Cuộc chiến của các ví điện tử: "Đốt tiền" song liệu có bền vững?
Các công ty thanh toán điện tử Việt Nam đang tăng trưởng "thần tốc". Tuy nhiên, cuộc chiến "đốt tiền" cũng đang ngày một nóng hơn.
Trước tác động của đại dịch, tăng trưởng thanh toán qua thiết bị di động qua 9 tháng tăng đến 130% so với cùng kỳ năm 2019. Các công ty thanh toán điện tử cũng lớn nhanh hơn như VNPay đã được gọi tên là kỳ lân công nghệ tỷ USD thứ 2 của Việt Nam, trong khi MoMo cũng cán mốc 20 triệu người dùng...
Đi kèm theo đó là mức lỗ lũy kế ngày càng tăng, cuộc chiến "đốt tiền" nóng hơn đặt ra những dấu hỏi về sự bền vững của mô hình kinh doanh.
Từ những số liệu trên có thể thấy thanh toán điện tử là một trong những mảng thị trường được hưởng lợi rất rõ dưới tác động của dịch bệnh. Theo một báo cáo mới của tổ chức Fintech Singapore, dù tổng số lượng công ty công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam năm 2020 bị sụt giảm so với năm 2019, tuy nhiên số lượng các công ty về thanh toán lại tăng.
Đi kèm với sự tăng trưởng là sức nóng của cuộc cạnh tranh đổ tiền đầu tư - mà thị trường thường gọi là "đốt tiền". Ví dụ như các công ty đầu ngành ví điện tử hầu hết vẫn đang ghi nhận mức lỗ lũy kế tăng theo từng năm.
MoMo được đánh giá đang dẫn đầu thị trường - mặc dù mang về doanh thu lên đến hơn 4.200 tỷ đồng năm 2019, nhưng đồng thời cũng lỗ hơn 850 tỷ đồng trong năm nay. Các cái tên ví điện tử phổ biến như Zalopay hay Moca cũng ghi nhận mức lỗ lần lượt 390 tỷ đồng và gần 150 tỷ đồng chỉ riêng trong năm 2019.
Chi phí không nhỏ khiến các công ty thanh toán vẫn đang chịu lỗ đó là dành cho những chiến dịch khuyến mãi, giảm giá đã và đang triển khai rầm rộ nhiều năm nay. Từ đây vấn đề được giới chuyên gia đặt ra cho thị trường: Liệu mô hình kinh doanh của các fintech thanh toán có đang thiếu bền vững?
Nhóm doanh nghiệp thanh toán điện tử B2C, tức hướng đến người dùng cuối, đang chứng kiến cuộc cạnh tranh đổ tiền đầu tư nóng hơn cả. Cũng dễ hiểu khi để thuyết phục khách hàng không chỉ cài ứng dụng mà còn phải sử dụng nó thường xuyên là việc mà không chỉ tốn công, mà còn phải tốn tiền.
Theo giới chuyên gia, mô hình kinh doanh bền vững chỉ khi dựa vào một lượng người dùng thường xuyên đủ lớn. Trong khi đó việc thị trường ví điện tử đang bị phân mảnh cho hàng chục đơn vị, với nhiều chương trình khuyến mãi liên tục được tung ra, sẽ khiến người dùng có xu hướng cài nhiều ứng dụng và chỉ dùng cái nào có lợi nhất.
Tuy nhiên, theo giới doanh nghiệp, thị trường Việt Nam đã xuất hiện fintech thanh toán có được hơn 20 triệu người dùng và tận dụng nguồn dữ liệu lớn này để kinh doanh. Điều này cho thấy về tổng thể, mô hình kinh doanh đang đi đúng hướng.
Thực tế doanh thu của ví điện tử không phụ thuộc vào phí giao dịch của từng người dùng, mà còn đến từ các loại phí dịch vụ dựa trên khai thác một lượng người dùng đủ lớn.
Giới trong ngành cho rằng, bối cảnh năm nay đã thúc đẩy nhu cầu người dùng thanh toán điện tử một cách tự nhiên để tránh dịch mà không nhất thiết phải khuyến mãi. Về lâu dài cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí marketing và đẩy nhanh tốc độ khai thác kinh doanh dựa trên dữ liệu người dùng.
Các fintech thanh toán tại Việt Nam đã bước đầu cho thấy sự nâng chất về mô hình kinh doanh. Với nền tảng cốt lõi là đã sỡ hữu một lượng người dùng đủ lớn, các doanh nghiệp có thể tiến tới khai thác mảng kinh doanh "béo bở" nhưng còn thiếu vắng trên thị trường này là B2B - kinh doanh giữa doanh nghiệp với nhau.
Ví dụ như nền tảng ví điện tử hoàn toàn có thể được nâng cấp thành chợ trực tuyến kết nối doanh nghiệp dịch vụ và người dùng. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung - khi kinh tế toàn cầu đã và đang trải qua cơn "bạo bệnh" COVID-19, doanh nghiệp dù muốn dù không cũng buộc phải điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Các quỹ đầu tư dù là sừng sỏ nhất cũng sẽ không dễ dàng rút hầu bao để các công ty "đốt tiền" mà không mang lại kết quả gì xứng đáng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận