Cuộc chạy đua nâng cao hiệu quả cho vaccine COVID-19
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Đại học Oxford, hiệu quả bảo vệ của vaccine Pfizer giảm nhanh hơn vaccine AstraZeneca.
Hiệu quả của vaccine Pfizer và Moderna giảm nhanh so với vaccine của AstraZeneca
Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra, vaccine của Pfizer có hiệu quả 90% trong việc chống lây nhiễm với tải lượng virus cao một tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 85% sau hai tháng và 78% sau ba tháng - tức giảm 12 điểm phần trăm so với hiệu quả ban đầu. Trong khi đó, hiệu quả của vaccine AstraZeneca chỉ giảm 6 điểm phần trăm, từ 67% xuống còn 61% trong cùng khoảng thời gian.
Mặc dù vaccine của AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ ban đầu thấp hơn nhiều so với vaccine của Pfizer, nhưng hiệu quả của hai loại vaccine là tương đương nhau sau khoảng 5 tháng tiêm đầy đủ hai liều.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford nhấn mạnh, dù hiệu quả chung của cả hai loại vaccine đều giảm trước biến thể Delta, cả vaccine của Pfizer và AstraZeneca vẫn đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19.
Tiến sĩ Koen Pouwels, nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Y tế Cộng đồng Nuffield thuộc Đại học Oxford nhấn mạnh, “kể cả khi khả năng bảo vệ chống lại virus giảm, hiệu quả tổng thể của vaccine vẫn ở mức rất cao do các vaccine đều cho hiệu quả cao vào thời điểm đầu”. Đặc biệt, nhóm người trẻ tuổi (18-34) được vaccine bảo vệ tốt hơn so với nhóm từ 35-64 tuổi.
Đứng trước thực tế trên, nhiều quốc gia đang thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm tăng cường khả năng kháng virus cho vaccine. Bên cạnh việc xem xét tăng cường mũi tiêm thứ 3, nhiều loại vaccine thế hệ mới cũng đang được nghiên cứu và phát triển, với mục tiêu hướng đến loại vaccine hạn chế được các chủng virus Corona và các biến chủng trong tương lai.
Đáng chú ý, kết quả từ các thử nghiệm liều cao cho thấy vaccine của Viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR), Israel có hiệu quả bảo vệ lâu hơn vaccine của Pfizer/BioNTech. Sau 6 tháng, 230 tình nguyện viên thử nghiệm tiêm vaccine mũi thứ 2 của Israel không cần tiêm liều 3 vì hiệu quả bảo vệ vẫn ở mức cao.
Vaccine Brilife do Israel sản xuất hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm sâu. Vào tháng 12/2020, IIBR đã hoàn thành thành công giai đoạn thử nghiệm đầu tiên và đang tiến hành giai đoạn hai. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người tham gia thử nghiệm vẫn cần tiêm thêm vaccine loại khác do hiệu quả mang lại từ những thử nghiệm trên không cao.
Tương tự, công ty công nghệ sinh học Gritstone có trụ sở tại California, Mỹ đã nhận được các nguồn viện trợ để tiến hành các nghiên cứu tiền lâm sàng, đầu tư vào năng lực sản xuất, nhằm phát triển loại vaccine ổn định hơn dựa trên công nghệ mRNA.
Công ty này cũng đang nghiên cứu vaccine mRNA tăng cường (SAM) giúp đánh lừa tế bào, và sản sinh nhiều bản sao protein hơn. Tức là một lượng vaccine nhỏ cũng tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, giảm thiểu nhu cầu tiêm liều thứ hai và tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, điều này đang gây tranh cãi trong giới khoa học khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vaccine SAM cần được điều chế và sử dụng cực kỳ cẩn thận để tránh kích thích quá mức một phần của hệ miễn dịch, làm suy giảm mRNA, ức chế quá trình sản xuất protein của tế bào, từ đó phản tác dụng, giảm hiệu quả vaccine.
Nhìn chung, sự sụt giảm hiệu quả của vaccine không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Khoảng cách giữa các mũi tiêm cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các biến chủng của virus vẫn sẽ xuất hiện trong tương lai, do đó, bên cạnh việc nhanh chóng tiến hành tiêm chủng diện rộng, việc nghiên cứu và điều chế vaccine thế hệ mới cũng như các loại thuốc điều trị COVID-19 cũng cần được tiến hành ngay từ bây giờ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận