Cục Hàng không muốn sửa luật để xã hội hoá sân bay, giải quyết bức xúc
Cục hàng không đang nghiên cứu đề án xã hội hoá tại Cảng hàng không Chu Lai cũng như các cảng hàng không khác và sửa Luật để có thể thực hiện được xã hội hoá các cảng hàng không.
Thị trường hàng không nội địa phục hồi
Ngày 26/5, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, thị trường vận tải hành khách qua các cảng hàng không trong tháng 5/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
Theo ông Thắng các chuyến bay quá cảnh hiện nay cũng thấp hơn so với năm trước. Thị trường nội địa hiện đã phục hồi ngang bằng so với trước dịch, dự đoán sẽ tăng trưởng hơn so với năm 2019 (thời điểm trước dịch) khi bước vào cao điểm hè tháng 6.
Tuy nhiên, thị trường hàng không quốc tế vẫn chưa khôi phục như mong muốn của ngành hàng không cũng như các hãng hàng không.
Ông Thắng cho hay: "Hiện vẫn còn 7 nước chưa mở cửa lại để nối các chuyến bay quốc tế. Dự kiến, trong tháng 6/2022 sẽ mở lại đường bay đến Ấn Độ".
"Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phát động thị trường, thu hút khách đi các chuyến bay đến thị trường này", ông Thắng cho biết.
Về việc phát triện hạ tầng hàng không, ông Thắng thông tin, Cục hàng không đang nghiên cứu đề án xã hội hoá tại Cảng hàng không Chu Lai cũng như các cảng hàng không khác, Luật Đầu tư công, Luật Hàng không dân dụng. Theo đó, phải sửa Luật mới có thể thực hiện được xã hội hoá các cảng hàng không.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đang soạn thảo công tác xây dựng, thẩm định, góp ý kiến, giải trình các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã được thể chế hóa bằng Quy chế của Cục Hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không tập trung lãnh đạo việc xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đáp ứng việc triển khai các nghĩa vụ của quốc gia thành viên ICAO.
Việc đôn đốc, theo dõi tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản QPPL đã được thực hiện thường xuyên tại các Hội nghị giao ban Tuần. Các quan điểm chính sách trong quá trình soạn thảo được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng và tuân thủ quy trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Cấp trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm và trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch công tác xây dựng pháp luật; phân công trách nhiệm cụ thể đến từng công chức; khuyến khích, động viên, khen thưởng công chức có thành tích trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách. Trên cơ sở Chương trình xây dựng văn bản QPPL hàng năm của Bộ GTVT, Cục HKVN luôn chủ động xây dựng và ban hành các chương trình xây dựng văn bản QPPL chi tiết của Cục để làm tiền đề, căn cứ cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Thị trường hàng không quốc tế vẫn chưa khôi phục như mong muốn. Ảnh: CTV
Cần giải quyết bức xúc của ngành hàng không
Góp ý về việc xã hội hoá các cảng hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, cần góp ý, xây dựng dự thảo Luật Hàng không đảm bảo giải quyết các bức xúc mà ngành hàng không đang gặp phải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cần hết sức tập trung cho dự án xã hội hoá đầu tư các cảng hàng không, nghiên cứu kỹ lưỡng, có những báo cáo chuyên đề gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp làm thế nào để thực hiện được việc này.
Cùng đó, cần rà soát, xác định các nhóm cảng hàng không để phân cấp quản lý về địa phương, ACV hay các doanh nghiệp tư nhân như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... sao cho hợp lý.
Hiện nay, Bộ GTVT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 10 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải, người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải, xe mô tô 2 bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa có ứng dụng công nghệ.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ chở khách du lịch; yêu cầu sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh phục vụ để tăng cường theo dõi và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ GTVT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đánh giá, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp hàng không do tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời trả lời nhiều kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp hàng không trong phạm vi thẩm quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận