Cùng chứa đường, tại sao nước ngọt bị đánh thuế còn bánh, kẹo thì không?
Độc giả thảo luận các vấn đề xoay quanh việc nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Tôi nghĩ phải đánh thuế lũy tiến theo hàm lượng đường trong nước ngọt, chứ nước ngọt quá nhiều đường, khoảng 40-50gr đường trong 500ml. Trong khi đó, các loại nước không đường hoặc ít đường thì lại chưa phổ biến".
Độc giả Nguyễn Ngọc Công Danh nêu ý kiến như trên, sau thông tin 'Thuế nước ngọt nên tính theo hàm lượng đường'. Theo đó, chuyên gia đề xuất nước ngọt sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường, tương tự rượu bia chia theo nồng độ cồn.
Độc giả Mai Minh nói thực tế, lượng đường nạp vào cơ thể khi uống một lon nước ngọt đang cao hơn giới hạn tiêu chuẩn:
"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng việc tiêu thụ 'đường tự do', đó là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống, nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%, tương đương khoảng 25 gram/ngày cho một người trưởng thành trung bình.
Thế nhưng, một lon nước ngọt thông thường chứa tới 36 gram đường, cao hơn lượng đường giới hạn nên uống trong một ngày".
Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế do là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.
Độc giả khanhhoatrinh56 thắc mắc: "Có nhiều thức ăn, thức uống có đường, như nước ngọt, bánh ngọt, kẹo ngọt, chè và sinh tố... chứ không chỉ nước ngọt mới có đường.
Vậy tại sao chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt mà không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với những thức ăn, thức uống có đường khác?".
Độc giả Wanderer nói:
"Tôi hoàn toàn ủng hộ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên các sản phẩm có đường để điều chỉnh hành vi tiêu thụ nhiều đường trong thực phẩm và nước giải khát. Tuy nhiên, cần phải công bằng với tất cả các sản phẩm vì hiện nay rất nhiều sản phẩm trên nhãn không công bố hàm lượng đường sử dụng trong sản phẩm đó, ví dụ như bánh kẹo, các món ăn thức uống đường phố, thủ công.
Hơn hết, cơ quan đưa ra dự thảo Luật này cần có luận cứ rõ ràng về tác hại của đường đến sức khỏe vì con người cần đường như là một nguồn năng lượng cho hoạt động thể chất.
Từ luận cứ về mặt sức khỏe, cơ quan ban hành luật cũng phải đưa ra phạm vi điều chỉnh của luật, đó là danh mục sản phẩm. Hãy đừng nói sữa là thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em thì được miễn, luật cần công bằng với tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận