24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc đua thu hút vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc: Nhận diện cơ hội cho Việt Nam

Các “ông lớn” FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc, cơ hội dành cho Việt Nam không chỉ đơn thuần là thu hút vốn, mà đây còn là cơ hội tốt để săn “đại bàng”, cơ hội cho doanh nghiệp Việt thế chân khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Nhận diện cơ hội

Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là phấn đấu thu hút vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm); vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).

Với mục tiêu này, thực tiễn cho thấy, không quá khó để Việt Nam có thể thực hiện. Trong những năm qua, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài luôn duy trì sự đóng góp của vốn FDI vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở mức 22-23%.

Đây là con số mà theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cần phải đạt được, không nên thấp hơn cũng không nên cao hơn.

Lý giải mức này, Chủ tịch VAFIE cho biết, vốn trong nước vẫn hạn hẹp nên Việt Nam cần thêm vốn FDI để duy trì tăng trưởng, nhưng cũng không thể cao hơn, vì cao hơn có nghĩa là giảm thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Vậy gạt qua câu chuyện vốn, cơ hội nào dành cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại? Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây chính là cơ hội vàng để giải bài toán mà chúng ta đau đáu nhiều năm nay, đó là thu hút doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ lớn, độ lan tỏa cao và có tính liên kết với doanh nghiệp nội địa.

Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 50 đã đặt ra bên cạnh mục tiêu vốn đó là: “Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018 và tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030”.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về FDI gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ: “Thu hút đầu tư phải có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn (TNCs), công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường” và yêu cầu “các ngành, các địa phương phải đón bắt dòng đầu tư mới này”.

Muốn làm được như vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam không thể cứ làm theo cách bình bình, trì trệ, tư duy cũ mà cần tinh thần tiến công, chủ động hơn.

“Phải chủ động nghĩ xem nhà đầu tư cần gì, chủ động xúc tiến, gặp gỡ, bàn bạc, hợp tác, làm sao đáp ứng đúng điều nhà đầu tư cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía”, Thủ tướng nói.

Cần quyết sách “nhanh”, “mạnh” và “chính xác”

Để có thể đón đầu sự dịch chuyển, mời chào các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, bên cạnh giải pháp trung hạn và dài hạn, cần phải có những giải pháp cấp thiết để giải quyết vấn đề trước mắt.

Bộ KH&ĐT đã đề xuất 4 nhóm giải pháp với Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những giải pháp có thể coi là táo bạo để tăng sức cạnh tranh của Việt Nam, như ưu đãi cho các TNCs sẽ được áp dụng chung cho các dự án vệ tinh của các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất của dự án do TNCs đang thực hiện (với điều kiện có tối thiểu 30% doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm doanh nghiệp vệ tinh); hay cho phép sử dụng quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đang trình Quốc hội để đàm phán, thương lượng với các tập đoàn lớn ngay khi Luật Đầu tư được thông qua trong tháng 6/2020 mà không cần phải chờ đến khi Luật có hiệu lực.

Thủ tướng cũng đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt giao Bộ KH&ĐT làm Tổ trưởng để có thể giải quyết nhanh các khúc mắc cho nhà đầu tư, đồng thời chủ động tiếp xúc với các TNCs để nắm bắt nhu cầu, cũng như mời chào họ đến với Việt Nam.

Bàn về giải pháp, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong lưu ý 2 điểm Việt Nam cần cải tạo đó là thay đổi thể chế và cải tạo hạ tầng.

Theo TS. Phùng Đức Tùng, chỉ cần có thể chế thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, dân chủ, nhà đầu tư không phải đau đầu vì các chi phí không chính thức, ắt hẳn Việt Nam sẽ thuận tiện hơn để “đón đại bàng” về làm tổ.

Thứ hai là hạ tầng. Giả sử Apple muốn có 400 ha đất để xây nhà máy ở Bắc Ninh như Samsung thì hiện nay “thắp đuốc” tìm không ra nữa. Các khu công nghiệp đã được lấp đầy. Nếu vậy, nhà đầu tư phải chấp nhận đi xa hơn, đồng nghĩa khiến chi phí logistics tăng hơn.

"Muốn có hạ tầng tốt và nhanh, Chính phủ nên để tư nhân tham gia, sau đó có thể mua lại. Phải có hạ tầng tốt, chính sách tốt thì mới có thể mời chào các tập đoàn lớn", TS. Phùng Đức Tùng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhận định, muốn các cơ sở sản xuất chuyển vào, bàn gì thì bàn, đầu tiên phải có đất sạch, đây là yếu tố rất quan trọng. Khi đã có mặt bằng thì điều cần lưu ‎ý tiếp theo là cam kết với nhà đầu tư về một chính sách giá đất ổn định. Theo thông tin thì tiền thuê đất tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chỉ bằng 40% so với Bắc Kinh và Thượng Hải, đây có thể xem là một lợi thế của Việt Nam.

Thêm một điểm mà Chủ tịch VAFIE lưu ý, đó là cần đơn giản hóa tối đa các thủ tục, vì nếu chuyển sang Việt Nam mà mất 6-7 tháng mới có thể sản xuất thì chắc chẳng có ai vào. Nhà đầu tư khi chuyển nhà máy đều mong muốn khi chuyển vào có thể sản xuất được ngay.

Dưới một góc nhìn khác, GS-TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới đánh giá, trong các điểm đến khả thi, khi các doanh nghiệp đặt lên bàn cân để so sánh thì chắc chắn sẽ ưu tiên các quốc gia có nhiều điểm tương đồng, vì vậy Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội thu hút các TNCs của Mỹ hay EU thì phải xem xét tạo ra được những điểm đột phá.

GS-TS. Võ Đại Lược cũng cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều đặc khu kinh tế với các cơ chế thương mại tự do, chính sách minh bạch và hầu hết các tập đoàn sản xuất nước ngoài đều đặt nhà máy ở các điểm này trong khi Việt Nam chưa có cái nào.

“Do vậy, không nên khuyến khích ưu đãi cho dự án FDI tập trung về thuế, phí thuê đất… như hiện nay nữa mà Việt Nam nên xây dựng các đặc khu kinh tế với tiêu chí hiện đại, công khai, minh bạch và cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới thì mới có sức hấp dẫn các tập đoàn lớn, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu”, vị chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả