Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung sang giai đoạn mới: Mỹ “siết gọng kìm” với đại học Trung Quốc
Việc Washington mở rộng danh sách giám sát sang các tổ chức giáo dục đồng nghĩa với việc những tổ chức giáo dục uy tín của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Cuộc chiến mà Mỹ phát động chống lại ngành công nghệ Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới, cụ thể một số trường đại học tại Trung Quốc đã bị Washington đưa vào danh sách đen, theo Nikkei đưa tin.
Trong khi mà một số công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei Technologies, Hikvision và SenseTime đã bị hạn chế tiếp cận với công nghệ Mỹ, việc Washington mở rộng danh sách giám sát sang các tổ chức giáo dục đồnng nghĩa với việc những tổ chức giáo dục uy tín của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Khi bị đưa vào bản danh sách này, các doanh nghiệp và tổ chức Mỹ sẽ cần phải được sự cấp phép của chính phủ Mỹ nếu muốn bán công nghệ Mỹ hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp/tổ chức phía Trung Quốc.
Học viện Công nghệ Harbin (HIT) của Trung Quốc mới đây đã bị đưa vào danh sách đen của chính quyền Mỹ. Học viện này có lịch sử 100 năm tuổi. Với việc bị phía Mỹ đưa vào danh sách đen, giờ đây nguồn cung phần mềm quan trọng của viện bị chặn lại.
Chương trình hợp tác giữa học viện và đại học Arizona giờ đây sẽ bị ngưng lại, hoạt động trao đổi học thuật giữa học viện HIT và đại học University of California, Berkeley cũng bị dừng.
Vấn đề này bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng trong tuần trước khi mà bản chụp màn hình email trao đổi giữa đại diện trường HIT và công ty phát triển phần mềm MathWorks được lan truyền trên mạng xã hội.
Cụ thể, khi một người dùng của HIT phàn nàn về việc họ không thể sử dụng được phần mềm mà trường đại học đã mua, MathWorks đã nói với trường đại học Trung Quốc rằng họ không còn có thể tiếp tục cung cấp phần mềm đó do chính sách của phía Mỹ đã thay đổi.
Phần mềm bị chặn lần này có tên MATLAB, phần mềm được các sinh viên ngành kỹ thuật tại HIT sử dụng trong hoạt động học tập và nghiên cứu hàng ngày của họ.
Trường đại học kỹ thuật Harbin cũng ở Trung Quốc cũng đã bị đưa vào danh sách theo dõi của Washington vào tháng 5/2020.
2 trường đại học này sẽ không còn có thể nhập khẩu phần mềm hoặc thiết bị mà không có sự chấp thuận của Washington. Dù rằng Trung Quốc đã cố gắng để tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài nước Mỹ hoặc cố gắng lựa chọn giải pháp mã nguồn mở trong những năm gần đây, giới chuyên gia khẳng định rằng việc không được tiếp cận với các công cụ nghiên cứu của Mỹ sẽ cản trở công việc của họ.
Căng thẳng chính trị như vậy đã “phủ bóng đen” lên hoạt động trao đổi học thuật, một trường đại học hàng đầu của Mỹ đã ngừng lại trao đổi với đại học Trung Quốc.
Vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại Mỹ công bố rằng 2 trường đại học Trung Quốc và 22 tổ chức khác bị trừng phạt vì có những hoạt động đi ngược lại quyền lợi an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao tại Mỹ. Phía Mỹ không công bố cụ thể những quyền lợi này là gì, thế nhưng Bắc Kinh coi đây như động thái tấn công mới nhất từ phía Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận