menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền An

Cuộc chiến giữa mã thanh toán QR và ví điện tử

Thị trường ví điện tử Việt Nam không có những tay chơi nổi trội, thống lĩnh thị trường như WeChat Pay hay AliPay ở Trung Quốc.

Thị trường thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam là sự cạnh tranh sôi động giữa các ví điện tử và mã thanh toán QR của các ngân hàng thương mại. Cuộc cạnh tranh này được cho là sẽ ngày càng gay gắt và sẽ chỉ còn một số ít chiến binh tồn tại lâu dài.

Theo khảo sát của tổ chức thẻ Visa công bố trong tháng 3 vừa qua, phương thức thanh toán bằng mã QR đang được ưa chuộng với tỷ lệ 62% và 16,2 triệu giao dịch mỗi tháng. Dù ra đời sớm hơn, ví điện tử xếp sau với tỷ lệ 58% và 15,5 triệu giao dịch mỗi tháng.

Năm 2019, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho ra đời VietQR, hệ thống mã QR chuẩn hóa cho phép khách hàng quét và thanh toán trên các ứng dụng di động của ngân hàng. Sự xuất hiện của VietQR đã giúp thị trường thanh toán số tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, trung bình 35% mỗi năm. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, tổng số giao dịch đã đạt 7-8 tỉ lượt trong năm qua.

Nhưng đó cũng là dấu hiệu cho cuộc cạnh tranh đang hồi khốc liệt giữa các ví điện tử và mã thanh toán QR.

“Không hấp dẫn”, nhưng mã QR lại rất phổ biến

Thị trường thanh toán số của Việt Nam dự kiến đạt tổng giá trị giao dịch khoảng 160 tỉ đô la trong năm 2025 sắp tới. Hơn 40 ngân hàng thương mại nội địa đang cạnh tranh mạnh mẽ với 51 ví điện tử và nền tảng thanh toán trung gian tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước. Trong khi các ví tập trung xây dựng hệ sinh thái với nhiều chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn, mã QR của các ngân hàng chỉ thực hiện một nhiệm vụ “đơn giản” là thanh toán theo thời gian thực.

Thị trường ví điện tử Việt Nam không có những tay chơi nổi trội, thống lĩnh thị trường như WeChat Pay hay AliPay ở Trung Quốc. Nhưng ít ra cũng có những cái tên đáng chú ý.

Kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu FinnGroup nói MoMo, ShopeePay và VNPay là ba ví điện tử thông dụng nhất. Còn bảng khảo sát của Decision Lab, hãng nghiên cứu thị trường tại TPHCM, chỉ ra MoMo, ZaloPay và ShopeePay được nhiều người sử dụng nhất. Các ví đều bắt tay với các siêu ứng dụng như Grab, Gojek hoặc các nền tảng khác như TikTok… Trong khi thị trường gọi xe công nghệ và giao nhận đã tương đối bình ổn, thì cạnh tranh giữa các ví điện tử lại dậy sóng. Các ví đua nhau đốt tiền để giành người dùng, có khi khuyến mãi lên đến 2 triệu đồng/khách để mua vé máy bay.

Cạnh tranh cũng diễn ra giữa các ngân hàng. Mạng lưới này đang đầu tư đáng kể để nâng cao năng lực kỹ thuật số của mình, cạnh tranh mạnh mẽ với ví điện tử của các công ty công nghệ tài chính (fintech).

Nhưng mã QR của các ngân hàng không gây chú ý, bởi hầu như ít khuyến mãi, hoặc nếu có thì kiểu nhỏ giọt. Bản thân các ngân hàng cũng không có được hệ sinh thái mua sắm, giải trí và thanh toán tiện lợi như các ứng dụng Grab, Gojek, Shopee hay TikTok Shop. “Về cơ bản, chuyển khoản theo thời gian thực bằng mã QR rất ít hấp dẫn. Ngay cả đối với các ngân hàng, bởi các khoản thanh toán không mang lợi nhuận ngay từ đầu”, Joshua Chong, cố vấn trưởng tại hãng tư vấn fintech Kapronasia, nói với Tech in Asia.

Tuy vậy, tăng trưởng trong thanh toán mã QR tại Việt Nam đang do các ngân hàng dẫn dắt. Theo dữ liệu của Data.ai, sáu ngân hàng gồm MB Bank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và Techcombank lọt vào top 10 dựa vào lượt tải ứng dụng. Bốn vị trí còn lại chia cho MoMo, ZaloPay và hai ứng dụng thanh toán của hãng viễn thông Viettel và Công ty tài chính Home Credit.

Trước sức ép này, theo ông Chong, “Các ví điện tử đang cảm thấy bị đe dọa” bởi mã QR đang chia sẻ thị trường thanh toán số, biến những cái ví điện tử trở thành thừa thãi. Giá trị giao dịch của các hệ thống thanh toán theo thời gian thực ở Singapore, Thái Lan và Malaysia đã tăng hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm 2020-2021, Kapronasia phân tích dữ liệu của GlobalData công bố vào tháng 11-2023. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trong quí 3 năm ngoái là 100%, tức gấp đôi tốc độ chung của các nước Đông Nam Á.

VietQR được ra mắt muộn hơn so với các sản phẩm cùng loại ở các nước láng giềng. Tuy nhiên, bà Trần Kiều Oanh, người đứng đầu bộ phận tư vấn và nghiên cứu của FinnGroup, cho rằng độ phổ biến của VietQR có thể giúp mục tiêu của chính phủ là giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống còn 8% trong năm 2025 trở nên khả thi hơn trước.

Cuộc đua mã – ví

Hầu hết người dùng chỉ chọn ví điện tử khi có các khoản giảm giá hay điểm khách hàng thân thiết. Còn người bán thì nói thẳng thích chuyển khoản trực tiếp bằng mã QR bởi dòng tiền nhanh hơn. Nếu khách trả bằng thẻ và ví điện tử giá trị, người bán sẽ chịu thêm phí và các giao dịch không được giải quyết theo thời gian thực, tức là tiền sẽ bị giam trong nhiều tiếng đồng hồ hoặc có khi vài ngày.

Ví điện tử gặp nhiều trở ngại pháp lý tại Việt Nam. Đầu tiên, ví phải được liên kết với tài khoản ngân hàng và người dùng phải xác minh danh tính bằng cách tự chụp ảnh và tải lên hình căn cước hoặc hộ chiếu hợp lệ. Hơn nữa, các ví lại không chịu chơi chung với nhau, tức là nếu khách dùng ví này, mà cửa hàng dùng ví khác thì không thể thanh toán được.

Những quy định và phiền toái như vậy sẽ chỉ có thể giữ chân, níu kéo người dùng nếu các ví đưa ra các khuyến mãi, giảm giá đủ hấp dẫn. Để thu hút người chưa sử dụng ví, cả MoMo và ZaloPay đều phát hành mã QR “phổ quát” vào năm 2023. Tính năng này cho phép tất cả khách hàng có VietQR có thể thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ có liên kết với các ví điện tử này.

CEO Nguyễn Mạnh Tường của MoMo nhấn mạnh rằng mã QR của MoMo rất linh hoạt vì người dùng có thể chọn sử dụng nguồn tiền nào, có thể từ ví, tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng. Tính linh hoạt này giúp tăng doanh số cho người bán.

Còn CEO Lê Lan Chi của ZaloPay tin rằng sự bùng nổ của VietQR sẽ thúc đẩy toàn bộ thị trường vì người tiêu dùng đang chuyển đổi khỏi tiền mặt nhanh hơn nhiều. “Đây là cuộc đua có phần nghiêng về việc mang lại giá trị cho người bán. Bởi người dùng không quá quan tâm rằng mình đang quét mã QR nào”, vị CEO này nói.

Để thu hút thêm người dùng ví điện tử, ZaloPay đã “tối ưu hóa” chi tiêu quảng cáo và chuyển trọng tâm sang xây dựng các dịch vụ tài chính khác như “mua trước trả sau” (BNPL), tiết kiệm và đầu tư chứng khoán… Các ví điện tử, ngân hàng và các công ty tài chính cũng đang có các động thái tương tự.

Bùi Hải Nam, nhà sáng lập kiêm CEO của startup sổ bán hàng điện tử SoBanHang, cho biết nền tảng này đã tích hợp hoàn toàn với VietQR. Điều này cho phép chủ các cửa hàng theo dõi doanh số bán hàng thông qua ứng dụng di động khi khách hàng quét và thanh toán bằng mã QR.

Mã QR ra đời chậm hơn, nhưng lại đang lấn lướt các ví điện tử. Mã VietQR càng phổ biến và tiện lợi khi người dùng có thể chuyển trả vài ngàn đồng – đây chỉ là đặc quyền của ví điện tử trước đây. Thông qua NAPAS, người sử dụng mã VietQR và ví điện tử của một số ngân hàng tại Việt Nam có thể thanh toán bằng cách quét mã tại sáu nước ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Brunei) và Nhật Bản trong tương lai gần.

VietQR lại hướng đến sự quan tâm của người dùng, thay vì cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ khác, trong đó có ví điện tử. Đến nay, NAPAS đã kết nối với 64 ngân hàng và công ty tài chính, 40 đơn vị thanh toán trung gian và 200 doanh nhiệp, nhà cung cấp dịch vụ lớn trên cả nước.

Chỉ số ít có thể tồn tại

Đến cuối năm nay, theo Ngân hàng Nhà nước, dự kiến sẽ có khoảng 50 triệu ví điện tử hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Các hãng FinTech đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái mua sắm và thanh toán bằng ví điện tử rất tiện lợi, rộng khắp nhưng lại không kết nối với nhau.

Tất nhiên, ví điện tử vẫn có thế mạnh cho các khoản thanh toán nhỏ, và dĩ nhiên là các hệ sinh thái mua sắm có nhiều khuyến mãi, giảm giá. Tiến sĩ Huy Phạm, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng ví điện tử và VietQR ra đời với mục đích khách nhau, vì thể cả hai có thể bổ trợ lẫn nhau.

Bà Trần Kiều Oanh từ FinnGroup cho rằng các nhà cung cấp ví kỹ thuật số có thể tận dụng VietQR để khuyến khích nhiều người không dùng tiền mặt hơn. Bà cũng lưu ý rằng một số ứng dụng ngân hàng di động chưa tích hợp dịch vụ của mình vào các hệ sinh thái thanh toán khác nhau một cách hiệu quả như ví điện tử. Trong khi đó, cuộc chiến trên thị trường thanh toán số vẫn khốc liệt. Tiến sĩ Huy Phạm từ Đại học RMIT cho rằng “chỉ một số ít sẽ tồn tại lâu dài” khi cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả