menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

Cuộc đua bán lẻ: Chợ truyền thống, tiệm tạp hóa cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi 'ngửi khói'

Chợ truyền thống đang chiếm ưu thế hơn siêu thị trong cuộc đua bán lẻ!

Có gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25% - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa.

Chợ và tiệm tạp hóa vẫn áp đảo thị phần

Số liệu từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020.

Tuy nhiên tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam lại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (25% tổng mức bán lẻ so với 33% ở Philipin, 34% ở Thái Lan, 60% ở Malaysia, 90% ở Singapore...).

Các số liệu thống kê thể hiện rõ: tuy mức tăng rất thấp nhưng kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm số lượng áp đảo thị trường bán lẻ. Cụ thể năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ. 7 năm sau, số chợ tăng lên 8.539 chợ.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, bán lẻ truyền thống tuy chiếm 74% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ chiếm 1%/năm, trong khi các kênh bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm 26% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ.

Mặc dù áp đảo về số lượng nhưng bán lẻ truyền thống đang bị co cụm trước sức cạnh tranh rất quy mô của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile, Satrafoods hay gần đây là Bách Hóa Xanh… đã len lỏi vào mọi khu dân cư, đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân từ cây kim, sợi chỉ, cho đến mớ rau, con cá.

Doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2020 dự kiến sẽ đạt 160 tỷ USD. Thị trường tiềm năng như vậy nhưng việc tiếp cận, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào kênh truyền thống chưa hiệu quả.

Nguyên nhân là hệ thống phân phối tự mở ở dạng cục bộ, chi phí cao, quá trình quản lý giá, các chương trình tiếp thị, quảng cáo chưa đồng bộ với hệ thống phân phối, lãng phí kho bãi, giao nhận, khả năng mở rộng khó. Vì vậy, các bên liên quan như các chủ cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng

Cơ hội đầu tư kênh bán lẻ hiện đại

Nhận định của chuyên gia Nguyễn Hữu Cung (Đại học Công nghiệp Hà Nội) chỉ ra rằng trong khoảng 5-10 năm gần đây, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang phát triển theo những xu hướng mới với các kênh thương mại hiện đại như hệ thống đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, của hàng chuyên doanh và có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, giành thêm được nhiều thị phần từ kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa.

Bộ Công Thương dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển dần sang xu hướng đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Hiện, Việt Nam có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi và kênh bán lẻ này sẽ còn tăng trưởng mạnh. Theo đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số trong 3 năm tới và đạt mức 37,4% vào năm 2021.

Theo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm.

Theo báo cáo "Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh" mới công bố của Deloitte, tính đến hết năm 2019, cả nước có 3.450 siêu thị với tổng diện tích sàn lên đến hơn 1,6 triệu m2. Khác với các mô hình bán lẻ còn lại, kênh siêu thị ghi nhận mức tăng trưởng doanh số cao nhất vào năm 2019, đạt 16%.

Trong đó, Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh lần lượt chiếm 43% và 14% thị phần. Sự phát triển ổn định trong 4 năm qua của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước được cho là nhờ sự am hiểu thị trường nội địa, cũng như việc đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng. Trong khi đó, ở phân khúc đại siêu thị với 58 điểm bán, chuỗi Big C của Thái Lan chiếm 57,6% thị phần. Saigon Co.op là tên tuổi Việt Nam duy nhất cạnh tranh với các thương hiệu đại siêu thị quốc tế như Lotte Mart, Aeon Mall và E-Mart.

Số cửa hàng tiện lợi trên cả nước năm 2019 đạt 1.289, tăng 101 điểm bán so với năm 2018. Quy mô thị trường nhờ đó lên đến 4,4 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng doanh số 18%. Trong đó, chiếm vị thế cao nhất là Family Mart, Circle K và B's Mart với thị phần lần lượt là 21,4%, 20,7% và 9,6%.

Nghiên cứu của Deloitte cho thấy Covid-19 đã mang nhiều khách hàng mới đến với các cửa hàng tiện lợi. Lượng mua sắm tại kênh này đạt đỉnh điểm vào tháng 3.

Trong khi đó, Việt Nam được cho là thị trường thương mại điện tử bùng nổ, thu hút sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016-2019, tổng số vốn rót vào mảng kinh doanh này ước đạt 1 tỷ USD.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam.

Phân tích của MBS cho thấy trong toàn ngành bán lẻ trị giá 142 tỷ USD (chiếm 59% GDP), bán lẻ bách hoá chiếm giá trị lớn nhất với khoảng 60 tỷ USD, các mảng bán lẻ di động, đồng hồ, dược, trang sức, điện máy… chiếm tỷ trọng rất nhỏ và 70,65 tỷ USD là doanh thu từ bán lẻ khác.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại