Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?
Theo các chuyên gia, danh tính vị chủ nhân mới của Nhà Trắng có thể ảnh hưởng tới quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed. Đây là yếu tố sẽ tác động lớn tới tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Một rủi ro thay đổi toàn bộ tình hình kinh tế vĩ mô
“Có hai rủi ro có thể thay đổi toàn bộ thông tin vĩ mô cuối năm 2024. Thứ nhất là sự hồi phục chậm của nền kinh tế Trung Quốc và thứ hai là kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hiện chúng ta chưa trao đổi nhiều về việc các chính sách sẽ thay đổi như thế nào sau ngày 5/11 - thời điểm kết quả bầu cử được công bố”, ông Đạt Tống, Trưởng phòng cấp cao chiến lược thị trường tại Exness Investment Bank, chia sẻ tại hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức.
Ông Đạt Tống, Trưởng phòng cấp cao chiến lược thị trường tại Exness Investment Bank, phân tích về bối cảnh vĩ mô nước ngoài. Ảnh: Chí Cường
Vị chuyên gia giả định, nếu ông Donald Trump thắng cử, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục thi hành các chính sách về thuế quan với Trung Quốc và các nước khác. Ngoài ra, chính phủ xứ cờ hoa sẽ thực hiện các hạn chế đối với người nhập cư, ưu tiên sản xuất trong nước và giảm thuế doanh nghiệp.
“Các chính sách này nhiều khả năng thúc đẩy lạm phát quay trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải cân nhắc các bước đi trong lộ trình giảm lãi suất của mình. Khi bối cảnh đó xảy ra, thị trường sẽ rơi vào trạng thái bất ổn. Môi trường đầu tư đối với các tài sản rủi ro cũng sẽ không còn thuận lợi như trước”, ông Tống bình luận.
Theo ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc Đầu tư SonKim Retail, trong 4 tháng cuối năm nay, nhiều nhà kinh tế học kỳ vọng lạm phát Mỹ sẽ giảm xuống dưới 2% và Fed sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, hiện lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu trên. Trong khi đó, nhóm bộ chỉ số việc làm đang rất đáng lo ngại.
“Số việc làm mới được tạo ra ở Mỹ đã giảm 50%. Tỷ lệ thất nghiệp đang trên 4%. Tốc độ tăng trưởng tiền lương đang giảm tốc. Với các con số trên, Fed sẽ phải tìm cách hạ cánh mềm”, ông Tài dự báo.
Trong khảo sát gần đây nhất của Reuters với 100 nhà kinh tế học, lượng người lựa chọn lãi suất sẽ giảm đã tăng lên đáng kể. Nhiều chuyên gia cho rằng Fed có thể giảm 1- 2 lần trong 4 tháng cuối năm. Trước biến động trên, những nhà đầu tư thủ sẵn tiền mặt đang thận trọng quan sát thị trường. Điều này diễn ra ở mọi lĩnh vực đầu tư, từ chứng khoán, bất động sản, crypto…
Những tác động tới Việt Nam
Là một người sắp tới sẽ trực tiếp đi bầu cử tổng thống Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu, cho biết, cuộc đua vào Nhà Trắng đang là tâm điểm của giới truyền thông. Danh tính của nhân vật ngồi vào chiếc ghế tổng thống sẽ thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ, từ đó tác động mạnh tới thị trường Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ việc Fed hạ lãi suất để giảm áp lực tỷ giá tại Việt Nam. Ảnh: Chí Cường
“Mỗi buổi sáng, tôi đều phải dậy xem kênh CNN (phía truyền thông của đảng Dân chủ) và Fox (phía truyền thông của đảng Cộng hòa). Vụ ám sát hụt của ông Trump đã khiến cục diện tình hình thay đổi. Hình ảnh của vị tỷ phú này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông”, ông Hiếu chia sẻ.
Vị chuyên gia tài chính cho biết, đảng Dân chủ có thiên hướng ủng hộ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed. Do đó, nếu bà Kamala Harris thắng cử, khả năng cao cơ quan này sẽ giảm lãi suất vào quý III/2024. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam.
“Nếu trường hợp đảng Dân chủ chiến thắng, lãi suất sẽ giảm và tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ tăng lên khoảng 5%, từ mức 4,4% như hiện nay. Còn nếu đảng Cộng hòa cán đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tỷ giá sẽ tăng 5,5 - 6%”, ông Hiếu dự đoán.
Ở một góc độ khác, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, lại cho rằng, dù ứng cử viên của đảng phái nào lên nắm giữ chức tổng thống Mỹ, các quyết sách của Fed vẫn sẽ khó lòng thay đổi. Trong lịch sử Hoa Kỳ, bất cứ ông chủ Nhà Trắng nào có tham vọng điều hành đơn vị này đều đã phải trả giá đắt.
“Fed có 60% cổ phần đến từ 4 tập đoàn tài chính lớn, 20% cổ phần của chính phủ, 20% còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Đằng sau Cục Dự trữ Liên bang là những thế lực lớn, họ trông coi thị trường tài chính, bằng cách nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, bất chấp GDP”, ông Nghĩa giải thích.
Theo vị chuyên gia, hiện Ngân hàng Nhà nước rất muốn hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này sẽ khó trở thành sự thật. Trong quý I/2024, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chỉ 0,3% nhưng sang quý II/2024 đã nhảy vọt lên 4%. Điều đó cho thấy thanh khoản đang có vấn đề.
Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu Việt Nam đặt mục tiêu là tăng trưởng kinh tế, việc lãi suất tăng là lẽ đương nhiên, bởi nhu cầu vốn khi đó sẽ đi lên. Đây là điều có lợi cho sự phát triển và không đáng lo ngại.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam, từ quý I/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy tiền VND ra kênh OMO với lãi suất 4,5%, nhằm thu hẹp với lãi suất 5,25% của Fed.
“Citibank cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không giảm lãi suất điều hành và tiếp tục duy trì lãi suất tiền đồng như vậy. Trong khi đó, mức lãi suất cho vay tiền USD tại Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp được hưởng đang ở mức rất tốt, chỉ khoảng 3%, thấp hơn so với Fed”, ông Trung chia sẻ.
Vị trưởng phòng của Citibank Việt Nam tiết lộ, các nhà băng đang cố gắng lấp đầy room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp. Do đó, bất chấp lộ trình Fed giảm lãi suất trong thời gian tới, lãi suất tiền USD tại Việt Nam sẽ rất khó giảm tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận