menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Cung cấp than cho sản xuất điện, đạm: Giải quyết từ xa, từ sớm

Ký kết các Hiệp định, Biên bản Thỏa thuận, Biên bản Ghi nhớ; kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuất khẩu than trên thế giới; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp… đều nhằm tạo ra một “hành lang kinh tế” vững chắc cho nguồn cung ứng than, trên tinh thần giải quyết từ xa, từ sớm, trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Những góc nhìn trong cung cấp than

Năm 2022, thế giới vướng vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, khi dòng dầu và khí của Nga không đến được EU do các lệnh trừng phạt. Vì vậy, các quốc gia đua nhau chuyển sang sử dụng than. Dữ liệu của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy cho thấy, sản lượng điện sử dụng than đã tăng hơn 20% ở Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh, khiến giá than lên cao chóng mặt. Ngay lập tức, một nước nhập khẩu than tới 1/4 nhu cầu cho sản xuất điện và đạm như Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trên thực tế, năm 2022, hai doanh nghiệp sản xuất than lớn nhất gồm TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã làm báo cáo “cầu cứu” Bộ Công Thương về nguồn cung khó khăn trong bối cảnh cả thế giới tranh giành hợp đồng mua than. Đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương đã điện đàm, trao đổi với các đối tác Indonesia, Australia, Trung Quốc, Lào. Qua đó, các đối tác bảo đảm sẵn sàng nguồn cho Việt Nam với giá cạnh trạnh. Nhìn trên tổng thể cung - cầu than năm 2022 của Việt Nam khá khá ổn định .

Năm 2023, theo dự kiến, nhu cầu than cho sản xuất điện, đạm gần 57 triệu tấn, trong khi nguồn cung gồm sản xuất trong nước và nhập khẩu gần 58 triệu tấn. Đến thời điểm này, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng tiêu thụ cả năm với các hộ sử dụng than lớn như điện, phân bón, hóa chất, xi măng.

Nhìn trên tiến độ cung ứng, trong hai tháng đầu năm, các hộ nói trên tiêu thụ 8,69 triệu tấn, bằng 110,07% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, than cấp cho điện khoảng 7,27 triệu tấn, bằng 119,38%; cấp cho phân bón, hóa chất khoảng 0,43 triệu tấn, bằng 139,61% cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ doanh nghiệp tiêu thụ, việc cung ứng than chưa hoàn toàn thỏa mãn. Cụ thể với EVN, theo tiến độ hợp đồng, trong 2 tháng đầu năm được TKV cung cấp 2,884 triệu tấn, nhưng thực cấp 2,849 triệu tấn bằng 98,80%. Tương tự, EVN được Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 1,047 triệu tấn, nhưng thực cấp 923 nghìn tấn, bằng 88,16%. Hoặc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, trong tháng 1 và tháng 2 được TKV cung ứng từ 70% đến 80% nhu cầu.

Nhìn ở góc độ nhà cung ứng, kiến nghị tăng sản lượng vượt dưới 15% công suất của các giấy phép khai thác và sớm phê duyệt gia hạn giấy phép và cấp phép mới các dự án chưa được kịp thời giải quyết khiến TKV gặp khó khăn trong tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hộ sử dụng than. Với Tổng Công ty Đông Bắc, cung độ vận chuyển than bằng đường bộ từ Lào về Việt Nam khá lớn, khoảng 120 km trên đất Lào và 190 km trên đất Việt Nam làm giá than tăng lên do chi phí vận chuyển cao, và hạn chế tiến độ giao nhận than (chỉ đạt khoảng 2.000 - 4.000 tấn/ngày).

Cung cấp than cho sản xuất điện, đạm: Giải quyết từ xa, từ sớm

Vụ Dầu khí than (Bộ Công Thương) báo cáo tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm

Giải quyết nguồn cung từ xa, từ sớm

Tất cả những vấn đề trên được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương với một số doanh nghiệp về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm chiều ngày 3/3. Với diễn biến bất thường trên thị trường năng lượng thế giới, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương là, phải giải quyết vấn đề nguồn cung từ xa, từ sớm.

Với tinh thần này, Bộ Công Thương đã xây dựng “hành lang kinh tế ” đối với nguồn cung ứng than. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã điện đàm, trao đổi, làm việc với nhiều đối tác xuất khẩu than than trên thế giới. Đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương đã ký các Hiệp định, Biên bản với một số quốc gia xuất khẩu than: Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ giữa Việt Nam - Lào; Hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản In-đo-nê-xi-a; Biên bản Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban thương mại hỗn hợp Việt Nam - Nam Phi, trong đó có hợp tác về thúc đẩy hoạt động thương mại than. Không chỉ dừng lại ở các Hiệp định, Biên bản Thỏa thuận, Biên bản Ghi nhớ, Bộ Công Thương trực tiếp kết nối thông qua các diễn đàn giao thương giữa doanh nghiệp nhập khẩu than với các doanh nghiệp của Lào, Nam Phi, Úc.

Với một “hành lang kinh tế ” kết nối nguồn cung ứng than vững chắc, với các đối tác có năng lực cung ứng than lớn trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương thúc giục các doanh nghiệp sản, kinh doanh xuất than, các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện, các nhà sản xuất phân bón, hóa chất, tận dụng cơ hội đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các FTAs, hoặc đã ký kết các văn bản hợp tác với các Bộ ngành chức năng, trong đó, lưu ý chú trọng đến các thị trường xuât khẩu than tiềm năng (Úc, Indonesia, Nam Phi, Lào) mà Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối tại các diễn đàn giao thương và tại các Kỳ họp liên quan. Trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, chúng ta đã nhập một lượng than lớn từ Indonesia và Úc, song còn chưa đáng kể với Lào và Nam Phi.

Giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp về cung độ vận chuyển lớn từ Lào, Bộ trưởng đã chỉ đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Lào liên quan đến hoạt động thương mại than; khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp liên quan tổ chức khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam tối ưu; nghiên cứu việc chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa than tại Việt Nam với vị trí phù hợp (nhất là đối với các tỉnh, thành phố có đường biên giới giáp Lào) để có thể tiếp nhận hiệu quả than nhập khẩu từ Lào.

Làm được việc này, chúng ta có một nguồn cung than lớn, vững chắc. Vì trong buổi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, ngày 23/2/2023, Bộ trưởng phía bạn khẳng định, hiện nay Lào có khả năng cung ứng cho Việt Nam 5 triệu tấn than mỗi năm. Nếu được Việt Nam hợp tác, chia sẻ công nghệ sản xuất, có thể cung ứng 20 triệu tấn than mỗi năm cho ta. Đây là con số lớn nếu so với 13,2 triệu tấn than Việt Nam nhập khẩu năm 2023 dành cho sản xuất điện, phân bón, hóa chất, xi măng…

Cung cấp than cho sản xuất điện, đạm: Giải quyết từ xa, từ sớm

Đại diện TKV phát biểu tại buổi làm việc

Cũng với tinh thần giải quyết nguồn cung từ xa, từ sớm, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, nhà máy đạm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc cung cấp than cho sản xuất điện tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019 và chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho sản xuất điện, đạm tại Thông báo số 03/TB-BCT ngày 3/01/2023 của Bộ Công Thương về tình hình cấp than cho sản xuất điện; các công văn số 94/BCT-DKT ngày 09/01/2023, số 163/QĐ-BCT ngày 06/02/2023, số 612/BCT-DKT ngày 10/02/2023...

Các văn bản trên, không chỉ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất than (TKV, Tổng công ty Đông Bắc) thực hiện nghiêm các cam kết khác tại Hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký, và chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết đã ký dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm; mà còn trao quyền chủ động và nghĩa vụ của các chủ đầu tư nhà máy điện “Chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than hợp pháp để cung cấp trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy”.

Với kiến nghị tăng sản lượng vượt dưới 15% công suất của các giấy phép khai thác và sớm phê duyệt gia hạn giấy phép và cấp phép mới các dự án của TKV, Bộ trưởng giao Vụ Dầu khí than (Bộ Công Thương) ngay trong ngày 6/3 kết nối với cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp giải quyết.

Ký kết các Hiệp định, Biên bản Thỏa thuận, Biên bản Ghi nhớ; kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuất khẩu than trên thế giới; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than, các chủ đầu tư nhà máy điện, nhà máy đạm… đều nhằm tạo ra một hành lang kinh tế vững chắc cho nguồn cung ứng than, trên tinh thần giải quyết từ xa, từ sớm, trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngày 5/4/2022 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Úc và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của Úc. Tham dự, có đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu than lớn nhất Việt Nam như TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, EVN, PVN. Tại buổi làm việc, bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Úc cho biết, Úc có đầy đủ năng lực cung cấp than và khoáng sản cho nhu cầu của Việt Nam.

Ngày 12/4/2022, trong chuyến làm việc tại Lào, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Đao-vông Phon-kẹo, khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để xuất khẩu than đá từ Lào sang Việt Nam.

Bên lề chuyến công tác tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng làm việc với Tập đoàn Phongsubthavy (PGC) và đề nghị PGC ưu tiên cung cấp nguồn than ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Phongsubthavy đã nhận lời và bày tỏ, ngoài việc cung cấp than cho Việt Nam, PGC còn mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác các mỏ sắt, vàng, măng-gan và silicon.

Ngày 14/4/2022, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban tổ chức Diễn đàn giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu than Việt Nam và Nam Phi, với sự tham gia của các doanh nghiệp nhập khẩu than lớn nhất Việt Nam như TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và EVN.

Ngày 30/9/2022, tại buổi làm việc với Bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xác định 6 trọng tâm cần ưu tiên tập trung thúc đẩy với thị trường Nam Phi trong thời gian tới, trong đó có ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản Việt Nam – Nam Phi; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt là việc nhập khẩu than của Việt Nam từ Nam Phi. Đây là tiền đề để tại Kỳ họp lần thứ 05 Ủy ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam – Nam Phi từ 20-26/11/2022, phía Nam Phi khẳng định sẵn sàng, hợp tác cung cấp các loại than phù hợp làm nhiên liệu đầu vào phục vụ các nhà máy sản xuất điện tại Việt Nam.

Ngày 23/2/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào. Bộ trưởng phía bạn khẳng định, hiện nay Lào có khả năng cung ứng cho Việt Nam 5 triệu tấn than mỗi năm, và sẵn sàng chia sẻ chi phí vận chuyển với đối tác Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại