Cuộc cải tổ ban điều hành của gã khổng lồ xa xỉ LVMH
Trước tình hình kinh doanh chậm lại, Chủ tịch LVMH quyết định trẻ hóa đội ngũ điều hành, đưa con cái lên các vị trí quan trọng hơn.
Ngày 14/11, LVMH công bố loạt thay đổi quan trọng trong ban điều hành. Theo đó, Giám đốc tài chính (CFO) Jean-Jacques Guiony được chuyển sang làm Giám đốc bộ phận rượu vang và rượu mạnh từ ngày 1/2/2025, thay thế Philippe Schaus, người sẽ rời tập đoàn sau 21 năm gắn bó.
Chủ tịch kiêm CEO Bernard Arnault đồng thời điều động Alexandre Arnault sang làm phó giám đốc bộ phận này. Năm nay 32 tuổi, anh là một trong 5 người con của tỷ phú và đang là phó chủ tịch của Tiffany & Co trụ sở tại Mỹ.
Alexandre Arnault được bổ nhiệm trong bối cảnh ông Donald Trump vừa đắc cử tổng thống. Anh được biết đến như người có mối quan hệ thân thiết với gia đình Trump và đã được mời dùng bữa tối cùng vợ là Geraldine tại dinh thự Mar-a-Lago của Trump vào năm ngoái. "Anh ấy là một thanh niên đầy triển vọng, con trai của một trong những doanh nhân và nhà lãnh đạo vĩ đại ở châu Âu và trên thế giới," Trump đăng trên mạng xã hội X vào tháng 2/2023.
Xu hướng trẻ hóa ban điều hành và củng cố quyền lực các con đã được tỷ phú Bernard Arnault thực hiện gần đây. Đến nay, 4 trong 5 người con của ông đều giữ vị trí quan trọng.
Cụ thể, Delphine Arnault, 49 tuổi, là Chủ tịch Dior, thương hiệu lớn thứ hai của tập đoàn. Antoine Arnault, 47 tuổi, làm Giám đốc hình ảnh và môi trường. Trong khi Frédéric Arnault đang đảm nhiệm ghế CEO bộ phận đồng hồ của LVMH ở tuổi 30, còn Jean Arnault, 26 tuổi, là CEO mảng đồng hồ của Louis Vuitton.
Riêng Alexandre Arnault, 32 tuổi, người mới được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc bộ phận rượu vang và rượu mạnh được cho là có nhiều cơ hội lẫn thách thức. Bởi lẽ, anh phải đồng dẫn dắt bộ phận đang yếu kém nhất tập đoàn.
Chín tháng đầu năm, doanh thu rượu vang và rượu mạnh của LVMH giảm 8%, do sức mua kém đi rõ rệt tại hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc. Alexandre am hiểu thị trường Mỹ và quan hệ tốt với Trump nhưng sẽ còn đau đầu với thị trường Trung Quốc, với việc Bắc Kinh áp thuế rượu mạnh từ châu Âu.
Ngoài ra, Alexandre Arnault sẽ chuyển sang quản lý mảng kinh doanh với hoạt động rộng lớn, từ vườn nho đến nhà máy chưng cất, cùng lực lượng lao động lớn và có công đoàn, đòi hỏi kỹ năng quản lý trực tiếp nhiều hơn các vị trí CEO thương hiệu thời trang, đồng hồ mà các anh, em đang đảm nhiệm.
Cùng với thay đổi nhân sự mảng kinh doanh rượu, LVHM cũng xác nhận sự ra đi của Chantal Gaemperlé, Giám đốc nhân sự trong 17 năm qua. Theo La Lettre vào ngày 7/11, Gaemperlé bị đình chỉ chức vụ với lý do liên quan đến cuộc điều tra nội bộ về việc tích lũy "các lợi ích hiện vật" từ các công ty con. Maud Alvarez-Pereyre, hiện là Giám đốc tài năng và chuyển đổi, sẽ thay thế vị trí của Gaemperlé.
Những thay đổi này được công bố chỉ vài tuần sau khi Chris de Lapuente, thành viên ban điều hành và CEO bộ phận phân phối chọn lọc - gồm Sephora, Le Bon Marché và các hoạt động bán hàng miễn thuế, tuyên bố nghỉ hưu. Trước đó, vào tháng 3, vị trí Phó tổng giám đốc LVMH cũng được trẻ hóa, với Stéphane Bianchi, 59 tuổi, thay thế cho Antonio Belloni đã 70 tuổi.
Cuộc cải tổ sâu rộng ban điều hành của tập đoàn đang sở hữu 70 thương hiệu xa xỉ diễn ra trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm. Thị trường hàng xa xỉ toàn cầu hiện có quy mô 386 tỷ USD và dự báo sẽ giảm doanh số 2% năm nay, theo công ty tư vấn Bain & Company. Nguyên nhân do giá cả tăng và bất ổn kinh tế đã thu hẹp tệp khách hàng, từ 400 triệu người xuống còn 350 triệu.
Bain ước tính doanh số tại Trung Quốc sẽ giảm từ 20-22%, đã tính đến biến động tỷ giá. Đây là một cú sốc với các thương hiệu xa xỉ sau nhiều năm ăn nên làm ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhờ tầng lớp thượng lưu và trung lưu phát triển.
"Đây là lần đầu tiên ngành hàng xa xỉ suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009, ngoại trừ thời kỳ đại dịch," Federica Levato, chuyên gia của Bain cho biết. Giới đầu tư lo ngại suy thoái còn kéo dài và nghiêm trọng hơn dự đoán. Đầu năm đến kết phiên 15/11, cổ phiếu LVMH đã giảm gần 19%.
Doanh thu quý III của LVMH giảm 3%, lần đầu tiên đi xuống kể từ đại dịch, đạt 20,8 tỷ USD. Doanh số mảng thời trang và đồ da với các thương hiệu chủ lực như Louis Vuitton và Dior, giảm 5%, trái ngược dự báo tăng trưởng 4%. Đây là lần đầu tiên mảng này giảm kể từ năm 2020.
Về thị trường, doanh thu tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản) giảm 16%, tệ hơn so với mức giảm 14% trong quý II, do sức mua ở Trung Quốc tiếp tục chịu tác động từ khủng hoảng bất động sản. Theo LVMH, niềm tin của người tiêu dùng nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch.
Cũng hôm 15/11, DFS Group, nhà bán lẻ thuộc sở hữu của LVMH, thông báo sẽ đóng cửa hoạt động kinh doanh tại tòa nhà lịch sử Fondaco dei Tedeschi ở Venice (Italy), dẫn đến hơn 220 nhân viên bị sa thải. 5 năm qua, cửa hàng này đã lỗ 105,36 triệu USD do Covid và khách châu Á giảm.
"Quyết định khó khăn này là một phần của tái cơ cấu toàn cầu, được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế rất thách thức và triển vọng không khả quan mà DFS và ngành bán lẻ du lịch đang phải đối mặt trên toàn thế giới, đặc biệt là kết quả kinh doanh kém khả quan của cửa hàng tại Venice", DFS cho biết trong một tuyên bố. Một cửa hàng khác của công ty nằm gần cầu Rialto nổi tiếng sẽ hết hợp đồng thuê mặt bằng vào tháng 9/2025 cũng sẽ không được gia hạn.
Theo Bain, ngành hàng xa xỉ dự kiến sẽ tăng trưởng từ 0% đến 4% vào 2025, hỗ trợ bởi doanh số ở châu Âu và châu Mỹ, trong khi Trung Quốc hy vọng có thể phục hồi nửa cuối năm sau. Chuyên gia Levatocho rằng chiến thắng của ông Trump và khả năng cắt thuế có thể khuyến khích người Mỹ chi tiêu nhiều hơn.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của thị trường còn phụ thuộc vào chiến lược mà các thương hiệu lựa chọn, bao gồm cả chiến lược giá. Một tín hiệu cho thấy giá cao đang kìm hãm người tiêu dùng là kênh outlet (hàng hiệu chính hãng nhưng giảm giá do qua mùa, tồn kho hoặc có lỗi nhỏ) đang vượt trội hơn nhờ xu hướng tìm sản phẩm giá rẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận