'Cuộc chiến' Mỹ - Trung: 'Trầy da tróc vẩy' rồi nhận ra 'không thể tách rời'
“Mỹ không tìm cách tách rời hay kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc”. Đây là nhận định của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong cuộc gặp gỡ với một số quan chức hàng đầu của Trung Quốc như Thủ tướng Lý Cường và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong tại Bắc Kinh vào ngày 29/8 vừa qua.
Khẳng định này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, giống như nhận định của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại hai chiều Mỹ - Trung là mối quan hệ “cùng nhau có lợi” và nên “nói không với tách rời nhau”.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, quốc gia châu Á này đã cung cấp cho Mỹ các mặt hàng hóa chất lượng cao với giá cả phải chăng, góp phần giúp người dân Mỹ quản lý lạm phát và chi phí tiêu dùng.
Mỹ đã nhập khẩu 536,8 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 153,8 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ qua. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lập đỉnh vào năm 2022, với kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 690,6 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Bên cạnh đó, theo một báo cáo được Fitch Ratings công bố, Mỹ và Trung Quốc đã trở nên “ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thông qua các liên kết chuỗi cung ứng đã nở rộ trong thập kỷ vừa qua”.
Thiệt mình, thiệt người
Chính vì thế, 'cuộc chiến' thương mại hai bên ngày càng sâu sắc hơn khiến cả Mỹ và Trung Quốc đang tự làm tổn thương chính mình.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên trong 15 năm qua, Trung Quốc đánh mất vị trí là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ vào tay Mexico và Canada. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 1 đến tháng 5/2023 chỉ còn 169 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đánh mất vị trí là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ
Trong giai đoạn này, Trung Quốc chiếm khoảng 13,4% tổng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, mức thấp nhất trong 19 năm qua. Kim ngạch nhập khẩu hàng giảm ở nhiều danh mục hàng hóa, đặc biệt là chất bán dẫn giảm tới 50%.
Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc để đặt nhà máy sản xuất ở các nước có vị trí địa lý gần hơn với Mỹ hoặc có quan hệ gần gũi hơn mới Mỹ cũng góp phần không nhỏ vào làn sóng “Trung Quốc cộng 1”.
Tập đoàn công nghệ Apple đã chuyển bớt dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ vào hồi năm 2022 trong khi nhiều công ty Mỹ ở các lĩnh vực khác cũng đã và đang tìm cách dịch chuyển sản xuất sang một số quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.
Theo trang Investopedia, những thực tế phũ phàng này có thể làm “xói mòn” vị thế “công xưởng của thế giới” mà Trung Quốc cố gắng xây dựng và nắm giữ bấy lâu nay.
Không chỉ vậy, lệnh “cấm vận” công nghệ của Mỹ cũng phần nào làm “tổn thương” các công ty công nghệ của Trung Quốc. Hoạt động của các công ty lớn của Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi, các công ty viễn thông China Mobile, China Telecom…đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chúng đều dựa vào công nghệ, linh kiện, phần mềm hoặc tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ như Apple, Microsoft…
Chưa kể, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp cấm hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc ở 3 lĩnh vực (chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo) đã khiến dòng vốn của Mỹ vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong hơn 1 năm qua bị thu hẹp đáng kể.
Trước đó, ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc vốn từng được xem là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Tuy nhiên, sau lệnh cấm và những căng thẳng địa chính trị, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm từ 32,9 tỷ USD trong năm 2021 xuống còn 9,7 tỷ USD trong năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ chỉ tài trợ 1,2 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng “trầy da tróc vẩy” khi nhận lại những đòn trả đũa từ phía Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại của cả hai bên.
Mỹ ít nhập khẩu từ Trung Quốc hơn trong những năm qua
Theo New York Times, Mỹ đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc như chip máy tính, pin mặt trời và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác nhưng thực tế lại chỉ ra rằng nỗ lực của chính quyền Biden đang gặp muôn vàn khó khăn.
Trong nửa đầu năm nay, Mexico và Canada đã vượt Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ. Thoạt nhìn, đây là dấu hiệu cho thấy bản đồ thương mại toàn cầu đang được vẽ lại và Mỹ đang dần giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, trên thực tế, các liên kết thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại tồn tại dưới hình thức mới, có phần rối rắm hơn.
Các quốc gia như Mexico, Ấn Độ hay Đông Nam Á đều chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể trong hoạt động giao thương với Mỹ và trở thành các đối tác thương mại ưa thích của Mỹ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Kearney, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Châu Á, Mexico sang Mỹ cũng tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước này. Nói cách khác, hàng Trung Quốc đã đi đường vòng để đến Mỹ chứ không bị cắt giảm.
Dù Mỹ đang nỗ lực xây dựng chuỗi sản xuất pin xe điện không có bóng dáng của Trung Quốc nhưng “tham vọng này gần như là không thể”, tờ Economist nhận định. Các công ty Trung Quốc hiện nay kiểm soát khoảng 80% tổng số khoáng sản quan trọng, bao gồm 80% công suất tinh chế coban, 82% sản lượng than chì và 93% sản lượng tinh chế mangan trên toàn cầu.
Với lợi thế này, Trung Quốc đang thống trị ngành công nghiệp sản xuất pin xe điện của thế giới. Thậm chí, chỉ riêng công ty pin CATL của Trung Quốc đã kiểm soát tới 1/3 thị trường pin xe điện toàn cầu.
Nhiều công ty Mỹ chọn "vùng đất mới" để lắp đặt dây chuyền sản xuất ngoài Trung Quốc
Mối quan hệ “không thể tách rời”
Là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ, kết nối trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt khi xét đến bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, khủng hoảng khí hậu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo diễn ra liên tục. Trước những thách thức toàn cầu như hiện nay, việc tách rời Mỹ - Trung có thể được xem là nguy hiểm và không ai muốn.
“Về mặt kinh tế, tách rời là kịch bản xấu nhất cho cả Trung Quốc và Mỹ bởi khi đó cả 2 phía đều là những người thua cuộc. Dù không hoàn toàn giống như sự huỷ diệt kiểu chiến tranh hạt nhân, song không ai mong muốn tách rời kinh tế Mỹ - Trung", Allen J. Morrison và J. Stewart Black - hai chuyên gia thương mại đề cập trong cuốn “Doanh nghiệp Trung Quốc”.
Phân tích chuyên sâu của Phòng Thương mại Mỹ về quan hệ kinh tế Trung – Mỹ năm 2021 cũng cho thấy kể từ năm 2018, xung đột thương mại đã khiến Mỹ mất 245.000 việc làm.
Các ước tính cho thấy việc tách rời khỏi Trung Quốc sẽ khiến ngành hàng không Mỹ thiệt hại tới 875 tỷ USD vào năm 2038 trong khi thiệt hại của ngành công nghiệp bán dẫn lên tới 159 tỷ USD và mất đi 100.000 việc làm hay ngành dịch vụ y tế thiệt hại hơn 479 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Một khi kinh tế Mỹ - Trung tách rời, trước tiên, cả Washington và Bắc Kinh đều phải trả giá đắt, sau đó phần còn lại của thế giới cũng sẽ phải chịu những dư chấn không nhỏ. Dẫu vậy, xây dựng chính sách hợp lý về kinh tế, có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ là vấn đề khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận