Cuộc chiến thuế Mỹ - Trung chiếm diễn đàn các hội nghị cấp cao ASEAN
Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan trong hai ngày cuối tuần này, lãnh đạo các nước Đông Nam Á sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, tác động của cuộc chiến thuế Mỹ-Trung sẽ là chủ đề trọng tâm được đem ra mổ xẻ tại hội nghị này.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ khai mạc hôm 22-6 tại Bangok, Thái Lan, trong đó, vấn đề thương mại sẽ chiếm lĩnh thời gian thảo luận của lãnh đạo các nước ASEAN trong hai ngày của hội nghị, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung đang khiến một số nhà sản xuất lớn tháo chạy khỏi Trung Quốc để sang các nước Đông Nam Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế với 250 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc từ giày thể thao cho đến máy giặt và đồ nội thất, khiến Bắc Kinh áp thuế đáp trả nhằm vào 110 tỉ đô la hàng hóa Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, năng lượng.
“Một trong những bên hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến này là ASEAN”, Drew Thompson, nhà nghiên cứu ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore nói khi ám chỉ đến làn sóng các công ty sản xuất tìm đến các nước sản xuất có chi phí thấp ở Đông Nam Á để né các đòn thuế của Mỹ.
Các công ty bao gồm hãng giày và quần áo thể thao Brooks Running Company (Mỹ) và hãng sản xuất thiết bị gia dùng và hàng điện tử tiêu dùng Haier (Trung Quốc) đã bắt đầu di dời một số dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc đến một số thị trường thân thiện và có mức thuế thấp hơn như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Giữa lúc căng thẳng thương mại với Washington leo thang, Bắc Kinh đang nỗ lực vận động một thỏa thuận thương mại rộng lớn bao trùm các nền kinh tế Đông Nam Á, có tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này, với các thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, sẽ giúp kết nối các thị trường, nơi một nửa dân số thế giới đang sinh sống. Đây được xem là phương án để Trung Quốc xây dựng cấu trúc thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN, các bộ trưởng kinh tế ASEAN sẽ tham dự một cuộc họp đặc biệt về RCEP. Với tư cách là nước chủ tịch ASEAN, Thái Lan đang đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán và ký kết RCEP vào cuối năm nay.
Song các cuộc đàm phán đang gặp trắc trở khi Úc và New Zealand đang thúc đẩy đưa các tiêu chuẩn cao vào các điều khoản bảo vệ lao động và môi trường của RCEP.
Trong khi đó, Ấn Độ đang tìm kiếm các bảo đảm RCEP sẽ không buộc nước này mở cửa hoàn toàn cho hàng hóa miễn thuế của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu Drew Thompson cho biết Ấn Độ đang tìm cách đặt ra những ranh giới riêng, khiến nước này trở thành cản lực lớn nhất cho RCEP. Do vậy, các kỳ vọng về tiến triển của RCEP tại Bangkok đang rất yếu.
Nếu không đạt được thỏa thuận này, các nhà quan sát lo ngại rằng những “phần thưởng” ngắn hạn mà ASEAN nhận được từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể sớm mất đi khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.
Fred Burke, đối tác quản lý ở Chi nhánh hãng luật Baker McKenzie (Mỹ) ở Việt Nam, nhận định: “Nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục khiến nền kinh tế thế giới tổn thương thì đó là tin xấu cho tất cả mọi nước”.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg ở Bangkok sáng 21-6, Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-Ocha, nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là mối lo ngại nghiêm trọng đối với Thái Lan. Ông cho biết cuộc tranh chấp thương mại này đã dẫn đến “tình trạng bất ổn lớn hơn cho tình hình kinh tế và sự cạnh tranh lớn hơn trên toàn cầu”.
“Chúng tôi phải tìm cách giảm nhẹ tác động của căng thẳng thương mại này và tạo ra một sự cân bằng lớn hơn”, ông nói khi lưu ý đến việc Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy Hiệp định RCEP.
Hôm 19-6, phát biểu tại Jakarta, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, kêu gọi các nước thành viên ASEAN phải đoàn kết để ứng phó với các diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ông cho rằng sự đoàn kết là cần thiết để duy trì sự ổn định kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu với báo chí vào cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia, A.M. Fachir, cho rằng các nước ASEAN phải hợp tác với nhau để bảo đảm rằng tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không gây tổn hại đến các nước thành viên ASEAN.
Trong khi đó, Phasporn Sangasubana, Đại diện thường trực của Thái Lan tại ASEAN kêu gọi các nước ASEAN phải biến các mối đe dọa kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thành các cơ hội cho khu vực bằng cách thuyết phục các công ty đa quốc gia di chuyển các cơ sở sản xuất của họ đến Đông Nam Á.
Theo AFP, Bloomberg
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận