Cuộc chuyển giao hiếm có lịch sử, 5.200 tỷ USD sang tay những tỷ phú mới
Khi một lớp doanh nhân "lừng lẫy" dần già đi, những người thừa kế của họ cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp quản cơ ngơi đồ sộ đã được dày công gây dựng.
Thời kỳ chuyển giao khối tài sản lên đến 5.200 tỷ USD
Kể từ thời điểm UBS bắt đầu theo dõi khối tài sản của những người giàu nhất thế giới vào khoảng 1 thập kỷ trước, lần đầu tiên
khối tài sản mà những tỷ phú thừa kế nhận được đang vượt trội hơn so với số tiền mà các tỷ phú kinh doanh tự thân kiếm ra.
Ông Benjamin Cavalli, người giám sát các khách hàng chiến lược tại đơn vị quản lý tài sản toàn cầu của UBS, cho biết: “Khi nhiều tỷ phú doanh nhân tự thân đời đầu già đi, việc chuyển giao tài sản lớn đã và đang đạt được động lực đáng kể. Đây là điều mà chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận thấy rõ ràng hơn trong 20 năm tới, khi hơn 1.000 tỷ phú truyền lại số tiền ước tính 5.200 tỷ USD cho con cái của họ”.
Theo USB - tổ chức ngân hàng có khách hàng là khoảng một nửa số tỷ phú trên thế giới, số tài sản khoảng 150,8 tỷ USD đã được chuyển giao cho 53 người thừa kế trong vòng 12 tháng, tính tới tháng 4 năm nay. Con số này nhiều hơn so với mức 140,7 tỷ USD được tích luỹ bởi 84 tỷ phú tự thân mới trong cùng quãng thời gian.
Một trong những ví dụ tiêu biểu về tỷ phú thừa kế trong thời gian gần đây là cặp anh em Alain Wertheimer (75 tuổi) và Gérard Wertheimer (73 tuổi) - những người thừa kế thế hệ thứ 3 của hãng thời trang xa xỉ Chanel.
Cụ thể, trong ấn phẩm thường niên về 300 người giàu nhất Thụy Sĩ do tạp chí Bilanz công bố ngày 24/11, tài sản của cư dân Thụy Sĩ và là người thừa kế mang họ Wertheimer hiện ước tính vào khoảng từ 41 tỷ CHF đến 42 tỷ CHF (46,5 tỷ - 47,5 tỷ USD), nhiều hơn 9 tỷ CHF so với bảng xếp hạng năm 2022. Điều này đã giúp ông Gérard Wertheimer trở thành tỷ phú giàu nhất Thụy Sĩ. Ông Alain có khối tài sản nhỉnh hơn em trai, nhưng ông cư trú tại New York.
Một phần hệ quả của nền kinh tế suy yếu
Trước hết, phải nhận định rằng sự chênh lệch về khối tài sản giữa các tỷ phú thừa kế và tỷ phú tự thân xuất phát từ một lý do hết sức khách quan và khó tránh là thế hệ tỷ phú đời đầu như Warren Buffett, Charlie Munger, Bernard Arnault,... đang dần già đi và phải chuyển giao dần cơ nghiệp sang cho những người con của họ.
Tuy nhiên, việc số tiền tích luỹ của các tỷ phú tự thân giảm còn có thể là hệ quả từ việc nền kinh tế toàn cầu suy yếu trong suốt những năm đại dịch và kéo dài, cũng như trầm trọng hơn, vào năm nay.
Nhìn chung, số lượng tỷ phú trên toàn cầu năm 2023 tăng 7% lên 2.544. Tổng tài sản của họ đã tăng 9% lên 12.000 tỷ USD, trước khi tính đến lạm phát. Nhưng con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh 13.400 tỷ USD đạt được vào năm 2021, khi cộng đồng tỷ phú toàn cầu tăng lên 2.686 cá nhân sau đợt phục hồi sau về tài sản như cổ phiếu và bất động sản.
Tình trạng trầm lắng của thị trường IPO trong suốt năm 2022 và đầu năm 2023 cũng hạn chế cơ hội để các doanh nhân gia tăng sự giàu có thông qua hoạt động cho doanh nghiệp "lên sàn".
Max Kunkel, giám đốc đầu tư cho khách hàng quản lý tài sản gia đình và tổ chức tại UBS, cho biết: “Sự bất ổn về kinh tế, địa chính trị và chính sách là một thách thức đối với việc tạo ra tài sản của doanh nghiệp trong thời gian gần đây”.
Trong khi đó, báo cáo từ UBS cho thấy, lần đầu tiên, châu Âu dẫn đầu mức tăng trưởng về tài sản của các tỷ phú khi “sự phung phí mua sắm sau đại dịch” đã nâng cao lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty hàng xa xỉ hàng đầu có trụ sở tại Pháp, mang lại lợi ích cho các gia đình tỷ phú đằng sau họ.
Ví dụ như tập đoàn LVMH chủ tịch Bernard Arnault và 5 người con của ông. Năm nay, cổ phiếu của LVMH tăng đột biến, thậm chí chạm ngưỡng cao lịch sử, đã giúp tỷ phú Arnault, từ người giàu thứ 3 thế giới với tài sản ròng trị giá 167 tỷ USD, vượt qua cả Elon Musk và Jeff Bezos để năm giữ vị trí tỷ phú giàu nhất thế giới, theo Bloomberg Billionaires Index.
Rủi ro và cơ hội cho UBS
Theo ông Benjamin Cavalli, việc chuyển giao tài sản “đáng kinh ngạc” cho thế hệ trẻ mang lại cơ hội lớn cho UBS nhưng cũng gây ra những rủi ro đáng kể. Theo ông, nếu không thể níu chân những khách hàng tiềm năng, ngân hàng rất dễ rơi vào tình trạng mất đi những khách hàng lớn và nguồn tài sản đáng kể.
Cụ thể, các khách hàng trẻ tuổi thường không thích có chung tư vấn viên hay nhân viên chăm sóc khách hàng với cha mẹ của họ, ông Benjamin cho biết.
Do đó, việc đổi người tư vấn, hay thậm chí là đổi ngân hàng đang sử dụng là điều hoàn toàn có thể xảy ra sau khi quá trình bàn giao tài sản thừa kế kết thúc. Tất nhiên, việc này cũng không dễ dàng, bởi việc thay đổi người tư vấn còn ảnh hưởng tới hoạt động từ thiện của các tỷ phú.
Mặc dù vậy, nhìn chung, việc chăm sóc các khách hàng thừa kế cũng đòi hỏi USB, hay tất cả những ngân hàng được giới thượng lưu "chọn mặt gửi vàng" phải thích ứng nhanh với sự thay đổi về chiến lược đầu tư hay quản lý dòng tiền. Ví dụ, chỉ 1/3 thế hệ kế thừa coi mục tiêu từ thiện là một trong những mục tiêu chính của họ, trong khi 2/3 thế hệ tỷ phú thế hệ đầu tiên coi đây là mục đích hàng đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận