Cuộc chiến bản quyền vắc xin Covid-19
Các hãng dược sở hữu bản quyền vắc xin vẫn tiếp tục từ chối chia sẻ công nghệ, trong khi nhiều nước nghèo đang oằn mình trong cuộc chiến chống Covid-19 vì thiếu vắc xin.
Tính đến nay, có hơn 4,7 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, nhưng đa số là tại các nước thu nhập trung bình cao trở lên. Mới chỉ có 1,3% dân số của các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Chưa đạt thỏa thuận chia sẻ công nghệ
Hồi tháng 5, Mỹ gây bất ngờ cho các hãng dược phẩm khi tuyên bố ủng hộ đề xuất tạm hoãn việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để chia sẻ công nghệ vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, không có gì tiến triển từ đó đến nay.
Theo tờ Financial Times, cuộc đối thoại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề này hồi cuối tháng 7 bị hoãn lại mà không đạt kết quả gì. Đại diện các bên thì đi nghỉ hè, bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala về việc giải quyết vấn đề cấp bách trong lúc nhiều nước đang khó khăn vì Covid-19.
Hãng AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) đã cấp phép cho Ấn Độ sản xuất vắc xin giá rẻ cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, không có nhiều công ty khác làm điều tương tự. Tháng 10.2020, Ấn Độ và Nam Phi tiếp cận WTO để kêu gọi tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ về các loại thuốc và công nghệ liên quan phòng, chống Covid-19. Họ nói rằng việc này sẽ giúp các bên thứ ba dễ dàng hơn trong việc sản xuất vắc xin và thuốc giá rẻ, gia tăng năng suất và đa dạng hóa nguồn cung.
Tuy nhiên, đề xuất ngay lập tức bị gạt bỏ. Các hãng dược nắm trong tay bản quyền cho rằng các nhà sản xuất thứ ba thiếu kinh nghiệm và chuyên môn để tự sản xuất vắc xin phức tạp, nên ngay cả khi tạm gỡ bản quyền cũng không giúp tăng số liều được sản xuất.
Giới quan sát đánh giá quyết định của Mỹ hồi tháng 5 chỉ mang tính hình thức, thiếu hành động quyết liệt đối với các hãng dược đang cản trở việc tiếp cận vắc xin toàn cầu. Châu Âu và các nước thu nhập cao khác cũng bị cho là góp phần cản trở.
Độc quyền trước đại dịch
Không chỉ từ chối chia sẻ công nghệ, các hãng dược cũng đưa ra những hợp đồng với điều kiện rất khắt khe với các nước muốn tham gia sản xuất. Theo tờ The New York Times, Hãng Johnson & Johnson (J&J, Mỹ) đã ký hợp đồng để nhà sản xuất Aspen Pharmacare của Nam Phi tham gia khâu bơm vắc xin Covid-19 vào lọ và đóng gói giai đoạn cuối. Nam Phi kỳ vọng hợp đồng này giúp họ được ưu tiên tiếp cận vắc xin, nhưng đa số vắc xin sản xuất lại được chuyển sang châu Âu. Nam Phi đã đặt mua 31 triệu liều J&J nhưng đến nay mới tiêm được có hơn 2 triệu liều vắc xin này, và đang trải qua đợt bùng phát Covid-19.
Theo hợp đồng, Nam Phi không được phép ra quy định cấm xuất khẩu vắc xin, với lý do là vắc xin cần được phân phối rộng rãi giữa các nước.
Người phát ngôn Bộ Y tế Nam Phi Popo Maja thừa nhận chính quyền không hài lòng với yêu cầu này, nhưng không thể từ chối. “Chúng tôi không có quyền lựa chọn. Ký hợp đồng hoặc là không có vắc xin”, ông Maja nói. Luật sư nhân quyền Fatima Hassan, lãnh đạo Tổ chức Sáng kiến công bằng y tế tại Nam Phi, bày tỏ lo ngại về quyền lực chênh lệch giữa một bên là hãng dược khổng lồ còn một bên là quốc gia đang tuyệt vọng.
Giới quan sát cho rằng việc các hãng dược lớn nắm thế độc quyền đã từng xảy ra trước đây và sẽ còn tái diễn trong các đại dịch trong tương lai. Điều mà cộng đồng quốc tế đang thiếu là một bộ khung quy định phù hợp cho ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu.
Mỹ cho phép tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ ba
CNN đưa tin Pfizer/BioNTech ngày 16.8 thông báo gửi dữ liệu nghiên cứu giai đoạn 1 về việc tiêm mũi thứ ba lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Theo đó, liều nhắc lại giúp tạo ra nhiều kháng thể chống lại biến thể Delta và Beta hơn so với những người chỉ tiêm 2 liều.
Trước đó, FDA ngày 12.8 cho phép người được ghép tạng hoặc người mắc các tình trạng gây suy giảm miễn dịch tương đương tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ ba bằng vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng ra khuyến nghị tiêm nhắc lại cho những đối tượng trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận