24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu?

Việt Nam tận dụng cơ hội này như thế để có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành công xưởng thế giới?

Mỹ đang đặt ra mục tiêu chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt?

Truyền thông thế giới đang “nóng” câu chuyện Washington ráo riết thúc đẩy các sáng kiến rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Kết nối thêm sự kiện tái khởi động đối thoại sau 10 năm gián đoạn của “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) giới quan sát cho rằng, ngoài vấn đề hợp tác chống lại đại dịch Covid-19, việc giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu mới là vấn đề mấu chốt để Mỹ dẫn dắt sự thay đổi trong chuỗi cung ứng của thế giới. Đó cũng là mục tiêu của Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng (Economic Prosperity Network) – một phương án đa phương đầy bất ngờ của Mỹ.

Chất xúc tác Covid-19

Lâu nay, các chuỗi cung ứng từ nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, điện tử đến cả thiết bị y tế... đều phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Ngoài vai trò công xưởng của thế giới, lợi thế dân số đông, có thu nhập ngày một tăng đã biến nền kinh tế thứ hai thành thị trường tiêu thụ béo bở của bất cứ doanh nghiệp nào.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia chế tạo hàng đầu thế giới vào năm 2010 và chiếm tới 28% sản lượng toàn cầu trong năm 2018. Đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật vai trò quan trọng của Trung Quốc và dịch bệnh cho thấy rõ sự thống trị rộng khắp của Trung Quốc đến mọi nền kinh tế khác, từ ngành sản xuất thiết bị kiểm tra thân nhiệt đến nguồn cung ứng thực phẩm.

Nguy cơ đã được nhận biết từ lâu, kể cả việc một số công ty đa quốc gia cân nhắc lại chiến lược hoạt động tại Trung Quốc đã được manh nha từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, bởi nhiều lý do, trong đó có chi phí nhân công tăng mạnh, đối thủ địa phương cạnh tranh khốc liệt, lại thêm hệ thống quy định kém thân thiện...

Đại dịch Covid-19 bùng phát càng phơi bày sự phụ thuộc quá mức của cả thế giới vào Trung Quốc. Điển hình như tại nền kinh tế số 1 thế giới, việc lệ thuộc vào nguồn cung ứng dược liệu, thiết bị y tế thiết yếu… đã cho thấy rõ những điểm yếu, sơ hở không thể cứu vãn của nước Mỹ hùng mạnh trước chỉ một biến cố: Dịch Covid-19 - các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa - thị trường dược phẩm Mỹ cũng đóng băng.

Hãng tin Reuters của Mỹ nhấn mạnh việc Washington đang thúc đẩy các sáng kiến rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dẫn lời Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trên truyền hình CNN rằng, Mỹ đang làm việc cùng “những người bạn để thúc đẩy kế hoạch phát triển chung kinh tế toàn cầu”.

Kênh CGTV của Trung Quốc đăng tải một góc nhìn chuyên gia rằng, Covid-19 chỉ là cái cớ để Mỹ thực hiện cuộc dịch chuyển, gây bất lợi cho Trung Quốc và là cơ sở để Mỹ thúc đẩy kế hoạch xây dựng Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng. Kế hoạch mà Ngoại trưởng Pompeo nói ở trên là tín hiệu cho một cuộc chuyển dịch bắt đầu?

Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng thống Mỹ Trump - người đã gia tăng những lời chỉ trích hướng tới Trung Quốc trong thời gian gần đây và trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (11/2020), từ lâu đã cam kết sẽ đưa ngành chế tạo chuyển từ nước ngoài trở về Mỹ.

Cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu?
Có ý kiến cho rằng Covid-19 chỉ là cái cớ để Mỹ thực hiện cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng, gây bất lợi cho Trung Quốc. (Nguồn: ET)

Những tác động kinh tế nặng nề từ Covid-19 tại Mỹ chỉ là đang đẩy nhanh nỗ lực của Washington trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất bớt phụ thuộc và rời khỏi Trung Quốc.

Không chỉ dừng ở thuyết phục, các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dịch chuyển đang được cân nhắc để đẩy nhanh sự thay đổi trên. Các cơ quan của Mỹ cũng đang thăm dò để xác định các lĩnh vực quan trọng, những điểm “thắt cổ chai”, xem xét ngành chế tạo nào được coi là “thiết yếu” và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.

Từ việc kiểm soát linh kiện cho hệ thống lưới điện nhập khẩu, sắc lệnh mua sản phẩm y tế do trong nước sản xuất, đến các động thái tiến hành điều tra về vấn đề an ninh quốc gia, nước Mỹ đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Và theo như thông tin từ người phụ trách Bộ phận Tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Keith Krach, Mỹ đã triển khai mục tiêu này trong vài năm qua, ảnh hưởng khủng khiếp của Covid-19 chỉ là thêm một cú hích để Washington đẩy mạnh hơn nữa việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước “thân thiện” hơn.

Phương án bất ngờ?

Washington không làm việc đó một mình, Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng được cho là phương án đa phương đầy bất ngờ, ẩn sau những màn đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc về Covid-19, nhằm thúc đẩy việc rút chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

Theo đó, Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh gồm các đối tác đáng tin cậy, bao gồm các công ty và nhóm xã hội dân sự hoạt động theo cùng một bộ tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, giao thương, giáo dục và thương mại.

Các cuộc thảo luận về việc di chuyển chuỗi cung ứng trong Chính quyền Tổng thống Trump cũng được cho là đang diễn ra một cách cụ thể, mạnh mẽ và đặc biệt, “tính đa phương” được nhấn mạnh tại đối thoại này. Như Ngoại trưởng Mỹ từng tiết lộ, các cuộc thảo luận xoay quanh việc các nước sẽ tái cấu trúc chuỗi cung ứng thế nào để ngăn chặn nguy cơ gián đoạn tương tự xảy ra lần nữa.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty Mỹ đã đầu tư lớn tại Trung Quốc, họ cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Bởi vậy, dù thấy rõ những rủi ro phát sinh từ Covid -19, thì việc triển khai những thay đổi lớn sẽ không dễ dàng như việc ra một tuyên bố. Tháng trước, khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải vẫn cho thấy khoảng 70% công ty không nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì Covid-19.

Phần lớn họ muốn ở lại, bởi một thị trường không thể thấp hơn, còn một số khác chưa tin tưởng vào khả năng có thể độc lập hoàn toàn với mạng lưới mà công xưởng thế giới đã tạo lập trong 30 năm qua.

Hiện chưa có một “cơn sốt” rút khỏi Trung Quốc, nhưng cùng với khẩu chiến, các biện pháp thuế quan mới, thậm chí là các biện pháp trừng phạt khác được cho sẽ là đòn tấn công tiếp theo của Tổng thống Mỹ. Và tất nhiên, như thường lệ, những đòn đánh vào nền kinh tế Trung Quốc của Nhà Trắng không phải lúc nào cũng được hưởng ứng.

Nhưng với tất cả các lý do, cả kinh tế và chính trị, cho thấy rõ ràng động cơ quyết tâm dịch chuyển “công xưởng” không chỉ của Mỹ... Điểm đến mới có thể là Đông Nam Á, Ấn Độ… hay bất cứ nơi đâu là “đất lành”.

Có lẽ phải ít nhất một năm nữa mọi việc sẽ sáng tỏ, còn những thay đổi và tác động sẽ manh nha ngay từ nửa cuối năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả