menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Cục hàng hải hiến kế 'giải cứu' hàng tồn tại cảng Cát Lái

Ngày 1/8/2021, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam (HHVN) Nguyễn Xuân Sang đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 nhóm giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ hàng tồn tại cảng Cát Lái.

Dung lượng hàng tồn chạm ngưỡng 100%

Trước đó, ông Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho hay: Sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, sản lượng container xuất nhập tàu (giảm lần lượt là 0,2%, 18,03% và 5,4%); sản lượng giao conatiner nhận bãi (giảm lần lượt là 4,78%, 10,48% và 18,13%), lượt xe ra/vào cảng (giảm lần lượt 3,14%, 10,05% và 15,59%).

"Do việc giao nhận hàng hoá giảm khiến dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn chạm ngưỡng trên 100% công suất", ông Phương Nam nêu.

Cũng theo ông Nam, hiện nay, lượng hàng nhập tồn đang tăng nhanh do nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày do phong tỏa hoặc do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường".

Chính vì vậy, với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái từ trước đến nay phải thường xuyên hoạt động gần tối đa công suất nên nguy cơ cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi. Điều này dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động là hoàn toàn có thể xảy ra như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng cũng đáng lưu tâm. Cụ thể, để duy trì hoạt động thường xuyên, lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường Cảng Cát Lái khoảng 500 người. Lượng nhân sự này chưa kể các lực lượng của cảng có thể làm việc từ xa và nhân viên hải quan, hãng tàu, các cơ quản lý Nhà nước liên quan.

Tuy nhiên, hiện lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất cảng Cát Lái đang bị thiếu hụt 50% (250 người). Mặc dù đã linh hoạt cắt giảm tối đa quân số, điều hành công nhân tập trung 1 mối, tình hình thiếu hụt nhân sự, nhất là công nhân vệ tinh ngày càng trầm trọng.

"Hiện cảng đã bố trí một số khu vực "3 tại chỗ" trong cảng để phục vụ chủ yếu cho lực lượng công nhân xếp dỡ tàu. Mặc dù vậy, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đánh giá phương án này còn thiếu hiệu quả", ông Phương Nam nói.

Ba giải pháp cấp bách cho Cát Lái

Trước những khó khăn đó, Cục HHVN đã có cuộc họp khẩn nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ hàng tồn đọng tại khu vực Cảng Cát Lái (nơi đang chiếm 40% hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam).

Ngày 1/8/2021, Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Xuân Sang đã công văn số 3107/CHHVN-VTDVHH gửi Bộ GTVT nêu 3 nhóm giải pháp tháo gỡ hàng tồn đọng tại cảng Cái Lái.

Cụ thể, thực hiện ngay giải pháp giúp tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng. Cục HHVN giao Chi cục HHVN tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng.

Thứ hai, sớm tăng năng lực khai thác của bãi cảng, Cục hàng hải giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập. Nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi, điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp ...

Thứ ba, yêu cầu Tân Cảng Sài Gòn tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ vào năng lực tiếp nhận của cảng Tân Cảng Cát Lái giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động giải quyết. Đồng thời, làm việc với các chủ hàng, hãng tàu hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.

Ngoài ra, Cục hàng hải cũng xây dựng phương án điều tiết tuyến tàu cập cảng Cát Lái sang các cảng lân cận nêu trên trong trường hợp cảng Tân Cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu. Hiện tại, cảng trong khu vực như VICT, SPCT, SP-ITC, TCIT, TCTT, CMIT, SSIT... năng lực xếp dỡ vẫn còn khả năng tiếp nhận thêm.

"Để việc tháo gỡ những tồn đọng tại Cảng Cát Lái, Cục HHVN đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương thuộc Chi cục HHVN tại thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan để nhanh chóng xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh để bảo đảm duy trì hoạt động các cảng", ông Sang nói.

Cần có cơ chế đặc thù cho Cát Lái

Theo tính toán của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, kế hoạch làm hàng của cảng Tân Cảng Cát Lái sẽ tiếp tục duy trì đến ngày 15/8/2021 (đạt mức cao nhất 97,5% hàng tồn bãi). Kế hoạch này sẽ tiếp tục được Tổng công ty cập nhật và điều chỉnh hàng ngày, hàng tuần để giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động của cảng.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến tiếp tục phức tạp, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tăng cường thêm các giải pháp quyết liệt, mạnh hơn nữa, các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục phải hạn chế hoặc dừng sản xuất thì sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Tân Cảng Cát Lái và các cảng trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hãng tàu sẽ phải điều chỉnh lịch tàu vào các cảng của khu vực.

Trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài, khi đã điều tiết hàng hóa sang các cảng khác, kể cả ở khu vực Cái Mép Thị Vải, khi năng lực tiếp nhận các cảng này, ICD, bãi, kho hàng các nhà máy, xí nghiệp hết công suất, thì nguy cơ cảng Cát Lái và các cảng khác tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu phải lần lượt tạm ngừng tiếp nhận tàu là khó tránh khỏi.

Vì thế, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục có văn bản chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải trong cả nước dự liệu tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 để chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết hàng hóa trong từng khu vực cảng biển và giữa các khu vực với nhau.

Trên cơ sở đó, Cục HHVN đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sớm có cơ chế đặc thù cho Cát Lái.

Ví dụ, đối với Tổng cục Hải quan, cần có cơ chế cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung trong đó có container tồn đọng trên 90 ngày về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại các cơ sở của Tổng Công ty là cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD Tân Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương), ICD Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai). Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cam kết chịu trách nhiệm nguyên trạng của seal và hàng hóa khi chuyển và lưu trữ.

Đồng thời, ưu tiên mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên cổng thông tin một cửa Quốc gia mà không cần bản giấy, trước mắt Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục, ban hành cơ chế riêng trong việc làm thủ tục thông quan và vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các cảng biển, cửa khẩu về lưu giữ tại các địa điểm thông quan trung gian.

Về phía 2 địa phương là UBND Tp. Hồ Chí Minh và UBND Tỉnh Đồng Nai đề nghị ưu tiên cho lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất cảng. Cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất cảng (nếu không lưu trú ở khu vực dân cư đang bị phong tỏa) được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc, đối với lao động đang cư trú tại huyện Nhơn Trạch cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để vào cảng làm việc nếu có giấy xác nhận làm việc tại cảng và giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Ngoài ra, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam nâng cấp chương trình phần mền cấp QR code online, tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc cấp phép lưu hành cho đối tượng lái xe container. Đồng thời, thống nhất sử dụng 1 app thông minh để theo dõi, cập nhật thông tin xét nghiệm, test nhanh người điều khiển phương tiện. Chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh lập điểm xét nghiệm nhanh và cấp giấy 24/7 tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, địa chỉ số 215 Trương Văn Bang, Thành phố Thủ Đức để phục vụ đối tượng lái xe có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Tân Cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại