24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phan Dũng Khánh - PDK Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cuộc chiến giữa nhà đầu tư cá nhân với những ‘cá mập’ trên TTCK

TTCK thế giới (TG) và cả Việt Nam tăng điểm như vũ bão trong tháng 4 và 5 mang lại nhiều niềm vui cho NĐT bất chấp số liệu kinh tế toàn cầu lao dốc dữ dội.

Sự phi lý này đặt ra nhiều suy đoán như kỳ vọng kinh tế phục hồi khi các quốc gia lần lượt mở cửa trở lại, dòng tiền đổ vào CK mạnh mẽ vì các nơi đều đóng cửa nhưng TTCK thì không, nhiều người ở nhà đã khiến họ rảnh rỗi hơn cũng như cần phải kiếm tiền trang trải cuộc sống thậm chí dùng luôn tiền từ các gói cứu trợ để đầu tư CK như ở Mỹ, một số nước Châu Á…

Dù là lý do là gì thì rõ ràng đã có những dòng tiền đổ xô ồ ạt vào TTCK toàn cầu trong 2 tháng vừa qua. Các dòng tiền này từ đâu?

Hành động của ‘cá mập’

Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đang sở hữu khối tiền mặt khổng lồ theo báo cáo mới nhất là 137,3 tỷ USD, tăng hơn 10 tỷ USD so với cuối năm 2019 dù đã tiêu 3.5 tỷ trong Q1. Số liệu cũng cho thấy tập đoàn này đang có tốc độ mua/bán là 1:4 (bán gấp 4 lần mua) nghĩa là họ ngày càng có xu hướng tích trữ tiền mặt nhiều hơn. Số liệu của Bloomberg cũng cho thấy rõ điều này khi mà tỷ lệ tiền mặt từ dưới 3.000 tỷ USD hồi 2018 đã lên tới 4.600 tỷ vào tháng 4 năm nay. Warren Buffet cũng nói: “Chúng tôi vẫn chưa hành động vì chẳng thấy gì hấp dẫn”, “cuộc khủng hoảng lần này rất khác”, “FED không biết được. Tôi không biết và chẳng ai biết cả”. Có lẽ vì những điều này khiến ông cẩn trọng trong giải ngân và ưu tiên nắm giữ tiền mặt.

Không chỉ Warren Buffett mà nhiều tỷ phú, các Nhà quản lý Quỹ khác cũng cùng quan điểm về điều này. Nhà quản lý Quỹ Stanley Druckenmiller đạt tỷ suất sinh lợi ngoại hạng ở mức trung bình mỗi năm là 30% trong suốt 3 thập kỷ. Thậm chí ông gần như chưa bao giờ thua lỗ trong suốt 120 Quý đầu tư của mình. Ông nói: “Điều đầu tiên tôi được nghe vào những ngày đầu bước chân vào thị trường, đó là bò làm ra tiền, gấu cũng làm ra tiền, chỉ có heo là bị làm thịt. Nhưng giờ tôi ở đây để cho bạn biết rằng, tôi chính là một chú heo”. Nghĩa là bây giờ nhà quản lý quỹ đại tài này cũng nghiêng về việc phòng thủ giữ tiền nhiều hơn là “tấn công”.

Chuyên gia quản lý quỹ Crispin Odey cũng nói: “Hãy cứ mua CP mà bạn yêu thích, tôi không muốn làm bạn bị mất hứng nhưng kể từ lúc đó bạn đã chọn nhầm phe của lịch sử” và “chẳng có gì miễn nhiễm với đà giảm tốc của kinh tế”. Theo ông xu hướng ngược chiều nhau của CK và nền kinh tế quốc tế hiện nay là phi lý vì vốn dĩ “TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế”. Tỷ phú đầu tư Tepper thì nhận định CK Mỹ đang bị định giá cao ở thời điểm hiện tại và là 1 trong 2 lần cao nhất lịch sử (lần còn lại là năm 1999). Vì với đà tăng của TTCK đã đẩy P/E thị trường vượt hơn 20 lần mức cao nhất gần 20 năm qua trong bối cảnh quý đầu tiên có tới 86% các công ty S&P 500 báo cáo lợi nhuận giảm đánh dấu quý tồi tệ nhất trong 11 năm trong lúc dự báo tình hình có thể còn ảm đạm hơn khi mà nhiều phân tích cho rằng lợi nhuận các công ty sẽ giảm 40,6% trong quý II, 23% trong quý III và 11,4% trong quý IV.

Số liệu hàng tuần từ Bank of America cho biết, chỉ trong 1 tuần của tháng 5, các NĐT đã rút 16.2 tỷ USD khỏi thị trường CP. Nhiều CP công nghệ cũng chứng kiến tuần bị rút vốn đầu tiên trong năm với 43 triệu USD dù nhóm này được hưởng lợi từ việc người dân buộc phải làm việc ở nhà. Còn các quỹ đầu tư vàng và trái phiếu lợi suất cao có chuỗi nhiều tuần hút vốn chẳng hạn 32 tỷ USD đổ vào loại hình TP. Trong đó rót trực tiếp là 11.3 tỷ USD vào các quỹ TP nhưng có tới tận 53.5 tỷ USD chuyển sang tiền mặt.

Dữ liệu từ cơ quan Thống Kê Canada (Statscan) thì cho thấy các NĐT Canada đã rút tiền khỏi các TTCK nước ngoài ở mức kỷ lục 42,2 tỷ đô la Canada (30 tỷ USD) trong tháng 3 đồng thời đã bán 29,3 tỷ USD CP Mỹ. Đây là mức rút vốn lớn nhất kể từ khi Statscan thống kê. NĐT Canada cũng đã bán hết 11,5 tỷ đô la trái phiếu nước ngoài vào tháng 3 với gần một nửa trái phiếu kho bạc Mỹ. Còn các NĐTNN vào Canada cũng rút vốn khỏi TTCK Canada gần 10 tỷ USD vào tháng 3.

Na Uy đang có kế hoạch rút 382 tỷ krone (khoảng 37 tỷ USD) khỏi quỹ tài sản quốc gia. Số tiền trên lớn gấp 4 lần con số kỷ lục hồi năm 2016 sẽ phải buộc quỹ đầu tư lớn nhất hành tinh phải bán tài sản để có tiền mặt. Còn tại Anh ngay trong tháng 5 đã phát hành TPCP với LS âm lần đầu tiên, như vậy nghĩa là Chính phủ Anh đang đi vay một cách hiệu quả với chi phí thấp khi mà NĐT sẽ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra khi TP đáo hạn “bù thêm tiền” cho Chính phủ Anh. Thông thường mua TPCP là từ những NĐT lớn chứ ít khi có chuyện NĐT nhỏ lẻ mua, do lãi suất và cả lợi suất của TPCP luôn ở mức thấp hàng đầu thị trường. Nhưng Chính phủ Anh vẫn làm được điều này, nhờ vào nhu cầu “phòng thủ” nắm giữ tiền mặt và tài sản an toàn của các NĐT lớn nên họ chấp nhận không có lãi.

Cũng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2004 đến nay – theo số liệu từ Refinitiv đã không có thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nào trị giá hơn 1 tỷ USD được công bố trên toàn thế giới. Từ đầu 2020 đến nay, tổng giá trị của các thương vụ M&A toàn cầu giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 762.6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Tổng số thương vụ M&A cũng giảm 20% so cùng kỳ, nhiều thương vụ bị hủy bỏ do các dòng tiền tập trung vào các tài sản an toàn như vàng, TPCP và cả tiền mặt.

Dữ liệu của Capital Economics và WGC (Hội đồng vàng TG) cho thấy hầu hết các NHTW không có kế hoạch bán kho dự trữ vàng vốn đang tăng lên của họ bất cứ lúc nào trong 5 năm tới. Năm 2019, các giao dịch mua vàng sẽ đạt mức cũng đạt mức cao nhất trong gần 60 năm qua, xấp xỉ 700 tấn. WGC cũng cho biết các quỹ ETFs toàn cầu tăng lượng vàng vật chất nắm giữ lên gần 3,000 tấn, mức cao nhất mọi thời đại (vượt 2012). Hiện các quỹ ETF chuyên đầu tư vào vàng ở Bắc Mỹ đang nắm giữ khoảng 1,500 tấn vàng, kế tiếp là các quỹ của châu Âu nắm giữ khoảng 1,250 tấn, các quỹ tại châu Á nắm giữ gần 90 tấn vàng, và ở các khu vực còn lại là gần 50 tấn vàng. Điều đặc biệt là bối cảnh đầu tư của các quỹ ETF hiện nay khác rất nhiều so với giai đoạn 2012, khi 2/3 lượng nắm giữ toàn cầu tập trung ở Bắc Mỹ. Hiện đã bao gồm luôn các khu vực khác trên TG khi các quỹ ETF tại Bắc Mỹ và châu Âu đang nắm giữ tương ứng với tỷ lệ hơn 50% và gần 45%, phần còn lại đến từ các quỹ ở châu Á và các khu vực còn lại. Còn trong năm 2020 theo số liệu từ Bloomberg, các NĐT đã đổ một lượng tiền mặt chưa từng có vào các quỹ vàng, với dòng tiền lên tới 16,8 tỷ đô la trong vòng chưa đầy năm tháng và lập kỷ lục trong một năm. Quỹ ETF của State Street trị giá 62 tỷ đô la là SPDR Gold Trust, đã nhận được gần 12 tỷ đô la vào năm 2020 cũng cho thấy các dòng tiền lớn vẫn tin tưởng vàng.

Với dữ liệu như trên thì rõ ràng các NĐT lớn hầu hết đều nắm giữ tài sản an toàn là chính cùng với việc gia tăng dự trữ tiền mặt. Thế nhưng TTCK vẫn phi vù vù chung với cả vàng, đô la Mỹ. Việc 2 sản phẩm tài chính là vàng và USD gia tăng (USDX đã vượt 100 điểm) là khá rõ ràng do các dòng tiền từ các NĐT tổ chức, người giàu TG đổ vào còn TTCK thì từ đâu?

Bệ đỡ từ những nhà đầu tư cá nhân

Ngược lại với các NĐT tổ chức lớn thì các NĐTCN đang giao dịch bùng nổ. Số liệu ở Mỹ đã có nhiều TK đầu tư có đúng số tiền “tiền trực thăng” $1.200 do IRS (Sở Thuế vụ Hoa Kỳ) “thối lại” cho người dân.

Robinhood – một ưng dụng đầu tư đã nhận thêm số tiền ký quỹ kỷ lục trong quý I/2020, lượng giao dịch hàng ngày của họ cũng tăng lên 300% so với cuối năm 2019. Hai nền tảng giao dịch khác là eToro và Raging Bull Trading cũng ghi nhận nhu cầu đầu tư tăng vọt lần lượt là 220% và 158%. Còn Wealthsimple Trade ghi nhận lượng người dùng mới tăng kỷ lục 54% và tổng lượt giao dịch tăng 43%, bất chấp kinh tế toàn cầu lao dốc. CEO của Wealthsimple Trade cho biết 55% số người dùng mới của họ “có độ tuổi từ 34 trở xuống” và “nhiều người trẻ hiện đang tìm kiếm những cơ hội mới để tăng thêm thu nhập hoặc bù lại những khoản lỗ trước đó”, “nhiều người đang ở nhà và có nhiều thời gian hơn đồng thời một số người không may bị mất việc làm đang tìm kiếm những cơ hội mới trên thị trường nhằm bù đắp thu nhập”.

Còn tại Philippines công ty chứng khoán AAA Southeast Equities cho biết số lượng khách mở TK đã tăng gấp đôi năm nay. COL Financial cho biết nhiều người trẻ đứng đằng sau sự tăng vọt về số lượng TK mở mới. Các CTCK khác cho biết họ liên tục tổ chức các hội thảo cho NĐT mới và tung ra các video hướng dẫn giao dịch trên YouTube.

Còn tại Ấn Độ, hàng triệu NĐT mới xuất hiện nhờ lệnh phong tỏa. Theo Dịch vụ Lưu ký Trung tâm Ấn Độ có tới 1.2 triệu TK mới được mở trong tháng 3-4, tăng từ mức 900,000 trong 2 tháng đầu năm. Số lượng TK mới hàng tháng tăng gấp đôi kể từ tháng 2/2020 và 20% trong số đó là từ những NĐT dưới 30 tuổi, lần đầu tiên “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường.

Còn tại VN thì số TK mở mới trong tháng 4 hơn 15% so với tháng 3, gấp đôi so với tháng 2 và gấp 4 lần tháng 1. Chủ yếu người mở TK mới là từ các NĐTCN chiếm tỷ lệ cao nhất 2 năm nhưng các NĐTNN, NĐTTC lại thấp nhất 2 năm. Điều này cho thấy dòng tiền đến với CK chủ yếu từ các NĐTCN trong bối cảnh NĐTNN bán ròng 15 tuần liên tiếp, thậm chí là 17 tuần nếu loại trừ 1 tuần họ mua ròng một vài CP lớn.

Như vậy dòng tiền trên TTCK và các tài sản rủi ro xuất phát chủ yếu từ các NĐTCN đang là bệ đỡ chính cho thị trường trong khi NĐT lớn liên tục rút ra dưới dạng tiền mặt hoặc đổ vào tài sản an toàn như vàng hay TPCP. Do đó định giá của TTCK ngày càng cao xét theo PE vì P (giá thì tăng vù vù) trong khi các DN ngày càng khó khăn (EPS suy giảm). Việc TTCK đi ngược nền kinh tế diễn ra trong 1 khoản thời gian dài với tốc độ cao là một rủi ro lớn cho các NĐT ngắn hạn. Bên cạnh đó HNX-Index có xu hướng ngược chiều với VN-Index giai đoạn gần đây cũng là một cảnh báo xấu (HNX-Index giảm khi VN-Index tăng và ngược lại). Vì thế NĐT vẫn nên vui khi vẫn kiếm được tiền nhưng “vui thôi đừng vui quá”, “thà rơi nước dãi chứ đừng để rơi lệ” để còn có thể đặt tay lên “chuột” sẵn sàng bấm nút chốt bất cứ lúc nào một khi thị trường chuyển biến xấu trở lại và dòng tiền không còn đủ để đỡ thị trường nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Phan Dũng Khánh - PDK Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả