menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung: "Sai lầm" đến lúc chấm dứt?

Đã đến lúc Tổng thống Joe Biden đảo ngược chính sách thương mại của người tiền nhiệm với Bắc Kinh, vì lợi ích của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Viết trên EastAsiaForum, Trưởng khoa Quốc tế học của Đại học Wilamette (Mỹ), Giáo sư Yan Liang nhận định rằng việc Tổng thống Joe Biden duy trì chính sách áp thuế cao của người tiền nhiệm với Trung Quốc là một sai lầm cần sớm được sửa chữa. Tại sao lại có câu chuyện này?

Thiếu sót, không hiệu quả

Thứ nhất, cuộc chiến thuế quan của Mỹ dựa trên lập luận thiếu sót. Ông Donald Trump coi áp đặt thuế quan là biện pháp nhằm giải quyết sự mất căn bằng trong thương mại với Trung Quốc. Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, thường xuyên và với ông, đây là tín hiệu xấu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, cân bằng thương mại song phương không có nhiều ý nghĩa với các chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại đa phương. Một chiếc iPhone X được nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng thêm 409,25 USD cho cán cân thương mại, và quốc gia châu Á chỉ đóng góp 10,4% giá trị trong đó.

Thứ hai, Mỹ thâm hụt thương mại hơn 100 quốc gia. Đây không phải là kết quả của thương mại không công bằng mà đến từ thâm hụt ngân sách nội bộ, khi chi tiêu tăng nhanh hơn thu nhập. Một phần nguyên nhân cũng đến từ “đặc quyền vượt trội” của đồng USD: Thâm hụt thương mại không làm giảm giá USD và dẫn tới điều chỉnh của thị trường, bởi nhu cầu với đồng này là quá lớn.
Thứ ba, chính sách áp thuế của cựu Tổng thống Donald Trump không đạt hiệu quả mong muốn.

Thâm hụt thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng. Người Mỹ phải chi thêm trung bình 1.277 USD/năm cho mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, số việc làm trong các ngành sản xuất tại Mỹ không tăng và dự kiến giảm 320,000 từ nay tới năm 2025. Đáng ngại hơn, cuộc chiến thuế quan này sẽ tác động xấu tới ưu tiên đối nội về phục hồi nền kinh tế của ông Joe Biden.

Quan trọng hơn, cuộc chiến thuế quan do Mỹ khơi mào đã không tạo ra bất kỳ một thay đổi mang tính cấu trúc nào với Trung Quốc. Quốc gia châu Á nhìn nhận một số chính sách kinh tế của mình, trong đó có duy trì sự hỗ trợ với các doanh nghiệp nhà nước (SOEs), là đặc trưng của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong thành công hiện nay.

Bắc Kinh cho rằng yêu cầu của Washington nhằm thay đổi chính sách kinh tế nhà nước là hành vi can thiệp. Mỹ cần hiểu rõ mục tiêu phát triển và cách tiếp cận của Trung Quốc, từ đó hướng tới xây dựng và cập nhật hệ thống luật quốc tế.

Thứ tư, không khó để thấy cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc rõ ràng là một sáng kiến chính trị cho khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump nhằm duy trì sự ủng hộ cho nhiệm kỳ của mình. Việc ông Joe Biden chưa đảo ngược chính sách này có thể tác động tiêu cực tới sự trở lại của Mỹ ở các hệ thống đa phương nói chung và vị thế dẫn dắt kinh tế toàn cầu nói riêng.

Nhìn về tương lai

Tuy nhiên, dù cuộc chiến thuế quan không hiệu quả, loại bỏ hàng rào thuế quan mà thiếu sự nhượng bộ của Trung Quốc là không đơn giản. Lưỡng viện Mỹ vẫn ủng hộ quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, hy vọng rằng cuộc chiến thuế quan để đòi hỏi thay đổi mang tính hệ thống tại Trung Quốc.

Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, các hạn chế thương mại thường được triển khai thông qua sắc lệnh hành pháp nhằm đảm bảo “an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, Washington hoàn toàn có thể triển khai chính sách nhằm đảm bảo an toàn thông tin tuyệt đối và áp đặt thuế quan khi cần thiết trong một số lĩnh vực nhạy cảm, thay vì trong mọi lĩnh vực. Nếu nước này mong muốn trở lại vị trí dẫn dắt toàn cầu, cần xây dựng lại và củng cố hệ thống đa phương, thượng tôn luật lệ vững chắc hơn.

Trung Quốc đã có nỗ lực nhất định nhằm triển khai thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một. Nhu cầu hậu đại dịch, kết hợp với sự mạnh lên của đồng Nhân dân tệ sẽ giúp quốc gia châu Á hoàn thành phần việc của mình. Nước này cũng đã thúc đẩy các chế tài nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ bắt buộc, đồng thời tiến tới nới lỏng một số giới hạn về tiếp cận thị trường.

Để thúc đẩy phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng dài hạn, Trung Quốc cần tiếp tục cải cách, xây dựng quan hệ quốc tế theo hướng tích cực. Mở cửa thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải tổ các SOE và thúc đẩy phát triển công nghệ sẽ đem lại lợi ích về lâu dài.

Dù Washington và Bắc Kinh có nhiều khác biệt về ý thức hệ và lợi ích địa chính trị, thương mại vẫn còn đó tiềm năng cho hợp tác song phương. Giao dịch thương mại đa phương, dựa trên luật lệ sẽ giúp cả hai tận hưởng lợi ích từ chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy hiệu quả sản xuất từ chuyên môn hóa và kinh tế quy mô. Tuy nhiên, để kịch bản này thành sự thực, hai bên cần thể hiện thiện chí và với Mỹ, chấm dứt chiến tranh thuế quan là bước đầu tiên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại