Cung vượt xa cầu ‘đẩy’ người nuôi cá tra vào cảnh thua lỗ!
Sản lượng nuôi và thu hoạch tăng cao, trong khi xuất khẩu sụt giảm mạnh khiến giá cá tra rớt xuống dưới giá thành sản xuất. Điều này, làm người nuôi cá tra ở Đồng băng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị thua lỗ.
Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị “Đánh giá tình hình ngành cá tra năm 2023 và phương hướng kế hoạch năm 2024” do Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức ở địa phương này.
Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VINAPA dẫn số liệu thống kê của đơn vị này cho biết, đến cuối tháng 10-2023, diện tích nuôi mới cá tra đạt 5.319 héc ta, tăng trên 85% so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch là 3.663 héc ta, tăng trên 34%, với sản lượng đạt trên 1,33 triệu tấn, tăng trên 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Dũng, năm 2022 sản lượng xuất khẩu nhiều, giá bán tốt (kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,443 tỉ đô la Mỹ, tăng 51% so với năm 2021- PV), cho nên, hoạt động nuôi được doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh đầu tư, khiến diện tích, sản lượng tăng đột biến ở thời điểm hiện tại so với cùng kỳ.
Trong khi diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tăng cao, thì kim ngạch xuất khẩu đến ngày 15-10-2023 lại sụt giảm trên 30% (đạt 1,434 tỉ đô la Mỹ) so với cùng kỳ, khiến việc tiêu thụ loại thuỷ sản chủ lực này của ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.
Ông Dũng cho biết, cá tra nguyên liệu hiện được thu mua ở mức giá khoảng 27.000-28.000 đồng/kg, ngang bằng với giá thành sản xuất, cho nên, hoạt động nuôi cá tra không mang lại hiệu quả. “Sản lượng tăng trong khi xuất khẩu giảm là hiện tượng của sự dư thừa nguồn cung nên chúng ta chứng kiến cảnh giá giảm”, ông giải thích.
Ông Trần Văn Hùng, người sáng lập Công ty TNHH Hùng Cá, cũng là đơn vị nuôi cá tra lớn ở ĐBSCL cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá cá tra nguyên liệu được giao dịch không quá 26.500 đồng/kg, tức dưới giá thành sản xuất, khiến nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL bị thua lỗ.
Còn theo ông Dũng, khi giá giảm mạnh, người nuôi thua lỗ, thì chắc chắn hoạt đông nuôi sẽ có sự điều chỉnh. “Giá giảm, thì người dân bỏ nuôi sẽ bắt đầu diễn ra và sự điều chỉnh này đến một mức nào sẽ cân bằng trở lại. Khi đó, người nuôi có lời, thị trường phục hồi”, ông cho biết và thông tin, quá trình này thường mất 2-3 năm.
Dẫn chứng cho nhận định nêu trên, theo ông Dũng, thị trường cá tra Việt Nam đã rất nhiều lần xảy ra trường hợp lên- xuống.
Cụ thể, năm 2008, xuất khẩu cá tra Việt Nam lập đỉnh kim ngạch xuất khẩu ở mức 1,453 tỉ đô la Mỹ và sụt giảm trong 2 năm sau đó. Đến năm 2011, kim ngạch vượt lên mức 1,805 tỉ đô la Mỹ, rồi lại sụt giảm liên tiếp ở 2 năm tiếp theo. Năm 2014, kim ngạch đạt 1,768 tỉ đô la Mỹ, rồi lại sụt giảm mạnh ở năm tiếp theo và dần dần phục hồi ở năm 2016 và 2017. Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu “vọt” lên mức 2,25 tỉ đô la Mỹ và lại sụt giảm liên tục ở 3 năm tiếp theo.
Bước sang năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành cá tra tăng tốc mạnh và đạt mức kim ngạch xuất khẩu lên đến 2,443 tỉ đô la Mỹ, nhưng hiện lại sụt giảm mạnh như đang diễn ra trong những tháng đầu năm 2023 (10 tháng đầu năm đạt 1,434 tỉ đô la Mỹ, giảm 30% so với cùng kỳ – PV).
Như nêu ở trên, ông Dũng dự báo, ngành cá tra sẽ phục hồi trở lại khi mức cung- cầu cân bằng trở lại và quá trình này có khả năng mất 2-3 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận