"Cửa" tăng vốn của 4 NHTM Nhà nước?
Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 8/6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Theo báo cáo của ngân hàng này, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Agribank năm nay chỉ có thể ở mức 4,5 - 5.
Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là cấp bách
Là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Riêng giai đoạn 2014 - 2019, Agribank đã nộp ngân sách nhà nước 14.300 tỷ đồng, trong đó năm 2019 nộp ngân sách nhà nước 6.300 tỷ đồng.
Về thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh của Agribank, tổng tài sản của Agribank tăng trưởng đều hàng năm, giai đoạn 2014 - 2019, tăng trưởng bình quân 13,7%/năm (126.000 tỷ đồng/năm). Đến 31/12/2019, tổng tài sản đạt 1 triệu 451 nghìn tỷ đồng, tăng 169,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2018, tăng 690 nghìn tỷ đồng (tăng 91%) so với thời điểm 31/12/2014. Các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tăng đều qua các năm. ROE tăng từ 5,91% năm 2014 lên 17,6% năm 2019; ROA tăng từ 0,35% năm 2014 lên 0,81% năm 2019.
Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, Agribank đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu. Nợ xấu được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Thời điểm 31/12/2014, tỷ lệ nợ xấu 4,73%; đến 31/12/2019, tỷ lệ nợ xấu còn 1,52%. Tổng nợ xấu giai đoạn 2014 - 2019 được xử lý là 182.875 tỷ đồng, trong đó nợ xấu được xử lý thông qua bán nợ cho VAMC là 42.516 tỷ đồng. Tổng số thu hồi nợ sau xử lý là 57.319 tỷ đồng, trong đó thu hồi nợ đã bán VAMC là 20.737 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, Agribank đã mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.
Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank thời điểm 31/12/2019 là 9,2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các TCTD trong nước. Thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank cũng chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Tuy nhiên, để đáp ứng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.
Theo báo cáo của Agribank, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020 thì tăng trưởng tín dụng năm 2020 của Agribank chỉ có thể ở mức 4,5% - 5%, trong khi đó chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank đã cần tăng trưởng tín dụng ở mức 9% (tương đương 100.000 tỷ đồng), chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các TCTD và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là hiện hữu.
Khi đó Agribank sẽ không đảm bảo được vai trò chủ lực trong việc thực thi chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn khi Ngân hàng này cung ứng đến 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam; ảnh hưởng lớn đến việc triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ.
"Cửa" tăng vốn cho Vietcombank, Vietinbank và BIDV
Bên cạnh Agribank, 3 NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Vietinbank, Vietcombank và BIDV cũng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế, cung ứng vốn cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia như các dự án đường cao tốc, các dự án ngành điện. Đồng thời, các NHTM nhà nước còn là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường tiền tệ, đồng thời hoạt động hiệu quả, nộp nguồn thu lớn cho Ngân sách nhà nước.
Trường hợp không có biện pháp tăng vốn, để đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định, các ngân hàng phải hạn chế tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế; suy giảm vai trò, vị thế của các ngân hàng này trong thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết thị trường.
Thời gian qua, 3 NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn như cơ cấu lại danh mục tài sản, kiểm soát tốc độ gia tăng tài sản có rủi ro; đẩy mạnh hoạt động thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả, các khoản đầu tư góp vốn ngoài ngành và phát hành tối đa trái phiếu để tăng vốn cấp 2 và phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Trong năm 2019, BIDV và Vietcombank đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược (đối với BIDV) và phát hành riêng lẻ (đối với Vietcombank). Riêng Vietinbank, hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước đã dưới ngưỡng tối thiểu, do đó Ngân hàng này không thể thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để đảm bảo cơ sở pháp lý, các ngân hàng trên đây sẽ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận