Cung vượt cầu, giá cà phê nội địa tiếp tục giảm sâu
Trong 7 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước giảm từ 800–1.500 đồng/kg...
Theo các chuyên gia, thị trường cà phê trong nước vẫn hết sức ảm đạm, do hai nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới là Brazil và Indonesia sắp vào vụ thu hoạch nên nguồn cung tiếp tục dồi dào.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 xuất khẩu cà phê ước đạt 157.112 tấn với 252,52 triệu USD, so cùng kỳ năm 2018 tăng 18,32% về lượng và giảm 1,18% về giá trị. Lũy kế 7 tháng đầu năm ước khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 1.075.395 tấn, với 1,82 tỷ USD. So với cùng kỳ 2018 giảm 8,23% về lượng và giảm 19,11% về kim ngạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá cà phê trong nước giảm từ 500–800 đồng/kg, và trong tháng 7/2019, giá cà phê giảm thêm từ 300-700 đồng so với tháng trước đó. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước giảm từ 800–1.500 đồng/kg. Dự báo, giá cà phê thế giới và trong nước sẽ tiếp tục giảm do dự báo thị trường cà phê toàn cầu vẫn trong tình trạng dư thừa nguồn cung.
Thị trường ảm đạm khiến giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2019 chỉ đạt mức 1.607 USD/tấn, giảm 14,4% so với tháng 7/2018. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 7/2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.698 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,2% và 9,8%.
Trong tháng 6/2019, xuất khẩu cà phê sang Đức tăng về khối lượng nhưng giảm về trị giá so với tháng 6/2018, đạt 25,4 nghìn tấn, trị giá 38,81 triệu USD. Lũy kế, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê sang Đức giảm 0,2% về lượng và giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 136,1 nghìn tấn, trị giá 214,39 triệu USD.
Còn tại thị trường Tây Ban Nha, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho nước này trong 4 tháng đầu năm 2019 với khối lượng nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của Tây Ban Nha trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 118.150 tấn, trị giá 320,37 triệu USD, tăng 11,4% về lượng, nhưng giảm 10,6% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018.
Tây Ban Nha nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu hai chủng loại cà phê là: cà phê chưa rang và chưa khử caffein và cà phê khử caffein (không bao gồm rang), chiếm 42,8% và 39,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hai chủng loại cà phê này trong 4 tháng đầu năm 2019.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt mức 2.712 USD/tấn, giảm 19,7% so với 4 tháng đầu năm 2018. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam đạt mức thấp 1.779 USD/tấn, giảm 17%. Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha từ Pháp đạt mức cao 15.670 USD/tấn. Hiện Tây Ban Nha nhập khẩu chủ yếu chủng loại cà phê rang (không bao gồm khử caffein - HS 090121) và cà phê rang, khử caffein (HS 090122).
Brazil là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 (sau Việt Nam) cho Tây Ban Nha trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu đạt 17.556 tấn, trị giá 40,11 triệu USD, tăng 8,7% về lượng, nhưng giảm 10,9% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. Thị phần cà phê Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha giảm từ 15,2% trong 4 tháng đầu năm 2018, xuống còn 14,9% thị phần trong 4 tháng đầu năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương dự báo, thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn do nguồn cung vượt nhu cầu. Theo dữ liệu từ HIS Markit, tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,8% trong năm nay, nhưng mức tăng này chưa đủ hỗ trợ thị trường cà phê thế giới.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang trở lại cũng sẽ gây bất lợi lên giá các mặt hàng nông sản trong thời gian tới, trong đó có mặt hàng cà phê.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận