menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Jennie

Cục diện “cuộc chiến năng lượng” Mỹ-Nga ở châu Âu

Kể từ khi phát động cuộc chiến tại Ukraine cuối tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên tục gia tăng áp lực với phương Tây về vấn đề năng lượng.

Sắc lệnh ký ngày 31/3 như một tối hậu thư yêu cầu châu Âu và Mỹ sử dụng đồng Ruble để mua dầu, khí đốt của Nga. Một tháng sau, Moskva đơn phương tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho hai thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Ba Lan và Bulgaria.

EU đã nhanh chóng, mạnh tay trừng phạt Moskva vì xâm lược Ukraine nhưng vẫn còn “nương tay” với một số ngân hàng có liên quan trực tiếp tới ngành dầu khí Nga và đặc biệt, tránh trừng phạt các tập đoàn năng lượng Nga. Brussels lúng túng vì vấn đề năng lượng, điển hình là sau khi đàm phán gay gắt vẫn chưa nhất trí được giải pháp “cấm vận dầu mỏ”. Việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga càng khó khăn hơn. Cùng lúc, nhiều nước châu Âu đã gấp rút đi tìm các nguồn cung cấp khác, đứng đầu là Mỹ.

Về phía Mỹ, trong tháng 3/2022, lượng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cuối năm 2021, khi Nga bắt đầu điều quân đến sát biên giới với Ukraine, ba tàu chở LNG của Mỹ đã chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu. Trong khi Nga bảo đảm 40% nguồn cung của EU, Na Uy (22%), Algeria (7,2%), Qatar (4,6%), Mỹ gần như vắng bóng trên thị trường, mặc dù nước này có khả năng cung cấp và sản xuất lớn hơn Nga.

Trên đài phát thanh France Inter, ông Francis Perrin - chuyên gia Pháp về năng lượng và là Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) - đã nhấn mạnh tiềm năng rất lớn của Mỹ nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến. Theo ông Perrin, trước cuộc chiến Ukraine, Mỹ đã là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt số 1 thế giới. Trong vòng nhiều tháng qua, Mỹ đã trở thành 1 trong 3 nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới cùng với Qatar và Australia. Washington có khả năng tăng cung ứng thêm cho các đối tác châu Âu trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn và trung hạn, một mình Mỹ không thể thay thế Nga cung cấp cả dầu mỏ và khí đốt cho thị trường EU. Giải pháp đối với Brussels là phải tìm kiếm nhiều nguồn cung cấp, chỉ như vậy mới có thể thay thế dầu khí của Nga.

Tranh giành thị trường

Với công nghệ khai thác dầu mỏ mới, Mỹ đã qua mặt hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của thế giới là Saudi Arabia và Nga. Một bài báo trên tờ báo Pháp “La Croix” ngày 18/4 đã nhắc lại việc này trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Theo đó, để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, chính phủ Mỹ muốn tái khởi động ngành công nghiệp dầu đá phiến, cho dù điều này đi ngược lại với những cam kết mà Tổng thống Joe Biden từng đưa ra khi tranh cử chức tổng thống hồi năm 2020.

Đầu tháng 4/2022, đại diện một cơ quan bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn khai thác khí LNG của Mỹ đã tiếp phái đoàn gồm 12 nước thành viên EU. Các bên đã đàm phán và tìm kiếm “những giải pháp trong ngắn hạn” để thay thế nguồn khí đốt của Nga.

Phía Mỹ khẳng định rằng trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, các nhà sản xuất của Mỹ sẽ tập trung vào thị trường châu Âu. Washington cam kết sẽ không để châu Âu rơi vào tình trạng thiếu dầu mỏ và khí đốt khi bị Nga ngừng cung cấp giống như tình trạng hồi năm 2009. Giờ đây, các quốc gia EU có thể trông cậy vào Mỹ.

Châu Âu trở thành thị trường quan trọng nhất của Mỹ năm 2022

Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, trong 4 tháng đầu năm 2022, hơn 65% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ được cung cấp cho châu Âu. Ý thức được rằng sản lượng này vẫn là chưa đủ, chính quyền Biden đã huy động các nhà sản xuất trong và ngoài nước ưu tiên đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Nhà Trắng đã yêu cầu Doha “hỗ trợ châu Âu” và kêu gọi Tokyo “nhường” một phần đơn đặt hàng của nước này cho châu Âu.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo từng cảnh báo một số quốc gia quá phụ thuộc vào dầu khí của Nga hoặc Iran và kêu gọi những nước này “hãy để ý đến các nhà sản xuất của Mỹ”. Ba Lan là một trong số những nước mà ông Pompeo đã nhắc tới. Nhờ việc ký kết với các tập đoàn như Cheniere Energy và Sempra Energy mà Vacsava không lâm vào thế kẹt như Bulgaria khi Nga thông báo cắt nguồn cung cấp khí đốt.

Ông Perrin phân tích rằng Ba Lan đã có sự chuẩn bị trước. Mặc dù không đáng kể, nhưng Ba Lan có một ngành công nghiệp khí đốt nhỏ. Bên cạnh đó, nước này có cảng để tiếp nhận LNG nếu được giao bằng đường biển. Hiện Ba Lan có khối dự trữ khí đốt tương đương 80% nhu cầu tiêu thụ, hơn bất kỳ nước nào khác trong EU. Trong khi đó, Bulgaria không có nguồn dự trữ lớn, cũng như không nhập khẩu LNG. Thêm nữa, nước này bị cô lập về mặt địa lý và không có đường ống dẫn khí đốt được kết nối với các nước khác trong EU. Hơn bao giờ hết, Sofia cần sự hỗ trợ của các nước EU khác trong giai đoạn khó khăn này.

Phản ứng của phương Tây

Theo ông Perrin, Putin đang sử dụng “quân bài năng lượng” để thăm dò, thử mức độ đoàn kết của các thành viên EU, cũng như phản ứng của Mỹ.

Trong bất kỳ trường hợp nào, ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ cũng có tương lai tươi sáng. Chính quyền Biden cần thúc đẩy sản xuất LNG ở trong nước để nhận được sự ủng hộ của cử tri, cũng như hạ nhiệt thị trường xăng dầu nội địa, đồng thời bành trướng tại châu Âu và thu hẹp ảnh hưởng của Nga đối với EU. Vấn đề còn lại đối với Brussels là cho dù trong tương lai có bớt phụ thuộc vào năng lượng của Nga, thì cũng chỉ để cột chặt số phận vào một nhà cung cấp khác là Mỹ. Còn đối với Moskva, không chắc Điện Kremlin sẽ dễ dàng chia sẻ thị phần với Washington./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả