24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Không có bữa trưa nào miễn phí

Đúng như dự báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, diễn tiến căng thẳng, phức tạp và khó lường. Cho dù đã có không ít dự báo về cơ hội của Việt Nam, nhưng “không có bữa trưa nào miễn phí”.

Doanh nghiệp lo ứng phó

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những giải pháp ứng phó với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

“Sự sụt giảm đáng kể trong kết quả xuất nhập khẩu và thu hút FDI sau 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã cho thấy những ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam. Trước tình hình này, chúng tôi buộc phải đề xuất giải pháp ứng phó cấp thiết để Thủ tướng và Chính phủ cân nhắc”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI giải thích.

Trường hợp cụ thể được VCCI nhắc đến là nông - thủy sản. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức tăng trưởng của nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 giảm 9,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ (từ mức 16,5% cùng kỳ năm 2018) và thủy sản giảm 3,9 điểm phần trăm (từ mức 18,2% cùng kỳ năm trước).

Với kết quả trên, các doanh nghiệp đang thực sự gặp khó. Nguyên nhân của sự sụt giảm trên chủ yếu do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nông - thủy sản và buộc một số loại nông sản phải nhập khẩu theo đường chính ngạch. Nhưng vấn đề sâu xa là, phần lớn quy định này đã có từ vài năm trước, nhưng chỉ tới đầu năm 2019, khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc mới siết chặt việc thực thi.

Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp điều chỉnh theo các yêu cầu mới, nhất là cải thiện điều kiện cở sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên xuất khẩu chính ngạch..., thì xu hướng giảm xuất khẩu có thể chưa đảo chiều ngay.

Trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Lệ Hằng, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, để xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt phải thỏa mãn khá nhiều điều kiện mới.

Một là, phải có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do Cục Quản lý chất lương nông - lâm và thủy sản (Nafiqad) công nhận.

Hai là, các lô hàng xuất khẩu phải kèm theo Chứng thư An toàn thực phẩm do Nafiqad cấp. Đặc biệt, thủy hải sản của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩp vào Trung Quốc, phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy C/O, bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc...

“Nhiều doanh nghiệp không nắm rõ quy định mới, nên năm nay không đưa được hàng vào Trung Quốc. Ví dụ, mặt hàng mực khô không sang Trung Quốc vì không có trong danh mục sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, nên kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay bị giảm 80%”, bà Lệ Hằng cho biết.

Hơn thế, thời gian cập nhật danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu hàng vào Trung Quốc sẽ được Nafiqad và Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện hàng quý. Nghĩa là, từ nay đến cuối năm, sẽ chỉ có 2 đợt xem xét. Doanh nghiệp nào chậm trễ sẽ phải đợi khá nhiều thời gian.

Để giải quyết khó khăn trên, VCCI khuyến nghị các giải pháp nhằm trực tiếp gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ở từng thị trường, đối với từng loại sản phẩm liên quan.

“Ví dụ, với thị trường Trung Quốc, trong lĩnh vực nông - thủy sản: phổ biến thông tin và hướng dẫn nông dân, các cơ sở sản xuất thực hiện các yêu cầu/quy định mới của Trung Quốc; phối hợp với cơ quan phía Trung Quốc để hỗ trợ đăng ký mã số cho hàng hóa, cơ sở sản xuất; hỗ trợ nông dân và các cơ sở nông sản…”, VCCI khuyến nghị.

Tổng quan hơn, VCCI đề nghị Chính phủ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, rà soát để cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, cắt giảm chi phí sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp...

“Lúc này, các doanh nghiệp cần an toàn, an tâm và chi phí thấp”, ông Lộc nói.

“Không có bữa trưa nào miễn phí”

Xuất khẩu của Việt Nam từng kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi vừa giữ được sự tăng trưởng ở các thị trường, vừa có thêm lợi thế ở thị trường Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ Việt Nam, các hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp bổ sung cho nhau vô hình trung làm tăng cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ ba.

Nhưng 1 năm qua, mọi việc đã không diễn biến như vậy. Xét theo từng thị trường, ngoại trừ thị trường Mỹ có sự gia tăng đột biến, các thị trường xuất khẩu lớn khác đều chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 so với nửa đầu năm 2018. Trong đó, thị trường Nhật Bản giảm tốc khoảng 25%, ASEAN giảm gần 70%, Hàn Quốc giảm 80%. Cá biệt, thị trường Trung Quốc có mức giảm tốc tới 28 lần so với nửa đầu năm 2018 (từ 28% xuống còn 1%). Thị trường EU thậm chí tăng trưởng âm (giảm 0,4%).

Không chỉ Việt Nam đối mặt với sự giảm tốc này. Theo Cơ quan Thống kê của Đức, kim ngạch xuất khẩu ra thế giới (không tính EU) của nước này trong nửa đầu năm 2019 giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Một phần lý do được cho là cuộc chiến thương mại đã khiến việc xuất khẩu máy móc, thiết bị của Đức sang Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu của Đức sang các nước EU cũng sụt giảm 8% trong nửa đầu năm 2019 do “cầu” yếu ở các thị trường EU.

Nhưng đi sâu hơn, ở thị trường EU, trong khi xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm (nửa đầu năm 2018 tăng 12,3%), thì xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đạt mức tăng 6%, dù có giảm so với nửa đầu năm 2018. Tương tự, ở thị trường Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm chỉ còn chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm trước (6% so với 31,8%), thì tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm ít hơn, bằng xấp xỉ 30% mức cùng kỳ năm trước (2,5% so với 8,9%).

Ở đây có những nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Ngay cả cơ hội đón nhận dòng chuyển dịch một phần hay toàn bộ cơ sơ sở sản xuất ở Trung Quốc của các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới do gia tăng bất định trong bối cảnh chiến tranh thương mại cũng không thực sự rõ ràng, dù Việt Nam luôn thể thiện mong muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Không có bữa trưa nào miễn phí”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) chia sẻ quan điểm.

Ông Dương cho rằng, Việt Nam khó có thể phán đoán về kết quả cuộc chiến thương mại và đề ra chính sách ứng phó một cách cứng nhắc, nên cách tốt nhất là Việt Nam cần chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Chúng ta nên rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới”, ông Dương đề xuất.

Việc ứng phó mà ông Dương đề cập khá đa dạng, nhưng tập trung vào khả năng là, do gặp khó về đầu ra, nên hàng Trung Quốc được đẩy sang thị trường Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt Nam ở các thị trường thứ ba.

Việc lựa chọn dòng vốn FDI cũng không đơn giản, bởi Việt Nam không nên và không thể phân biệt đầu tư theo đối tác. Hơn thế, cũng có quan ngại về các dòng vốn có tính “tránh bão”.

Đặc biệt, Việt Nam cũng gặp bất lợi là bị Mỹ và Trung Quốc giám sát, thậm chí thực hiện các hành động, chính sách ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này. Rủi ro sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không duy trì được đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các nền kinh tế lớn khác (như Nhật Bản, EU, Australia...) về đánh giá, dự báo và chính sách ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tương tự VCCI, CIEM đề nghị tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thuận lợi, cạnh tranh hơn. Đồng thời, không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Một số giải pháp cần thực hiện nhằm cân bằng hơn thương mại với Mỹ

Hợp tác với các nước thuộc nhóm cường quốc để chia sẻ thông tin, đánh giá, kinh nghiệm ứng phó chính sách các quốc gia này đối với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung;

Tiếp tục cùng vận động ủng hộ cho thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương;

Nghiên cứu, thực hiện giải pháp để cân bằng hơn thương mại với Mỹ. Cần lưu ý, việc xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ cũng có thể đóng góp vào định hướng cân bằng hơn thương mại song phương;

Đối thoại cởi mở với Mỹ về xuất xứ hàng hóa, từ đó định hướng cho doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có ý nghĩa hơn việc nghi ngờ, thanh kiểm tra một cách hành chính đối với phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam;

Trao đổi thường xuyên, thẳng thắn với phía Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam;

Hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê, tránh để tồn tại những khác biệt lớn giữa số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (do Việt Nam công bố) và số liệu xuất khẩu sang Việt Nam (do Trung Quốc công bố);

Thận trọng hơn trong truyền thông về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam. Tránh thổi phồng hoặc làm sai lệch bản chất các vấn đề, khó khăn trong hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác cụ thể. Nguồn: CIEM

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả