Cuộc đua công nghệ của những “ông lớn”
Ngày nay, những mảnh silicon nhỏ với các mạch phức tạp trên đó đã là huyết mạch của nền kinh tế. Những chất bán dẫn thông minh này làm cho thế giới kết nối internet vạn vật.
Với những lo ngại về sự thiếu hụt chip toàn cầu đang diễn ra, dự kiến kéo dài đến năm 2022 và có thể là năm 2023, các quốc gia đang có kế hoạch bơm hàng tỷ đô la vào sản xuất chất bán dẫn trong những năm tới như một phần của nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng. Họ bơm tiền vào những nghiên cứu và phát triển mới hướng tới xây dựng các nhà máy sản xuất chip.
Hàn Quốc trở thành quốc gia mới nhất công bố khoản đầu tư khổng lồ vào ngành công nghiệp này vào tuần trước. Chính phủ Hàn Quốc cho biết rằng 510 nghìn tỷ won (khoảng 452 tỷ USD) sẽ được đầu tư vào sản xuất chip đến năm 2030, nguồn tài chính phần lớn trong số đó đến từ các công ty tư nhân trong nước.
Bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất chip khổng lồ, Hàn Quốc sẽ có tiềm lực để quyết định quỹ đạo công nghệ của riêng mình, thay vì bị ép buộc theo một hướng cụ thể. Với việc đầu tư hàng trăm tỷ đô la, Hàn Quốc đang đảm bảo rằng họ không bị quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay Đài Loan để phát triển nhu cầu công nghệ quan trọng của họ.
Thông qua cái gọi là "Chiến lược K-Semiconductor", chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp này bằng cách giảm thuế, cung cấp tài chính và cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những chuyển động lớn, chất bán dẫn đang trở thành một loại cơ sở hạ tầng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp.
Tuy thế, theo ông Glenn O'Donnell, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester, hiện Hàn Quốc vẫn không phải là quốc gia dẫn đầu trên mặt trận sản xuất chip. Về năng lực sản xuất, Đài Loan đang chiếm vị trí số 1 và Hàn Quốc là số 2, Mỹ ở vị trí thứ ba và Trung Quốc đang là quốc gia theo sát.
Rất khó để nói xem liệu khoản đầu tư này có giúp Hàn Quốc chiếm lấy vương miện sản xuất chip toàn cầu theo cách mà họ muốn hay không. Đây là một khoản đầu tư hoành tráng, nhưng Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc cũng đang chi rất nhiều vào lĩnh vực công nghệ.
Đầu tư trong lĩnh vực này của Hàn Quốc đang được dẫn dắt bởi hai trong số các công ty chip lớn nhất của mình là Samsung Electronics và SK Hynix. Samsung Electronics (nhà sản xuất chip lớn nhất quốc gia và là đối thủ của TSMC của Đài Loan) đang có kế hoạch đầu tư 171 nghìn tỷ won vào chip nhớ flash đến năm 2030, nâng mục tiêu đầu tư trước đó là 133 nghìn tỷ won, được công bố vào năm 2019.
SK Hynix, nhà cung cấp bán dẫn chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và chip nhớ flash, đang có kế hoạch chi 230 nghìn tỷ won trong thập kỷ tới. Người phát ngôn của SK Hynix cho biết công ty sẽ chi 110 nghìn tỷ won cho các địa điểm sản xuất hiện có ở Icheon và Cheongju từ nay đến năm 2030. Công ty cũng đang đầu tư 120 nghìn tỷ won vào 4 nhà máy mới ở Yongin như một phần của nỗ lực nhằm tăng gấp đôi số lượng chip.
Cam kết của Hàn Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất kế hoạch sản xuất và nghiên cứu chip trị giá 50 tỷ USD, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã cam kết chi tiêu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, với trọng tâm lớn là chất bán dẫn. EU cho biết vào tháng 3 vừa qua rằng họ muốn 20% chất bán dẫn của thế giới được sản xuất tại châu Âu vào năm 2030 (năm 2010 con số này chỉ 10%).
Ông O'Donnell cho biết, trong cuộc chiến giành quyền thống trị đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ, tất cả các quốc gia đang chạy đua trở thành nhà cung cấp chính cho thế giới. Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, EU và Trung Quốc đều thèm muốn tấm “huy chương vàng” đó trên bục vinh quang của Thế vận hội công nghệ!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận