Cuộc đấu trí của Trump với Iran và nguy cơ chiến tranh vào phút chót
Trong gần 2 tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, hồ sơ hạt nhân Iran thực sự cần được giải quyết bằng những cái đầu lạnh để tránh một cuộc chiến thảm khốc.
Cuộc đấu trí của Tổng thống Trump với Iran
Vào những ngày cuối trong nhiệm kỳ Tổng thống, một trong những công việc còn dang dở trong di sản đối ngoại của ông Trump chính là chương trình hạt nhân Iran. Đây thực sự là vấn đề cần được giải quyết bằng những cái đầu lạnh trong gần 2 tháng tới nhằm tránh một cuộc chiến thảm khốc.
Cả Mỹ và Iran đều gửi đi thông điệp về những giải pháp của mình trong những ngày gần đây mặc dù chúng hầu như không được chú ý tới. Thứ Bảy tuần trước (21/11), Lực lượng Không quân Mỹ đã điều lực lượng tác chiến máy bay ném bom B-52 từ căn cứ Minot, Bắc Dakota tới Trung Đông "để ngăn chặn các hành vi hung hăng và tái đảm bảo an ninh cho các đối tác và đồng minh của Mỹ", một thông báo của Bộ Chỉ huy Trung tâm cho hay.
Tuần này, 3 quan chức Mỹ cho biết hải quân có thể sẽ bắt đầu điều lực lượng tác chiến tàu sân bay tới Vịnh Ba Tư như một sự phòng bị trước những sự việc khó lường.
Việc điều động lực lượng này diễn ra giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang rút quân từ 3 khu vực chiến đấu của Bộ Chỉ huy Trung tâm gồm: Afghanistan, Iraq và Somalia. Thông điệp của Lầu Năm Góc tới Iran dường như giống một lời cảnh báo đầy thận trọng hơn là một lời đe dọa trực tiếp. Tuy nhiên, những bất đồng về chương trình hạt nhân Iran vẫn phủ bóng lên mối quan hệ này.
Trong khi đó, Iran cũng thể hiện sự cương quyết, cùng với sự sẵn sàng nhằm nối lại quan hệ ngoại giao với chính quyền mới. Mối đe dọa tiềm năng của Iran đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh vào tháng này khi các báo cáo cho biết kho làm giàu uranium của Iran đã gấp 12 lần mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. IAEA cũng cho hay Iran đã đầu tư thêm các máy ly tâm hiện đại hơn để thúc đẩy quá trình làm giàu uranium này.
Iran đang chờ đợi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ trôi qua và chủ đề này đã được Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lên tiếng hồi tuần trước. Ông Mohammad Javad Zarif khẳng định Iran sẽ quay lại các hạn chế như trong thỏa thuận năm 2015 nếu chính quyền mới của Mỹ cũng quay lại thỏa thuận này.
"Việc này không cần đàm phán và cũng không cần điều kiện", Ngoại trưởng Iran tuyên bố.
Những người có lập trường cứng rắn chống Iran trong chính quyền Mỹ và Israel đang nhìn thấy cánh cửa đàm phán khép lại khi cân nhắc đến một cuộc tấn công trước của Mỹ và Israel nhằm chống lại chương trình hạt nhân Iran. Những người ủng hộ cuộc tấn công này có thể bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và một số quan chức có lập trường cứng rắn xung quanh Tổng thống Trump. Thủ tướng Netanyahu thường cho rằng mối đe dọa hạt nhân tiềm năng từ Iran là vấn đề hiện hữu với Israel và cơ hội để tiến hành một cuộc tấn công như vậy có thể sẽ hết hạn vào ngày 20/1 tới.
"Không cần phải quay lại thỏa thuận hạt nhân trước đây. Chúng ta phải gắn chặt với chính sách không nhượng bộ để đảm bảo Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân", Thủ tướng Netanyahu khẳng định tuần này.
Nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran
Tổng thống Trump đã cân nhắc đến một cuộc tấn công nhằm vào Iran đầu tháng này nhưng sau đó đã hủy bỏ quyết định trên. Theo đó, lo ngại về các báo cáo của IAEA rằng Iran đang tăng cường kho uranium, Tổng thống Trump hôm 12/11 đã cân nhắc đến các giải pháp quân sự. Tuy nhiên, ông đã được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley, Ngoại trưởng Mike Pompeo và một số quan chức khác can ngăn. Tổng thống Trump sau đó cũng cho rằng việc tiến hành một cuộc chiến mới với những kết quả khó đoán trong 2 tháng cuối nhiệm kỳ không phải là một việc làm thông minh. Tuy vậy, một số quan chức cho rằng khả năng về một cuộc chiến không hoàn toàn khép lại và theo như lời một quan chức Mỹ, "chúng ta vẫn chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm".
Những hoài nghi về một cuộc tấn công Iran bao trùm trong cộng đồng các quan chức quân sự cấp cao ở cả Mỹ và Israel, những người lo ngại phản ứng dây chuyền có thể khiến các bên đều rơi vào tình trạng tồi tệ hơn. Một cựu quan chức quốc phòng hàng đầu đã cảnh báo, ý tưởng về một cuộc tấn công "hạn chế, nhanh gọn và chính xác" là điên rồ bởi chiến tranh sẽ không diễn ra theo cách đó. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng giữ thái độ thận trọng bởi bất chấp những báo cáo của IAEA, trong nhiều tháng qua, Iran vẫn chưa kích hoạt một quả bom nào.
Một số người trong cuộc nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump không muốn có một cuộc xung đột mới ở Trung Đông, (hành động có nguy cơ hủy hoại những gì được cho là di sản của ông) nhằm ngăn chặn những cuộc chiến "bất tận" tại khu vực này. Tuy nhiên, gây sức ép về chương trình hạt nhân Iran cũng là một trong những vấn đề mà Tổng thống Trump quan tâm, do đó, ông có thể sẽ tăng cường sức ép nhiều hơn nữa với Tehran trước khi rời Nhà Trắng.
Elliott Abrams, đặc phái viên của Tổng thống Trump về vấn đề Iran đã nhấn mạnh về các lựa chọn phi quân sự trong những bình luận vào tuần này: "Tất cả những gì xảy ra vào tháng 12 và tháng 1 tới sẽ là các lệnh trừng phạt với các hợp đồng buôn bán vũ khí, vũ khí hủy diệt hàng loạt và về các vấn đề nhân quyền... Chính sách này vẫn sẽ tiếp tục trong một vài tháng nữa và thậm chí cho đến ngày cuối cùng".
Sự đối đầu với Iran sẽ là một nhân tố X khó đoán với an ninh quốc gia của Mỹ. Cho tới Ngày Nhậm chức của tổng thống Mỹ (20/1), mối nguy hiểm về một cuộc tấn công của Mỹ hay của Iran vẫn sẽ được thảo luận, bởi mặc dù khả năng xảy ra thấp nhưng đây vẫn là một nguy cơ hiện hữu. Dù vậy, bắt đầu một cuộc chiến vô cớ chưa bao giờ là một sự lựa chọn thông minh, đặc biệt khi nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc trong quá trình chuyển giao quyền lực chính trị./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận