Cuộc phiêu lưu liều lĩnh của SCIC?
Với tất cả những yếu kém rõ rệt đã thấy ở Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (SMSC) vừa qua, dễ thấy mô hình quản lý ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)- dù hiện nó nằm trong SMSC, nhưng lại hiệu quả và chặt chẽ hơn rất nhiều. Từ khi thành lập đến giờ, SCIC hoạt động khá ổn định và tạm gọi là hiệu quả. Trái lại, "ông bố" SMSC của nó, sinh sau con lại rất lởm khởm. Hơn 1 năm hoạt động vẫn chưa ra đâu vào đâu và đang có nguy cơ bị hạ xuống tổng cục.
Tuy nhiên, SCIC không phải không có những yếu kém và cũng đã từng có không ít sai lệch như các khoản đầu tư vào Vinaconex hay Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Nó vẫn có những yếu kém nhất định trong quản trị, ôm đồm quá nhiều DNNN kém hiệu quả và chậm thoái vốn ở những DN yếu kém để đầu tư vào những nơi đáng đầu tư. Nói là học mô hình Temasek của Singapore nhưng để đạt trình như Temasek, SCIC còn lâu lắm.
Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất gần đây là SCIC tuyên bố "mong muốn đầu tư" hàng ngàn tỷ đồng vào Vietnam Airlines- "ông lớn" đang chiếm thị phần lớn nhất ngành hàng không trong nước nhưng đang vô cùng ốm yếu (mới tuyên bố sắp hết sạch tiền nếu Chính phủ không cứu).
Theo dự kiến thì ngày 29/6 tới, VNA sẽ tổ chức Đại hội cổ đông. Kỳ đại hội này, ai cũng thấy rõ, vấn đề tài chính của VNA là đáng quan tâm nhất. Liệu VNA có tăng vốn và huy động vốn vay hay không, nhất là có chuyện việc phát hành cổ phiếu cho SCIC là một câu hỏi lớn.
Nhưng SCIC sẽ đầu tư vào VNA kiểu gì khi VNA đã tuyên bố xin chủ trương phát hành cho cổ đông hiện hữu? Hiện nay, SMSC là cổ đông (nhà nước) lớn nhất sở hữu 86,19% vốn điều lệ VNA. Nên khi VNA chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, thì SCIC sẽ có thể tham gia được, khi nhận lại quyền mua cổ phần từ Uỷ ban quản lý vốn.
Tuy nhiên, do SCIC và Uỷ ban quản lý vốn là 2 pháp nhân độc lập, nên việc thực hiện chuyển nhượng quyền mua giữa 2 tổ chức này cần phải thực hiện thông qua việc đấu giá công khai, hoặc thoả thuận trực tiếp trong trường hợp không đủ thời gian thực hiện nhưng phải đảm bảo “nguyên tắc giá thị trường và có hiệu quả”. Như thế nào là giá thị trường và có hiệu quả, thì lại là cả một vấn đề.
SCIC đầu tư vào VNA cũng chưa chắc đúng thẩm quyền vì theo quy định hạn mức các dự án nhóm B theo quy định tại Điều 8, 9 Luật Đầu tư công, thì việc SCIC đầu tư vào VNA (nếu có) là ngoài danh mục các dự án nhóm B của Luật này.
Trong Nghị định 151/CP năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC cũng có yêu cầu: “Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật”.
VNA ở thời điểm trước dịch Covid-19 thì ok, nhưng sau dịch, thật khó có thể coi tổng công ty này là DN trong ngành "đem lại hiệu quả kinh tế" được nữa. Chính VNA đã cho biết, cả năm 2020, VNA sẽ lỗ 15.000-16.000 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 14.000 tỷ đồng, gần hết vốn chủ sở hữu.
Đầu tư vào TISCO (Gang thép Thái Nguyên) thất bại, phải thoái vốn không kèn không trống, nay lại tính bỏ hàng ngàn tỷ đồng vào 1 hãng hàng không đang chới với bên vực thẳm, có vẻ sẽ là một bước đi vô cùng phiêu lưu của SCIC.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận