Cuộc chiến thanh toán khí đốt của Nga và EU
Châu Âu phản đối việc mua khí đốt Nga bằng ruble, còn Nga lại muốn hỗ trợ nội tệ đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Hôm 31/3, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin tuyên bố các quốc gia "không thân thiện" sẽ bị đóng băng hợp đồng khí đốt nếu không mở tài khoản ngân hàng Nga và thanh toán bằng ruble. Nguyên thủ quốc gia của hai khách hàng khí đốt lớn nhất với Nga tại châu Âu, gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz của Đức và Thủ tướng Italy Mario Draghi, đã từ chối yêu cầu này, vì không phải là điều khoản trong hợp đồng hiện có.
"Tôi đã nói rõ với Tổng thống Nga rằng giao dịch sẽ tiếp tục như cũ" và "các công ty nếu muốn có thể thanh toán bằng đồng euro", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong cuộc họp báo hôm 31/3. Ông khẳng định Nga không thể chia rẽ châu Âu và các đồng minh phương Tây quyết tâm không để Nga "tống tiền".
"Việc thay đổi tiền tệ thanh toán mà không vi phạm hợp đồng là hoàn toàn không dễ", Thủ tướng Italy Mario Draghi bình luận. Ông không tin châu Âu đang "có nguy cơ" bị ngừng cung cấp khí đốt. Theo ông, việc chuyển đổi các khoản thanh toán từ USD hoặc euro thành ruble là "vấn đề nội bộ của Nga".
Pháp cũng có lập trường tương tự. "Hợp đồng là hợp đồng", Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói sau cuộc họp ở Berlin. Một số công ty Đức và châu Âu khác có hợp đồng với Nga chưa đưa ra bình luận.
Hiện tại, khoảng 60% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu được thanh toán bằng đồng euro. Phần còn lại là bằng USD. Trung bình mỗi ngày, châu Âu trả 200 - 800 triệu euro tiền khí đốt cho Nga.
Ông Putin muốn thay đổi điều đó bằng cách yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt nước ngoài dùng ngoại tệ mua đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank và sử dụng chúng để thanh toán cho Gazprom.
Ngân hàng này sẽ mở hai tài khoản cho mỗi người mua, một tài khoản bằng ngoại tệ và một tài khoản bằng đồng ruble. Người mua sẽ thanh toán bằng ngoại tệ và ủy quyền cho ngân hàng bán loại tiền đó lấy ruble, được đặt trong tài khoản thứ hai dùng cho việc trả tiền khí đốt.
Vì vậy, giới phân tích nhận định ông Putin muốn khách hàng châu Âu mở tài khoản ở Gazprombank để bơm ngoại tệ vào đó. Gazprombank chưa bị loại khỏi hệ thống SWIFT do một số miễn trừ về giao dịch năng lượng.
Nga muốn hỗ trợ nội tệ đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Hiện tại, họ yêu cầu Gazprom bán 80% ngoại tệ thu được cho ngân hàng trung ương. Các biện pháp này, cùng mức lãi suất 20% đã giúp đồng tiền Nga phục hồi. Sau khi giảm đáng kể từ hôm 24/2, ruble hiện gần như trở lại mức trước khủng hoảng Ukraine.
Jeffrey Schott, Thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng "có vẻ như động lực của ông Putin là để các khoản thanh toán bằng ngoại tệ không bị đóng băng".
Tuy nhiên, theo Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ) và là một cựu quan chức tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc Nga được trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble sẽ chỉ giúp một phần nhỏ trong việc vượt qua các biện pháp trừng phạt tài chính, nâng cao giá trị nội tệ và bảo vệ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nếu các nhà nhập khẩu nước ngoài thanh toán bằng đồng tiền đang giảm giá trị như ruble, thực tế khí đốt lại còn rẻ hơn. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện mà tránh được các lệnh trừng phạt.
Ông cảnh báo động thái này "có thể làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu hơn nữa" bằng cách làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung hiện tại và làm tăng thêm sự bất ổn nguồn cung trong tương lai. Tất cả đều có thể khiến giá tăng thêm.
Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở Warsaw cho biết, bằng cách lấy ngoại tệ từ Gazprom, Điện Kremlin sẽ có thêm quyền kiểm soát đối với nguồn cung ngoại tệ ngày càng khan hiếm, do phương Tây đóng băng phần lớn dự trữ của Nga ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến Gazprom không có ngoại tệ để thanh toán nợ nước ngoài hoặc mua hàng ở nước ngoài.
Câu hỏi lớn lúc này là Nga liệu có thực sự cắt khí đốt nếu châu Âu không chấp nhận yêu cầu mở tài khoản để thanh toán bằng ruble? Các chuyên gia cho rằng, tranh chấp về đồng ruble sẽ làm dấy lên lo ngại nó có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Điều đó có thể khiến Nga bị buộc tội không tuân thủ các hợp đồng năng lượng dài hạn.
Theo các nhà phân tích tại Rystad Energy, một điều phức tạp nữa là hệ thống đường ống của châu Âu có tính kết nối cao. Vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế dòng chảy khí đốt đến một số quốc gia sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Ngoài ra, bán năng lượng là một nguồn thu chính của Nga.
Khi được hỏi liệu Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt cho các khách hàng châu Âu nếu họ từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble hay không, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hồi đầu tuần rằng "chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí".
Hai ngày sau, ông Peskov cho biết việc thu xếp chuyển đổi tiền tệ có thể mất thời gian. Craig Erlam, Nhà phân tích thị trường cấp cao phụ trách Anh, Trung Đông và châu Phi tại hãng môi giới tiền tệ Oanda, cho biết "điều đó có thể giúp châu Âu có thời gian tìm kiếm các lựa chọn thay thế và nạp thêm dự trữ".
Một số chuyên gia còn lạc quan cho rằng ông Putin đang đe dọa là chính. Trong lịch sử, Nga từng dọa sử dụng đồng ruble để trả cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ bằng USD. Nhưng cuối cùng, họ vẫn phải thanh toán bằng USD sau khi các cơ quan xếp hạng cho biết thanh toán bằng đồng ruble sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Khi nói đến thanh toán bằng khí đốt, "ông Putin có thể yêu cầu đồng ruble, nhưng các hợp đồng rất rõ ràng", Carl Weinberg, kinh tế trưởng tại High Frequency Economics cho biết.
"Lựa chọn duy nhất của ông ấy là từ chối giao sản phẩm và điều đó không thể xảy ra. Kho lưu trữ sẽ đầy rất nhanh nếu ngừng giao hàng", Weinberg phân tích.
Dù vậy, châu Âu đã bắt đầu chuẩn bị các phương án khi nguồn cung khí đốt bị thắt chặt. Đức và Italy trong tháng qua đã cố gắng đa dạng hóa nguồn khí đốt sau nhiều năm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga. Năm ngoái, nhập khẩu của Nga chiếm 55% nhu cầu khí đốt của Đức và 40% của Italy.
Hôm thứ tư (30/3), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kích hoạt bước đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp khí đốt quốc gia để chuẩn bị cho người dân và các cơ sở công nghiệp trước khả năng bị dừng cung cấp khí đốt.
Một nhóm xử lý khủng hoảng sẽ tăng cường giám sát nguồn cung khí đốt trong giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn khẩn cấp. Giai đoạn cuối cùng có nghĩa là các nhà quản lý của chính phủ sẽ quyết định những đơn vị công nghiệp nào ngừng sử dụng khí đốt, tiết kiệm tại nguồn cung cho hộ gia đình và bệnh viện.
Áo cũng đã kích hoạt các kế hoạch cảnh báo sớm. Còn Pháp kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận