Cửa đã thông nhưng xuất khẩu lao động vẫn không qua lọt
Thị trường xuất khẩu lao động vẫn chưa thể khởi động trở lại, dù lệnh dừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã kết thúc từ ngày 30-4. “Nếu thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục đóng băng tới cuối năm, hàng trăm doanh nghiệp có nguy cơ phá sản", giám đốc một doanh nghiệp nói.
Vẫn bế tắc
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 cả trong và ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cơ quan quản lý lĩnh vực đưa người Việt đi làm việc ở nước ngoài, đã ra lệnh dừng các hoạt động xuất khẩu lao động tới hết ngày 30-4. Dù đã quá thời hạn trên, theo khảo sát của TBKTSG Online, tất cả các thị trường xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục bế tắc.
“Nước mình hết dịch nhưng các nước khác còn dịch thì cũng không thể mở cửa lại thị trường được. Một số nước có mở cửa lại nhưng không có đường bay hoặc đường bay rất hạn chế", ông Nguyễn Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona) nói.
“Các hãng hàng không vẫn chưa bay, các thị trường vẫn chưa mở cửa", ông Nghiêm Quốc Hưng, Tổng giám đốc Hoàng Long CMS, đơn vị đưa 2.000 lao động làm việc nước ngoài năm 2019 nói và cho rằng, tất cả các thị trường đều bế tắc, không có bất kỳ nước nào nằm ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch.
“Thị trường lao động vẫn bế tắc, các nước vẫn chưa mở cửa thị trường", ông Nguyễn Hữu Phong, Phó tổng giám đốc Công ty TTLC, đơn vị đưa hơn 1.000 lao động năm 2019, nói và cho hay, công ty vẫn chưa có phương án nào để chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới. Tất cả hoạt động của công ty đều ngừng trệ.
“Chúng tôi không tuyển mới mà chỉ đào tạo trực tuyến những lao động đã đăng ký trước đó bởi không biết sắp tới thị trường các nước sẽ diễn biến như thế nào”, ông Phong nói.
Hàng trăm công ty có nguy cơ phá sản
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, thiệt hại do đại dịch Covid gây ra đối với ngành xuất khẩu lao động rất nặng nề. Kịch bản xấu nhất là lao động thất nghiệp và buộc phải về nước nếu các nước không sớm kiểm soát được dịch bệnh.
“Đây là kịch bản ảnh hưởng nặng nề tới từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Nam của Sona nói.
Về phía người lao động, nếu bị mất việc phải về nước, họ và gia đình sẽ mất một nguồn thu nhập lớn. Trung bình mỗi lao động tại thị trường Nhật Bản gửi về mỗi tháng khoảng 800 đô la Mỹ, thị trường Đài Loan khoảng 400 đô la.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ trợ giúp lao động về nước. Riêng đối với Sona, với hơn 800 lao động đi làm việc tại nước ngoài năm 2019, mỗi lao động tại thị trường Nhật Bản hoặc Hàn Quốc về nước, công ty sẽ phải hỗ trợ tiền vé máy bay từ 500-600 đô la. Ngoài ra, công ty còn phải chi một khoản tiền đền bù dựa trên thời gian làm việc còn lại ở nước ngoài và hoàn cảnh của mỗi lao động.
Sona đã rút kinh nghiệm khi ký kết hợp đồng lao động với đối tác nước ngoài sau đợt đưa lao động từ Libya về nước năm 2014, như đối tác phải chi trả tiền vé máy bay, một tháng lương cho lao động ổn định cuộc sống nếu có trường hợp bất khả kháng xảy ra. Tuy nhiên, các công ty như Sona ít nhiều vẫn bị ràng buộc với quy định tại thông tư 16-2017 về bồi thường thiệt hại cho lao động nếu họ buộc phải về nước.
Chưa kể, các kế hoạch kinh doanh đặt ra hồi cuối năm 2019 đều phá sản như việc tuyển dụng, tìm kiếm thị trường, đào tạo….
“Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản", ông Nam nói. Bởi theo giải thích của ông Nam, những năm trước đây, thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài rất phát triển, có hàng trăm doanh nghiệp nhỏ thành lập trong 3 năm trở lại đây. Những doanh nghiệp này vốn mỏng, chưa có tích luỹ nên khó có khả năng chống đỡ mà cơn lốc Covid-19 gây ra.
Không chỉ vậy, lao động về nước ồ ạt sẽ gây áp lực tới thị trường việc làm, vốn đang kiệt quệ với hàng triệu lao động mất việc, hoặc không lương trong những tháng gần đây. Nguồn kiều hối do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về cũng giảm sút nghiêm trọng.
Theo thống kê của ngân hàng nhà nước, mỗi năm, lao động nước ngoài gửi về 2,5 tới 3 tỉ đô la, chiếm khoảng 25% tổng kiều hối.
Theo ông Hưng, riêng tại thị trường Nhật Bản, nơi chiếm phần lớn lao động mà Hoàng Long CMS đưa đi vẫn đang làm việc ổn định. Chính phủ Nhật Bản vừa công bố sẽ trợ giúp cả người Nhật và người nước ngoài. Nước này cũng có chính sách chuyển lao động nước ngoài từ ngành không có nhu cầu tuyển dụng sang ngành vẫn khát lao động, như từ ngành ô tô sang nông nghiệp hoặc y tế.
Bế tắc giải pháp
Để ứng phó với thị trường gần như đóng băng này, Sona đã phải tìm mọi cách để tồn tại như giảm lương, sa thải một số bộ phận làm việc không hiệu quả hoặc không cần thiết. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh tìm kiếm mảng kinh doanh mới như cung cấp lao động cho thị trường trong nước.
Tương tự, để giữ nguồn lực cho mùa “giáp hạt” sắp tới, Hoàng Long CMS phải thắt chặt chi tiêu, tinh gọn bộ máy. Hơn nữa, để thích ứng với môi trường hoàn toàn thay đổi trong và sau đại dịch, công ty cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm liên hệ với đối tác nước ngoài và dạy học trực tuyến. Đây là một trong những biện pháp để công ty chuẩn bị cho quá trình phục hồi thị trường, dự kiến hết năm nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 32.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong quí 1, chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á, chiếm gần 97% tổng số lao động đưa đi. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm trước, khoảng 0,8%. Tuy nhiên, kể từ quí 2 trở đi, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm mạnh.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) cho rằng, đây là thời gian để doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, cũng như tuyển chọn lao động.
Hơn nữa, trong chương trình giảng dạy cho lao động làm việc ở nước ngoài cũng cần thêm kiến thức để người lao động biết phải làm gì trong những tình huống dịch bệnh tương tự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận