Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Á
Thiếu nhiên liệu khiến Sri Lanka phải dừng bán xăng dầu, còn người Ấn Độ và Pakistan không thể dùng điều hòa trong cái nóng 37 độ.
Sri Lanka hôm 27/6 thông báo chỉ bán xăng dầu cho các dịch vụ thiết yếu, như y tế, tàu hỏa, xe bus trong 2 tuần, đồng thời đóng cửa trường học ở thành thị và thúc giục người dân làm việc từ xa. Tại Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa từ 8h tối để tiết kiệm năng lượng.
Ở Ấn Độ và Pakistan, mất điện buộc các trường học, doanh nghiệp phải đóng cửa. Người dân thì không thể sử dụng điều hòa trong cái nóng 37 độ.
Nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều năm qua. Tuần trước, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cảnh báo nền kinh tế này "đã hoàn toàn sụp đổ".
Ở các nước giàu hơn, như Australia, mối lo kinh tế cũng đang nảy sinh khi người tiêu dùng cảm nhận sức nóng từ hóa đơn năng lượng tăng cao. Giá bán buôn điện tại đây trong quý I đã tăng 141% so với năm ngoái. Các hộ gia đình được thúc giục giảm tiêu thụ điện.
Ấn Độ - nơi nhu cầu năng lượng đang lên kỷ lục – là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vì sao đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, chứ không phải khu vực. Ngày 28/5, họ thông báo công ty than nhà nước Coal India sẽ nhập khẩu than lần đầu tiên kể từ năm 2015, do tình trạng thiếu hụt điện diện rộng.
Nguyên nhân là gì?
Dù vấn đề của các nước là khác nhau, tất cả đều chịu chung tác động kép từ Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine. Đây là hai sự kiện diễn ra bất ngờ, khiến các kế hoạch kinh tế bị đảo lộn. Còn nguyên nhân gốc rễ, theo các chuyên gia, là sự bất cân xứng giữa cung và cầu.
Trong 2 năm, đại dịch ghìm nhu cầu năng lượng trên ở giới ở mức thấp chưa từng có. Tiêu thụ điện toàn cầu giảm hơn 3% trong quý I/2020 do các lệnh phong tỏa. Nhưng hiện tại, khi các nước bắt đầu mở cửa, nhu cầu nhiên liệu tăng vọt, kéo giá than, dầu và khí đốt lên cao.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến việc này càng trầm trọng. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn nhì thế giới. Khi Mỹ và các đồng minh áp lệnh trừng phạt dầu khí Nga, nhiều nước vội vàng tìm nguồn cung thay thế, khiến cung càng thiếu hụt.
"Nhu cầu năng lượng đã hồi phục khá nhanh sau đại dịch và nhanh hơn nhiều so với nguồn cung", Samantha Gross – Giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu tại Viện nghiên cứu Brookings giải thích, "Giá đã tăng từ trước xung đột tại Ukraine. Chiến dịch quân sự của Nga sau đó thực sự là một cú sốc với nguồn cung năng lượng".
Vì sao lại là châu Á?
Dù giá năng lượng tăng nhanh trên toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến một số nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. "Nếu là một quốc gia mới nổi, như Sri Lanka – phải nhập khẩu hàng hóa, dầu thô, khí đốt – đây thực sự là một cuộc vật lộn", Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết, "Anh phải trả nhiều tiền hơn cho những thứ phải mua, trong khi những thứ bán được lại không tăng giá".
Người Sri Lanka chờ mua dầu hỏa tại Kandy hôm 13/6. Ảnh: Bloomberg
Những nước nghèo hơn, vẫn đang trong giai đoạn phát triển hoặc mới công nghiệp hóa, khó cạnh tranh được với các đối thủ giàu có. Họ càng phải nhập khẩu nhiều, vấn đề của họ càng nghiêm trọng, Antoine Halff – học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia cho biết.
"Đó là trường hợp của Pakistan, và cả Sri Lanka nữa", ông nói, "Họ chịu cú sốc giá, nhưng cũng nhận cả cú sốc nguồn cung nữa. Họ phải trả nhiều hơn để mua năng lượng".
Cách đây một tuần, Bộ Năng lượng Sri Lanka cho biết họ chỉ còn vài ngày nữa là hết xăng dầu dự trữ. Từ hôm qua, các cơ quan nhà nước, trường học cũng phải đóng cửa trong ít nhất 2 tuần. Công chức được khuyến khích ở nhà nhiều hơn để trồng lương thực.
Pakistan cũng phải giảm số ngày làm trong tuần, từ 6 về 5, để tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, việc này có thể làm tình hình còn tệ hơn. Giới phân tích cho rằng tuần làm 6 ngày mới cải thiện được năng suất và tốc độ tăng trưởng kinh tế cho nước này. Nguồn cung điện của nước này hiện thiếu 5.000 megawatt so với nhu cầu. Bộ trưởng Thông tin Marriyum Aurangzeb đầu tháng này cho biết họ đang đối mặt với "một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng".
Tại Australia, tình hình cũng không khá hơn là bao. Người dân nước này được khuyến khích tiết kiệm. Bộ trưởng Năng lượng Chris Bowen gần đây đề nghị các hộ gia đình ở bang New South Wales không sử dụng điện 2 giờ mỗi tối.
Vấn đề lớn hơn ở phía trước
Cách giải quyết của các nước này có thể làm dấy lên vấn đề còn đáng chú ý hơn cả giá tăng. Nhiều quốc gia đã buộc phải quay về các dạng nhiên liệu gây ô nhiễm nhiều hơn, như than đá.
Tại Australia, Ủy ban An ninh Năng lượng đề xuất tất cả nhà máy điện, kể cả điện than, tăng công suất để ngăn thiếu điện. Chính quyền bang New South Wales cũng chuyển hướng than từ các mỏ của địa phương đến các nhà máy điện, thay vì đem đi xuất khẩu. Cả hai chính sách này đều bị chỉ trích là đi ngược cam kết về năng lượng bền vững.
Tại Ấn Độ, than tạo ra 70% năng lượng cho 1,3 tỷ người dân nước này. Quyết định tăng nhập than của New Delhi có thể khiến các tác động lên môi trường càng nghiêm trọng hơn.
"Bất kỳ quốc gia nào, dù là Ấn Độ, Đức hay Mỹ, nếu tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đó sẽ là vấn đề toàn cầu", Sandeep Pai – trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình Năng lượng tại Viện Chiến lược và Quốc tế học cho biết.
Pai cho rằng quyết định của Ấn Độ có lẽ chỉ là tạm thời để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu quốc gia này vẫn phụ thuộc vào than đá trong 1-2 năm tới, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ bị kéo tụt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận