Cuộc chạy đua nhằm thu hút doanh nghiệp rời Trung Quốc
Tờ Nikkei Asian Review vừa đăng bài phân tích về cuộc đua khốc liệt giữa các quốc gia Đông Nam Á nhằm thu hút các công ty muốn rời Trung Quốc.
Theo tác giả của Koya Jikibi, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) tiết lộ địa điểm xây dựng một khu công nghiệp mới ở Batang, trên đảo Java, thông điệp mà ông gửi tới thế giới rất rõ ràng: Nước này mở cửa cho các doanh nghiệp.
Phát biểu khi thăm quan địa điểm trên, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia mong muốn các công ty từ Trung Quốc, và cả các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và bất cứ nơi nào khác trên thế giới chuyển tới đây.
Nỗ lực này là một phần của một phong trào lớn trên khắp Đông Nam Á, nơi các quốc gia đang tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, nhắm vào các công ty đang xem xét lại các chuỗi cung ứng của mình sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất trên khắp Trung Quốc.
Đông Nam Á đã đưa ra các chính sách ưu đãi cho các công ty mới để di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng với việc Liên hợp quốc (LHQ) dự báo đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế châu Á mới nổi có thể giảm tới 45% trong năm nay, chủ yếu là do tác động của đại dịch, các quốc gia đang phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt vì một phần của "chiếc bánh" này.
Indonesia có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp trong thời gian từ nay tới năm 2024. Nước này cũng sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% trong năm nay, sau đó xuống 20% vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó. Tổng thống Widodo nói: "Nếu các quốc gia khác đang yêu cầu 1 triệu USD chi phí đất đai, chúng tôi có thể cung cấp với chi phí 500.000 USD".
Không chỉ có Indonesia, các quốc gia khác trong khu vực đang tăng cường nỗ lực nhằm thu hút các doanh nghiệp muốn rời Trung Quốc. Cụ thể, ngày 17/6, Ủy ban Đầu tư của Thái Lan đã thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhắm vào các công ty nước ngoài di chuyển hoạt động từ Trung Quốc.
Trong gói kích thích kinh tế công bố vào ngày 5/6, Malaysia đã đề xuất miễn thuế 15 năm cho các doanh nghiệp sản xuất đầu tư mới 500 triệu ringgit (117 triệu USD) vào nước này.
Myanmar sẽ ưu tiên sàng lọc các khoản đầu tư theo kế hoạch của các công ty quốc tế, mạnh về tài chính, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu thu hút thêm các doanh nghiệp châu Âu theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/8 tới.
Đa số sự chú ý tập trung vào ngành y tế sau khi đại dịch COVID-19 cho thấy sự phụ thuộc của khu vực vào Trung Quốc về nguồn cung khẩu trang và đồ bảo hộ khác. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 4/2020, Tổng thống Widodo kêu gọi các công ty y tế của Mỹ thiết lập cửa hàng ở Indonesia. Indonesia cũng đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất thiết bị y tế vào ngày 10/6.
Thái Lan sẽ xem xét mở rộng mức giảm thuế cho các công ty đầu tư sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm như một phần trong nỗ lực trở thành trung tâm cho các lĩnh vực liên quan đến y tế.
Các nỗ lực này được đưa ra trong bối cảnh các công ty có trụ sở tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang cân nhắc chuyển các chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc.
Trong ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 được thông qua vào tháng 4/2020, Nhật Bản đã phê duyệt khoản chi 23,5 tỷ yen (219 triệu USD) trợ cấp cho các công ty di chuyển sản xuất sang Đông Nam Á và các nơi khác.
Với việc Trung Quốc sử dụng kinh tế làm công cụ ngoại giao, một số người cho rằng Nhật Bản và Mỹ cần hợp tác với các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tạo ra các chuỗi cung ứng mới vì lý do an ninh quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận