Cuộc chiến giành khí hóa lỏng toàn cầu
Việc Nga giảm cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đang làm nóng cuộc chiến khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu, có thể gây tăng giá và thiếu cung.
Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản đang đẩy nhanh kế hoạch mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho mùa đông, do lo ngại châu Âu tăng tích trữ. Một số khách mua nhạy cảm với giá cả ở những nước như Ấn Độ và Thái Lan cũng đang tăng tìm nguồn hàng để tránh thiếu hụt.
Hãng khí đốt Nga Gazprom hôm 25/7 cho biết tuần này sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu. Theo đó, kể từ sáng 27/7, công suất qua đường ống này sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí một ngày, do họ phải sửa chữa một tuabin khác.
Việc này buộc các nước châu Âu tìm sản phẩm thay thế, ví dụ như LNG. Giá giao ngay của loại nhiên liệu này vốn đang ở mức cao (do yếu tố thời vụ trong năm), thì giờ có nguy cơ tăng vọt khi cả khách mua châu Á và châu Âu đều muốn trả giá cao để có hàng.
Giới nhà buôn ước tính giá LNG tại Bắc Á hôm nay sẽ lên cao nhất kể từ đầu tháng 3 – thời điểm xung đột Nga – Ukraine mới diễn ra. Nguồn cung LNG mùa đông này cũng sẽ co lại do gián đoạn chuỗi cung ứng từ Australia sang Mỹ.
Khí đốt tự nhiên là nhiên liệu chủ chốt để sưởi ấm và sản xuất điện. Vì thế, giá khí đốt tăng có thể kéo theo lạm phát toàn cầu lên cao. Với mức giá hiện tại, người mua tại các nền kinh tế mới nổi, như Pakistan, Bangladesh và Argentina hiện không thể mua khí đốt trên thị trường giao ngay và đang vật lộn với tình trạng thiếu điện.
Trung Quốc – nước nhập khẩu khí hóa lỏng nhiều nhất thế giới năm ngoái – vẫn đứng ngoài thị trường giao ngay năm nay, do các lệnh phong tỏa chống Covid-19 khiến nhu cầu nhiên liệu xuống thấp. Nếu hoạt động kinh tế tại Trung Quốc phục hồi, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, khiến lượng LNG sẵn có cho châu Âu càng giảm, Samantha Dart – Giám đốc nghiên cứu khí tự nhiên tại Goldman Sachs Group cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận