24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc khủng hoảng không lối thoát của Haiti

Từ cuối tháng 5 vừa qua, vị nguyên thủ Haiti phải đối diện một sức ép to lớn từ dân chúng yêu cầu ông từ chức khi không còn đủ tư cách để điều hành đất nước.

Theo mạng tin Rebelión, việc Tòa án tài chính cấp cao Haiti công bố báo cáo thứ hai về vụ tham nhũng trong sử dụng nguồn quỹ của Petrocaribe, hiện đang bị tịch biên tạm thời, khẳng định sự can dự của Tổng thống Jovenel Moise và chính phủ của ông đã làm bùng nổ một làn sóng vận động mới tại quốc gia Caribe nghèo đói này, sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng 7/2018 chống lại việc tăng giá xăng dầu và điều chỉnh thuế theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và sau đó là với phong trào chống tham nhũng tại Petrocaribe.

Tổng thống Moise đã phủ nhận sự liên can của ông trong các hoạt động phi pháp nói trên với tuyên bố "Tổng thống của các bạn, người mà các bạn bầu chọn, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là kẻ tham nhũng", trong dịp kỷ niệm 24 năm thành lập lực lượng Cảnh sát Quốc gia, và yêu cầu người dân để hệ thống tư pháp tiến hành công việc của mình và tìm ra "những kẻ chịu trách nhiệm thực sự".

Nguồn quỹ của Petrocaribe - công ty của Venezuela được thành lập với mục đích viện trợ dầu khí để đổi lấy ủng hộ chính trị - được cấp cho Haiti với mục đích hỗ trợ các dự án hạ tầng cơ sở xã hội và năng lượng, nhưng đã vấp phải vấn nạn đội giá, khả năng điều hành kém, hợp đồng chồng chéo, các công trình ma, giải ngân trước hạn, trốn thế và gia đình trị, nơi mà theo báo cáo kiểm toán mới được tòa án nêu trên trích dẫn, ông Moise đã tham dự trực tiếp qua các công ty thuộc sở hữu của ông như Agritrans.

Liên quan tới đường dây tham nhũng này còn có các quan chức từ Thủ tướng, cựu Bộ trưởng và Giám đốc doanh nghiệp công. Tóm lại, đây là vụ bê bối tham nhũng mà xét tới góc độ tác động quốc gia, nó còn lớn hơn cả vụ bê bối gây ồn ào khắp Mỹ Latinh vừa qua của tập đoàn xây dựng Brasil Odebrecht.

Tuy nhiên, do đây là những kẻ đứng đầu một chính phủ hoàn toàn phục vụ các quyền lợi và theo sự giật dây của Mỹ, nó chẳng có chút tiếng vang nào trên "báo chí quốc tế".

Từ cuối tháng 5 vừa qua, vị nguyên thủ Haiti phải đối diện một sức ép to lớn từ dân chúng yêu cầu ông từ chức khi không còn đủ tư cách để điều hành đất nước. Ngày 9/6, thủ đô Port-au-Prince và các thành phố chủ chốt khác của Haiti rung chuyển với những câu khẩu hiệu như "chúng ta hãy tìm tiền bạc của Caribe tại dinh tổng thống, nếu nó không còn đó, thì hãy đốt cháy cả dinh" và trong 2 ngày sau đó, cả nước bị tê liệt bởi một cuộc tổng đình công và các vận động phản đối kéo dài suốt hơn 1 tuần qua, bất chấp những hành động đàn áp dã man. Cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tồi tệ hơn.

Ngay từ xuất phát điểm, đây đã không phải là một chính phủ xứng đáng, với một ứng viên được cựu Tổng thống ra đi vì bê bối Michel Martelly và Đại sứ quán Mỹ chỉ định cho cuộc tổng tuyển cử năm 2016.

Ông Moise thăng tiến một cách quá "ảo", gạt bỏ được cả người giành chiến thắng hợp hiến, cựu thượng nghị sĩ Jean-Charles Moise và giật được vị trí nguyên thủ ngay cả khi chỉ về thứ 3, thậm chí còn không đủ tư cách để bước vào vòng 2 tranh cử trực tiếp.

Và tới nay, vị tổng thống được nhào nặn này đang mất dần sự ủng hộ của cả giới tư bản và Giáo hội Thiên chúa giáo, khi các thế lực này bắt đầu công khai nghi vấn ông dưới áp lực phải đối của quần chúng.

Ngày 30/5, các thượng nghị sĩ đối lập đã ngăn cản được việc phê chuẩn nội các mới của ông Moise, do Thủ tướng tạm quyền Jean Michel Lapin dẫn đầu, và qua đó tiếp thêm sức mạnh cho lời cáo buộc rằng ông Moise chỉ đứng đầu một chính phủ tiếm quyền không có cơ sở pháp lý khi không có sự ủng hộ từ nghị viện.

Một nhóm nghị sĩ đã gửi thư ngỏ yêu cầu Chủ tịch Quốc hội khởi động tiến trình luận tội, phế truất Tổng thống Moise. Nhưng tâm lý ngờ vực của dân chúng cũng lan rộng sang cả nghị viện, khi phe đối lập đại diện cho giới tư sản cũng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới vụ tham nhũng khổng lồ này.

Người biểu tình thường xuyên nói về việc cần phải đập tan "cả hệ thống" và bác bỏ không chỉ chính phủ Moise mà cả toàn bộ chế độ, những cơ chế bóc lột đặc trưng của Nhà nước tư sản Haiti dưới sự thống trị bán thực dân của Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và các nước trong Nhóm các hạt nhân (Core Group).

Cơ chế đa phương này, trong đó có cả các phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức các nước châu Mỹ, bị nhân dân thù ghét vì ủng hộ chính phủ hữu khuynh của ông Moise và chính đảng Tet Kale (PHTK), cùng các hành động đàn áp "chuyên nghiệp" của chính quyền và các hành vi hủy hoại kinh tế Haiti.

Các phong trào xã hội phản đối sự tàn bạo của cảnh sát, khiến hàng chục người biểu tình thương vong, và yêu cầu trục xuất Core Group cùng các lực lượng chiếm đóng Ministah (Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ), xóa bỏ nợ nước ngoài và đòi đền bù cho những tổn hại lịch sử từ Pháp và Mỹ.

Nhà nước Haiti đã rơi vào tình trạng phá sản, không thể đáp ứng các quyền lợi y tế, giáo dục và nhà ở khi bị IMF và Ngân hàng Thế giới trói chặt chân tay, cũng như bị chiếm đóng về quân sự bởi những lực lượng "kiến tạo hòa bình" và "công lý" của LHQ.

Chính quyền Haiti sử dụng các biện pháp đàn áp tàn bạo thái quá chống lại người dân không tấc sắt nhưng lại thiếu năng lực và ý chí để đặt ra giới hạn cho những băng đảng tội phạm có tổ chức do chính các thế lực chính trị tài trợ và không ít lần đóng vai trò tấn công, răn đe dân chúng biểu tình.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra rằng những người yêu cầu ông Jovenel Moise từ chức đôi khi còn mâu thuẫn nhau hơn cả mâu thuẫn với đảng Tet Kale. Điều này được minh họa bằng những cuộc tranh cãi, đối đầu trên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông truyền thống.

Rõ ràng, ngoài các cuộc biểu bình mang tính đấu tranh sơ khởi và bột phát, để có thể đánh đổ chính phủ của ông Moise và quốc hội tham nhũng, lấy lại các khoản tiền đã bị tham ô để đầu tư vào y tế, giáo dục, nước sạch, nông nghiệp và công nghiệp hóa phục vụ đa số người dân, thì cần phải xây dựng được một mặt trận thống nhất các tổ chức đang tham gia đấu tranh../.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả