24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc khủng hoảng Ukraine là một cuộc đấu tranh cho trật tự thế giới trong tương lai

Cuộc khủng hoảng Ukraine là một cuộc đấu tranh cho trật tự thế giới trong tương lai bởi vì nó xoay quanh chính những vấn đề này. Đối với Putin, về mặt văn hóa chính trị, Ukraine là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Vì các nhu cầu an ninh của mình, Nga phải được trao quyền phủ quyết mong muốn của Ukraine gia nhập liên minh NATO của phương Tây. Moskva cũng yêu cầu được đóng vai trò bảo vệ những người nói tiếng Nga. Đối với Mỹ, những đòi hỏi này vi phạm một số nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới hiện tại, cụ thể là quyền tự xác định chính sách đối ngoại và lựa chọn chiến lược của một quốc gia độc lập.

Cuộc khủng hoảng Ukraine là vấn đề liên quan đến trật tự thế giới vì nó có những tác động toàn cầu rõ ràng. Mỹ biết rằng nếu Nga tấn công Ukraine và thiết lập phạm vi ảnh hưởng của riêng mình, một tiền lệ sẽ được đặt ra cho Trung Quốc. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự trên khắp các khu vực tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Những lời đe dọa của Bắc Kinh về việc xâm lược Đài Loan – hòn đảo dân chủ tự trị mà Trung Quốc coi là một tỉnh nổi dậy – cũng trở nên công khai và thường xuyên hơn. Nếu Putin thành công trong việc xâm lược Ukraine, sự cám dỗ để ông Tập Cận Bình tấn công Đài Loan sẽ tăng lên, cùng với đó là áp lực trong nước đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc từ phía những người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích và cho rằng kỷ nguyên của Mỹ đã kết thúc.

Nga và Trung Quốc rõ ràng có những phàn nàn giống nhau về trật tự thế giới hiện tại. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Moskva và Bắc Kinh cũng có một số điểm khác biệt quan trọng. Nga hiện sẵn sàng hơn Trung Quốc trong việc chấp nhận những rủi ro quân sự. Những mục tiêu cuối cùng của nước này có thể hạn chế hơn. Đối với người Nga, việc sử dụng vũ lực quân sự ở Syria, Ukraine và những nơi khác là một cách bác bỏ tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Nga hiện chỉ là một cường quốc khu vực, không hơn. Dmitri Trenin, học giả thuộc Trung tâm Carnegie ở Moskva, lập luận: “Đối với các nhà lãnh đạo Nga, đất nước này chẳng là gì nếu không phải là một cường quốc”.

Nhưng trong khi Nga khao khát trở thành một trong những cường quốc trên thế giới, thì Trung Quốc cũng dường như đang dự tính soán ngôi Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Elizabeth Economy, tác giả của cuốn sách mới có tựa để “The World According to China” (tạm dịch: Thế giới theo quan điểm của Trung Quốc), lập luận rằng Bắc Kinh đang hướng tới một “trật tự quốc tế biến đổi hoàn toàn”, trong đó Mỹ về cơ bản đã bị đẩy ra khỏi Thái Bình Dương và chỉ còn là một cường quốc Đại Tây Dương. Vì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện là hạt nhân của nền kinh tế toàn cầu, nên điều đó về cơ bản sẽ khiến Trung Quốc trở thành “số một”. Rush Doshi, một học giả về Trung Quốc làm việc tại Nhà Trắng, cũng đưa ra lập luận tương tự trong cuốn sách của mình với tự đề “The Long Game” (tạm dịch: Cuộc chơi kéo dài). Trích dẫn các nguồn tin khác nhau của Trung Quốc, Rush Doshi đưa ra lập luận rằng Trung Quốc hiện đang hướng tới mục tiêu bá chủ toàn cầu theo kiểu Mỹ.

Nỗ lực giành giật uy thế toàn cầu

Sự khác biệt về quy mô tham vọng của Trung Quốc và Nga phản ánh sự khác biệt về tiềm lực kinh tế của hai nước. Quy mô nền kinh tế của Nga hiện nay gần tương đương với Italy. Moskva đơn giản là không đủ của cải để duy trì nỗ lực giành uy thế toàn cầu. Ngược lại, theo một số thước đo, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ cũng là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc lớn gấp 10 lần dân số của Nga. Do đó, việc Trung Quốc mong muốn trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là hoàn toàn thực tế.

Tuy nhiên, trong khi sự khác biệt về tiềm lực kinh tế của Nga và Trung Quốc khiến ông Tập Cận Bình rốt cuộc có nhiều tham vọng hơn Putin, thì trong ngắn hạn, điều đó cũng khiến ông thận trọng hơn. Việc Putin sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để cố gắng thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu cho thấy điều gì đó giống như tâm lý tuyệt vọng của một con bạc. Dmitri Trenin lập luận rằng sau khi chứng kiến NATO mở rộng và bao trùm phần lớn khu vực từng là khối phía Đông trước kia, ông Putin coi Ukraire là “sự kháng cự cuối cùng” của mình.

Ngược lại, ở Bắc Kinh, người ta cảm nhận rõ rằng thời gian và lịch sử đang đứng về phía Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng có nhiều công cụ kinh tế để mở rộng ảnh hưởng mà người Nga không có. Kế hoạch tiêu biểu dưới thời Tập Cận Bình là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), một chương trình quốc tế lớn về cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, trải dài sang Trung Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Khi Mỹ ngày càng đi theo chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc cũng đã sử dụng sức mạnh thương mại của mình để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Gần đây, thế giới đã chứng kiến sự ra mắt của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một khu vực thương mại tự do rộng lớn mới ở châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc và một số đồng minh chiến lược của Mỹ như Nhật Bản và Australia – mà Mỹ không tham gia. Việc cho phép hoặc không cho phép tiếp cận thị trường Trung Quốc mang lại cho Bắc Kinh một công cụ tạo ảnh hưởng mà Moskva không có.

Nhưng liệu sự thay đổi từng bước này có hiệu quả hay không? Nga và Trung Quốc liệu có cần một khoảnh khắc ấn tượng nào đó để tạo ra trật tự thế giới mới mà họ đang tìm kiếm hay không? Lịch sử cho thấy các hệ thống quản trị mới của thế giới thường xuất hiện sau một số sự kiện chính trị gây chấn động, chẳng hạn như một cuộc chiến tranh lớn.

Phần lớn cấu trúc an ninh và thể chế của trật tự thế giới hiện tại xuất hiện ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến hồi kết, khi Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế được thành lập và đặt trụ sở chính tại Mỹ. HIệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) có hiệu lực vào năm 1948. NATO được thành lập vào năm 1949. Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật được ký kết vào năm 1951. Cộng đồng than và thép châu Âu, tiền thân của EU, cũng được thành lập năm 1951. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các thể chế đối thủ do Liên Xô hậu thuẫn như khối Hiệp ước Warsaw sụp đổ, và NATO và EU mở rộng đến tận biên giới của Nga. Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức kế thừa GATT, vào năm 2001. Câu hỏi hiện nay là liệu có cần một cuộc chiến để những tham vọng của Nga và Trung Quốc về một trật tự thế giới mới trở thành hiện thực hay không. Một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ là quá nguy hiểm trong kỷ nguyên hạt nhân và sẽ không xảy ra trừ khi tất cả các bên tính toán sai lầm (điều luôn có thể xảy ra).

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc có thể cảm thấy họ có khả năng đạt được tham vọng của mình thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Một chiến thắng không bị phản đối của Nga ở Ukraine có thể báo hiệu rằng một trật tự an ninh mới đang xuất hiện ở châu Âu, liên quan đến phạm vi ảnh hưởng trên thực tế của Nga. Việc Trung Quốc xâm chiếm thành công Đài Loan sẽ được nhiều người xem như một dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương đã kết thúc. Khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực hiện đang trông đợi Mỹ bảo đảm an ninh cho họ, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể chọn cách thích ứng với trật tự mới do Trung Quốc thống trị.

Ngoài ra, một trật tự thế giới mới có thể xuất hiện nếu Washington ngầm chấp nhận nó. Kết quả đó dường như không có khả năng xảy ra dưới thời Chính quyền Biden, trừ khi Mỹ đưa ra một vài sự nhượng bộ đầy kịch tính vào phút cuối trong vấn đề Ukraine. Nhưng Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng vào năm 2024. Ít nhất về mặt luận điệu, Trump có vẻ đồng cảm với một số khía cạnh của thế giới quan Nga – Trung. Vị cựu Tổng thống Mỹ này đôi khi gièm pha NATO và cho rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Á là những nước “ngồi không hưởng lợi”. Ông đã không đưa vào triết lý “nước Mỹ trước tiên” của mình những ngôn từ truyền thống về sứ mệnh của người Mỹ ủng hộ quyền tự do trên toàn thế giới. Đôi khi, Trump cũng thẳng thắn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cả Tập Cận Bình và Putin. Ngoài ra, với việc Trump tự xưng là một chuyên gia thương lượng, ông tỏ ra đồng tình với ý tưởng về phạm vi ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc dường như không muốn ngồi yên chờ đợi Trump trở lại Nhà Trắng. Họ biết rằng ngay cả trong đảng Cộng hòa của Trump cũng có nhiều nhân vật “diều hâu” có ý định đối đầu với cả Nga và Trung Quốc. Bất luận ra sao, rất nhiều điều có thể xảy ra từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo vào tháng 11/2024. Sự thiếu kiên nhẫn của Nga được thể hiện rõ trong thái độ của Putin khi ông sẵn sàng gây ra một cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine. Triển vọng về một trật tự thế giới mới thân thiện hơn với Nga có thể phụ thuộc vào kết quả thắng thua trong canh bạc Ukraine của ông. Nhưng ngay cả khi Putin không đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine, mối đe dọa đối với trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu cũng sẽ không biến mất. Một Trung Quốc đang trỗi dậy, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập đầy tham vọng, sẽ đảm bảo điều đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả