Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ có thành hiện thực?
Giữa bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ xấu đi, dư luận băn khoăn rằng liệu cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống hai nước có thành hiện thực và con đường khôi phục mối quan hệ này sẽ diễn ra thế nào.
Trong cuộc điện đàm ngày 13/4/2021 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ ổn định và phù hợp với lợi ích của Mỹ, đồng thời đề xuất lãnh đạo hai nước họp thượng đỉnh tại nước thứ ba trong vài tháng tới nhằm thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ song phương.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cùng ngày tuyên bố Mỹ dự đoán mối quan hệ với Nga vẫn sẽ là một thách thức, song Nhà Trắng hy vọng hai nước có thể phối hợp cùng nhau trong vấn đề kiểm soát vũ khí, thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như các vấn đề khác.
Bà Psaki hy vọng lãnh đạo hai nước sẽ có một cuộc thảo luận chân thành và công bằng tại cuộc gặp thượng đỉnh.
Hồi đáp về đề xuất gặp thượng đỉnh của Mỹ, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 14/4 cho biết Điện Kremlin sẽ cân nhắc và hiện còn quá sớm để nói về cuộc gặp này một cách cụ thể.
Nếu được tổ chức, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai tổng thống Nga - Mỹ. Sau cuộc điện đàm của tổng thống hai nước, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga - ông Yuri Ushakov đã mời Đại sứ Mỹ tại Mosvka - ông John Joseph Sullivan đến trao đổi.
Tại cuộc gặp, ông Ushakov thông báo với Đại sứ Sullivan rằng Moskva sẽ hành động quyết liệt nếu Washington có các "động thái mới không thân thiện" như áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Quan hệ Nga-Mỹ đi xuống kể từ năm 2014 liên quan đến tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine.
Mối quan hệ ngày càng xấu đi sau khi Washington đưa ra một loạt cáo buộc chống lại Moskva, bắt đầu với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như các cuộc tấn công mạng.
Những cáo buộc này thường là cơ sở cho các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, vốn đã bị Điện Kremlin lên án gay gắt.
Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương nếu Nhà Trắng cũng có thiện chí, nhưng cho đến nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có những động thái tích cực.
Trong cuộc họp báo hôm 8/4/2021 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Tổng thống Putin tiếp tục ủng hộ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ bất chấp những “chính sách thù địch” của Washington. Theo ông Dmitry Peskov, chính sách "khó lường và không thân thiện" của
Washington đòi hỏi Moskva phải sẵn sàng trước mọi kịch bản, kể cả hành động trục xuất các nhân viên ngoại giao và những lệnh trừng phạt mới.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga là không hiệu quả, là cách tiếp cận "đi vào ngõ cụt".
Quan chức ngoại giao Nga cũng nhận định mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã chạm mức thấp nhất.
Theo nhận định của giới phân tích, Nga và Mỹ nhận thức rõ về tầm quan trọng của một mối quan hệ song phương ổn định nhưng “không thể kiềm chế phô trương sức mạnh”.
Mỹ đang nỗ lực duy trì vị thế của mình trong khi mục tiêu của Nga là phát triển thành một nền kinh tế mạnh, vì vậy hai bên có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập lại mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên, hai cường quốc này không có ý định “quay lưng lại với nhau” và ý thức được sự cần thiết phải đối thoại.
Chính quyền Biden không đóng hoàn toàn cánh cửa hợp tác với Nga mà sẽ để ngỏ cho những tương tác có chọn lọc về các vấn đề mà lợi ích của các bên trùng khớp và hoặc ở những lĩnh vực mà cả hai bên đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết.
Về khả năng thúc đẩy hợp tác Nga-Mỹ trong một số lĩnh vực, các nhà quan sát cho rằng không có nhiều khía cạnh để hai bên thúc đẩy hợp tác theo tuyến an ninh.
Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực khác được cho là rất hứa hẹn đối với hợp tác Mỹ-Nga, như hoạt động không gian vì mục đích hòa bình, chống biến đổi khí hậu, vấn đề Trung Đông, Bắc Cực, dịch bệnh truyền nhiễm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận