Cực hút FDI và bức tranh đầy triển vọng của thị trường bất động sản Vĩnh Phúc
Với những chính sách đột phá trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đang là điểm sáng của nguồn vốn FDI, trở thành thị trường vùng ven đầy hấp lực với các nhà đầu tư bất động sản.
Cơ hội của một tỉnh giáp ranh Hà Nội, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với đầy đủ các tiềm năng như vị trí đón đầu quy hoạch, đầu tư công được thúc đẩy, hạ tầng đồng bộ, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng... đã dần định hình một bức tranh đầy triển vọng của thị trường bất động sản Vĩnh Phúc.
Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ là động lực, kéo theo sự phát triển của bất động sản đô thị - dịch vụ. Ngoài ra, với dư địa lớn về du lịch, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại địa phương này cũng có nhiều cơ hội bứt phá.
Sau 24 năm tái lập (1997 - 2021), Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực miền Bắc và là một trong những địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài của Vĩnh Phúc vẫn giữ ở mức khả quan. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 12/2021, Vĩnh Phúc có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD được cấp mới và 135 triệu USD điều chỉnh tăng vốn. Thu hút vốn FDI cả năm 2021 dự kiến là hơn 1,1 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là năm thu hút lượng vốn FDI cao thứ 2 (sau 2019 với mốc 1,160 tỷ USD) từ khi tái lập tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, trong nhiều năm qua, FDI luôn được coi như “quả đấm thép” giúp tỉnh vượt trội về công nghiệp. Từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách năm 1997 chỉ khoảng 80 tỷ đồng, tới nay Vĩnh Phúc đã có đóng góp về ngân sách Trung ương. Trong đó, khu vực FDI đóng góp chính vào số thu ngân sách của tỉnh, chiếm phần lớn dữ liệu đầu vào về kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng của tỉnh.
Nếu so sánh về số vốn đầu tư và số dự án, Vĩnh Phúc thấp hơn rất nhiều so với các địa phương thuộc top đầu thu hút FDI cả nước. Nhưng quy mô vốn/dự án của tỉnh lại thuộc nhóm cao trong cả nước, trung bình khoảng 11 triệu USD/dự án. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua.
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực không nhỏ trong việc thiết lập cơ chế, chính sách ưu đãi, cải cách hành chính để từng bước kiến tạo một môi trường thuận lợi nhằm trở thành “cực hút”, “vùng trũng” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư khi đến Vĩnh Phúc, bên cạnh việc cải tiến quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, khắc con dấu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã giảm một số khoản phí như phí cấp phép xây dựng, phí dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ việc bồi thường, kinh phí giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp và kinh phí xây dựng nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để bảo đảm an toàn và hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư, Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư thông qua các ứng dụng như Zalo, Facebook hoặc bằng văn bản. Các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh được triển khai qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, nhờ đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố dịch, song cũng đã khẩn trương dập dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần mang lại niềm tin lớn cho người dân trong tỉnh nói chung và các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn nói riêng về một môi trường sống và đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và an toàn.
Bên cạnh nỗ lực cải cách hành chính để thu hút nhà đầu tư, thời gian qua, Vĩnh Phúc tăng cường các biện pháp nhằm tạo hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, giá thuê đất hợp lý, chủ động dành quỹ đất để xây dựng các khu công nghiệp mới theo yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, 83% đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng và xây dựng hoàn thiện hạ tầng. Không chỉ nhanh chóng tiếp cận mặt bằng, nhà xưởng có sẵn, các doanh nghiệp thuê đất còn được bảo đảm về nguồn điện, nước, an ninh trật tự, được miễn giảm phí quản lý, sử dụng hạ tầng. Bởi vậy, mặt bằng tại các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc được khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
“Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 3 yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi; chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư của các khu công nghiệp trên địa bàn; sự quyết tâm và đồng hành của các cấp chính quyền địa phương trong hoạt động thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng luôn đồng hành sát sao với doanh nghiệp, thường xuyên lắng nghe và đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời”, ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển dự án Công ty Cổ phần Vina CPK (Tập đoàn VinaCapital), chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện II tại huyện Bình Xuyên khẳng định.
Kể từ năm 2016, Vĩnh Phúc thực hiện thu hút FDI theo chiều sâu; chủ trương ưu tiên thu hút các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, hướng tới giải quyết việc làm cho lao động trình độ cao. Đồng thời, kiên quyết “sàng lọc” những dự án năng lực kém, sử dụng nhiều tài nguyên đất, có tác động xấu đến môi trường.
Trên cơ sở xác định khu vực FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, giai đoạn tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung thu hút có chọn lọc, hướng đến những dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, những dự án "xanh".
Với những chính sách “trải thảm đỏ” thu hút FDI một cách có chọn lọc, Vĩnh Phúc đang trở thành “cái nôi” của bất động sản công nghiệp khi quy tụ nhiều nhà đầu tư với những thương hiệu sản xuất nổi tiếng toàn cầu. Từ các doanh nghiệp tên tuổi như Honda, Toyota của Nhật Bản cho đến các công ty của châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều cam kết gắn bó lâu dài với Vĩnh Phúc, thể hiện ở việc không ngừng tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối các doanh nghiệp khác đầu tư vào tỉnh.
Tính đến năm 2021, Vĩnh Phúc đã có 14 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập. Hết tháng 9/2021, toàn tỉnh có 428 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 7 tỷ USD và 821 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 106 nghìn tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp xem Vĩnh Phúc là “mảnh đất lành” để đầu tư hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, Vĩnh Phúc hiện có hơn 500ha đất sạch dành cho công nghiệp, rất sẵn sàng giao cho các nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Trước mắt, để tạo niềm tin với các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đặt trọng tâm vào việc phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành. Đây được đánh giá là những lực đẩy quan trọng giúp bất động sản công nghiệp Vĩnh Phúc đón đầu cơ hội chuyển mình trong năm 2022 và nhiều năm tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp tại Vĩnh Phúc chính là đòn bẩy cho các phân khúc bất động sản khác trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở cho người lao động trong và ngoài tỉnh cùng các chuyên gia nước ngoài. Khảo sát cho thấy, hiện nay ước tính có hàng trăm nghìn chuyên gia, người lao động đang và sẽ đến làm việc tại Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, các dự án nhà ở đồng bộ, chất lượng, đa dạng tiện ích, dịch vụ vẫn còn khan hiếm.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, càng có nhiều lao động muốn an cư ngay tại Vĩnh Phúc để thuận tiện công việc, đảm bảo an toàn giãn cách, thị trường bất động sản nhà ở, khu đô thị hứa hẹn còn nhiều tiềm năng để bứt phá. Cơ hội sẽ dành cho những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có chiến lược đầu tư bài bản, kéo theo đó là các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn cũng sẽ hưởng lợi từ phân khúc này.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển đô thị, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhà ở như: Phê duyệt chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030; Nghị quyết số 04 về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025; Nghị quyết số 57 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư trực tiếp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 159 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ dự án nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015 - 2020…
Từ các cơ chế, chính sách trên và việc quyết liệt cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, đặc biệt từ ngày 7/2/2018, Vĩnh Phúc có thêm thành phố Phúc Yên, ngành công nghiệp tiếp tục phát triển và các khu du lịch, nghỉ dưỡng Tam Đảo, Đại Lải… tiếp tục là điểm đến của du khách sẽ khiến cho thị trường bất động sản không chỉ ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên mà ở cả 8 huyện còn lại càng trở nên sôi động.
Kể từ đầu năm 2021, mức giá đất trên thị trường bất động sản Vĩnh Phúc có dấu hiệu tăng lên. Giá đất mặt đường tại các tuyến chính như đường Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Kim Ngọc... thuộc TP. Vĩnh Yên rơi vào khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2. Giá đất trong các ngõ nằm sâu trong khu dân cư ở mức 12 - 14 triệu đồng/m2. Tại một số dự án khu đô thị, mức giá đất nền đang được rao bán dao động từ 10 - 20 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí dự án và quy mô đầu tư.
Theo một số sàn giao dịch bất động sản tại Vĩnh Phúc, các dự án được quy hoạch bài bản, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và chủ đầu tư uy tín luôn tạo được sức hút lớn cho các nhà đầu tư. Đây cũng là những dự án có thanh khoản tốt, duy trì sức nóng cho thị trường.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn có nhiều lợi thế về du lịch - dịch vụ khi sở hữu quần thể danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như rừng Quốc gia Tam Đảo, hồ Đại Lải, thác Bản Long… Môi trường sống và thiên nhiên Vĩnh Phúc ôn hòa với núi, sông, hồ mang lại những yếu tố tốt cho phong thủy. Tất cả những lợi thế này giúp thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển, đón đầu xu hướng nghỉ dưỡng ven đô.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản ở Vĩnh Phúc đã và đang được nâng tầm vị thế do vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đồng bộ.
Nằm tại cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc được xác định là một cực trong tam giác phát triển đô thị của vùng. Hưởng lợi từ vị trí kế cận sân bay Nội Bài, sở hữu tuyến đường cao tốc thuộc hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng với hệ thống đường giao thông, hạ tầng đô thị được ưu tiên nguồn vốn đầu tư, phát triển, kết nối, thông suốt, Vĩnh Phúc dễ dàng kết nối với các khu vực và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Bên cạnh đó, kết nối giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc ngày một hoàn hảo với hệ thống 5 cây cầu mới bắc qua sông Hồng gồm: Cầu Mễ Sở, cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Đặc biệt, dự án đường vành đai 4 với chiều dài 98km đi qua 3 tỉnh thành, hứa hẹn mở ra nhiều hướng kết nối giao thương nhanh chóng giữa Hà Nội và các khu vực vùng ven, trong đó có Vĩnh Phúc.
Ngoài giao thông liên kết vùng thuận tiện, địa phương này cũng từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã bố trí hơn 8.300 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công để triển khai các dự án kết cấu hạ tầng đô thị.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc sẽ đón sóng đầu tư công với hàng loạt dự án đường cao tốc được mở rộng, nâng cấp bao gồm: Dự án mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, dự án mở rộng đường nối sân bay Nội Bài đi Vĩnh Phúc.
Trong tương lai, Vĩnh Phúc sẽ trở thành Trung tâm kinh tế lớn vùng Thủ đô, bởi các yếu tố thuận lợi giao thông đường không, đường thủy, đường bộ. Việc gắn chặt với hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng khẳng định thêm Vĩnh Phúc là một trung tâm kinh tế lớn.
Vĩnh Phúc đang từng bước xây dựng đô thị để trở thành một thành phố hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống tốt đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo phát triển bền vững đô thị. Đồng thời gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hai đô thị của Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Với sự phát triển vĩ mô về giao thông chiến lược, việc lựa chọn đầu tư bất động sản tại Vĩnh Phúc là hướng đi hiệu quả cho nhà đầu tư.
Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực phía Bắc và 15 tỉnh, thành phố có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu cả nước, trong đó tất cả các tiêu chí năng lực du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Tất cả đều là những lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản Vĩnh Phúc tăng trưởng mạnh, nhất là khi nhiều tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ như hiện nay.
Trong bối cảnh Hà Nội đang khan hiếm quỹ đất, dòng vốn đầu tư kiếm tìm những thị trường vùng ven tiềm năng, Vĩnh Phúc được đánh giá là “vùng xanh” an toàn cho các nhà đầu tư tìm đến “trú ẩn” trong mùa dịch, dẫn dắt sự sôi động thị trường bất động sản ven Hà Nội nói riêng và thị trường bất động sản khu vực phía Bắc nói chung.
Dòng tiền của các nhà đầu tư đổ vào bất động sản Vĩnh Phúc được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và tập trung chủ yếu ở các dự án được quy hoạch một cách bài bản./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận