menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Thị Thanh

Cuộc đua thị phần môi giới chứng khoán ngày càng “nóng”

Giữ được thị phần khi tổng quy mô giao dịch toàn thị trường thu hẹp khiến nhiều công ty chứng khoán đánh đổi bằng hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu riêng mảng môi giới đã giảm đáng kể. Ở top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần, doanh thu môi giới giảm chưa đến 20%, nhưng lãi gộp mảng này giảm tới 28,2%.

Năm 2022, Công ty CP Chứng khoán VPS - công ty dẫn đầu về thị phần môi giới chứng khoán, chỉ thu về 550 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới, bằng phân nửa cùng kỳ. VPS trở thành công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần trên sàn HoSE từ quý I/2021 và duy trì vị trí này suốt 2 năm qua.

Cụ thể, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu với 14,81%. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp VPS đạt vị trí thị phần số 1 sàn HoSE, mặc dù con số này thấp hơn khá nhiều so với mức 18,71% trong quý III/2022. Sự suy giảm này, theo nhiều ý kiến, là do khách hàng chủ đạo của VPS là nhà đầu tư cá nhân - đối tượng có giao dịch thận trọng hơn trong quý IV. Cả năm 2022, doanh thu môi giới của VPS giảm hơn 9% - thấp hơn mức giảm bình quân toàn thị trường.

Trong khi đó, doanh thu môi giới của Công ty CP Chứng khoán SSI giảm gần 60% trong riêng quý IV/2022 và giảm 32,2% trong cả năm. SSI tiếp tục đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thị phần giao dịch cổ phiếu sàn HoSE, dù thị phần giảm mạnh từ 11,05% xuống 9,84%.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu môi giới của 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần giao dịch sàn HoSE giảm gần 19,4% so với năm trước.

Dòng tiền e dè hơn không chỉ tác động trực tiếp đến doanh thu môi giới của nhóm các công ty chứng khoán. Nhu cầu sử dụng các khoản vay ký quỹ (margin) để làm đòn bẩy tài chính cũng thu hẹp đáng kể, đặc biệt trong quý IV/2022. Tại VPS, dư nợ margin cấp cho các khách hàng tại ngày 31/12/2022 xấp xỉ 6.170 tỷ đồng, giảm 4.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Nhiều công ty chứng khoán đã giảm hàng ngàn tỷ đồng dư nợ margin chỉ trong 3 tháng cuối năm, đứng đầu là Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) giảm 6.545 tỷ đồng. SSI cũng giảm 4.515 tỷ đồng margin, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cắt giảm xấp xỉ 2.500 tỷ đồng. Cùng với nghiệp vụ môi giới, lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng đóng góp tỷ trọng lớn ở các công ty chứng khoán và ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở quý vừa qua.

Thống kê ở 5 công ty chứng khoán dẫn đầu, tổng thị phần nhóm này chiếm tới 46,29% giao dịch trên sàn HoSE, nhỉnh hơn năm 2021 (46,23%), cao hơn đáng kể năm 2020 và năm 2019. So với năm 2021, Mirae Asset Việt Nam đã giành thêm thị phần và lọt vào top 5. Tuy nhiên, không có thay đổi ở 4 vị trí dẫn đầu. VPS, SSI, Công ty CP VNDirect và Công ty CP Chứng khoán HSC tiếp tục giữ vững vị trí của mình.

Đây đều là các công ty chứng khoán lớn đã liên tục củng cố năng lực tài chính trong 2 năm qua, một phần nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay ở giai đoạn thị trường tăng nóng, một phần nhằm tận dụng sức nóng của thị trường và triển vọng của công ty để triển khai thành công các đợt huy động vốn. So với thời điểm cuối năm 2019, quy mô vốn điều lệ của cả 4 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần đều tăng bằng lần, như VPS gấp 1,63 lần, SSI 2,92 lần, VNDirect 5,52 lần, hay HSC tăng vốn gần gấp rưỡi.

Giữ được thị phần khi tổng quy mô giao dịch toàn thị trường thu hẹp khiến nhiều công ty chứng khoán đánh đổi bằng hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu riêng mảng môi giới đã giảm đáng kể. Ở top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần, doanh thu môi giới giảm chưa đến 20%, nhưng lãi gộp mảng này giảm tới 28,2%. Biên lợi nhuận gộp mảng môi giới của VPS giảm từ 22% trong quý IV/2021 xuống còn 12% quý IV/2022. SSI chỉ gần hòa vốn ở mảng môi giới trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước, cứ mỗi 100 đồng doanh thu môi giới, chỉ cần bỏ ra 63 đồng chi phí.

Nhiều công ty khác cũng chấp nhận kinh doanh không đủ bù chi phí như Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI), Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), hay Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS). Dù nguồn thu chính vẫn đến từ tự doanh trái phiếu, VPBankS đang thúc nguồn thu từ môi giới và cho vay ký quỹ. Riêng ở mảng môi giới, công ty này chấp nhận bỏ 10 đồng chi phí, dù nhận về chưa đến 6 đồng doanh thu.

Xu hướng tăng vốn của các công ty chứng khoán đã chậm lại đáng kể trong năm 2022. Song gần đây, TCBS công bố bản kế hoạch tăng vốn “khủng” khi dự kiến có thêm hơn 10.000 tỷ đồng từ các cổ đông.

Theo nhiều chuyên gia, dù có những nhà đầu tư rời khỏi thị trường trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhưng các nhà đầu tư cá nhân, với sự nhanh nhạy, cũng sẽ quay lại rất nhanh, đồng thời có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn về nơi đặt tài khoản nhờ sự cạnh tranh từ các thành viên thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại