hạn khiến nguy cơ nợ xấu bùng phát trở lại. Các chuyên gia dự báo, nếu không sớm hoàn thiện quy định về xử lý nợ xấu, đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể lên tới 6%.

Cây đũa thần khắc chế nợ xấu sắp hết hạn

Tại Hội thảo “Cần Luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” ngày 19/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư kí Hiệp Hội Ngân Hàng cho biết, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) mang lại nhiều kết quả. Đến cuối 2021, toàn hệ thống TCTD xử lý được trên 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu có xu hướng tăng cao trở lại. Các TCTD dự đoán, nợ xấu sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2022 do dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường. Báo cáo tài chính hợp nhất của một số ngân hàng thương mại cho thấy, nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) trong năm 2021 tăng hàng nghìn tỷ đồng so với năm 2020.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022, và nếu không được gia hạn thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu khả năng tăng cao. Hơn nữa, Nghị quyết 42 cũng sẽ hết hiệu lực từ 15/8/2022 và khi đó thì toàn bộ cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này cũng sẽ kết thúc.

“Trong trường hợp Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ gây ra việc thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu. Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022”, ông Lực cảnh báo.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 1,9%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,79%. Nếu tính cả các khoản nợ đến hạn mà chưa trả được cơ cấu theo Thông tư 01, 03, 14 cũng như nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể tăng lên 7,31%.

Kiến nghị Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Trước nguy cơ bùng phát nợ xấu trở lại, ông Lực kiến nghị, Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

TS Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, luật hóa Nghị quyết 42 là điều cấp thiết phải thực hiện khi mà ngày hết hiệu lực gần kề và hoạt động xử lý nợ xấu trong 5 năm qua có nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, luật hoá Nghị quyết 42 sẽ giúp hệ thống ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu tồn đọng và còn là khung pháp lý vững chắc để giải quyết nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai.

Là một trong các TCTD, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam đề xuất, luật hóa Nghị quyết 42 để ngân hàng thoát cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”. Ngân hàng này đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đưa các nội dung về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42/2017/QH14 và các nội dung sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh vào ban hành thành Luật chuyên ngành về xử lý nợ xấu hoặc đưa các nội dung này vào thành một phần của Luật các tổ chức tín dụng. Từ đó tạo tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, giảm thiểu việc nhiều văn bản pháp luật có thể có sự trùng lặp về cùng vấn đề và cùng nội dung.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả